MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Béo phì được xác nhận là yếu tố nguy cơ chính gây COVID-19 nghiêm trọng

07-06-2021 - 21:35 PM | Sống

Béo phì được xác nhận là yếu tố nguy cơ chính gây COVID-19 nghiêm trọng

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), cho biết 3/4 số người phải nhập viện vì COVID-19 bị béo phì hoặc thừa cân. Phát hiện này được dựa trên cơ sở nghiên cứu về mức độ nghiêm trọng của COVID-19 có liên quan đến chỉ số khối cơ thể (BMI).

Ngay từ đầu đại dịch, các nhà dịch tễ học đã ghi nhận mối tương quan rõ rệt giữa trọng lượng cơ thể và mức độ nghiêm trọng của COVID-19. Có lẽ không ngạc nhiên khi béo phì có liên quan đến tỷ lệ nhập viện và tử vong cao hơn. Tuy nhiên, một loạt các nghiên cứu được công bố gần đây đang minh chứng yếu tố nguy cơ đối với COVID-19 nghiêm trọng và chỉ số BMI cao thực sự là như thế nào. Trên thực tế, ngoài tuổi tác, thừa cân có thể là yếu tố nguy hiểm nhất dẫn đến nhập viện và tử vong vì COVID-19.

Nghiên cứu mới của CDC đã xem xét 148.494 người lớn nhập viện vì COVID-19 ở Mỹ từ tháng 3 đến tháng 12 năm ngoái. Kết qủa, có tới 79,1% số những bệnh nhân này hoặc thừa cân hoặc béo phì.

Nghiên cứu cũng cho thấy những người có chỉ số BMI từ 23 đến 25 (gần mức trên của giới hạn khỏe mạnh) có nguy cơ nhập viện hoặc tử vong thấp nhất. Những bệnh nhân nhẹ cân, với chỉ số BMI khoảng 15, có nguy cơ nhập viện vì COVID-19 cao hơn 20% so với những người có cân nặng khỏe mạnh.

Theo CDC, cần có các chiến lược tiếp tục để đảm bảo cộng đồng được tiếp cận với chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể chất để xây dựng chỉ số BMI khỏe mạnh.

Ngoài tuổi tác, thừa cân có thể là yếu tố nguy hiểm nhất dẫn đến nhập viện và tử vong do COVID-19

Một báo cáo mở rộng của Hiệp hội Béo phì Thế giới, được công bố vào đầu tháng 3, cũng đã nghiên cứu tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên hơn 160 quốc gia. Báo cáo cho thấy những quốc gia có hơn 50% dân số được phân loại là thừa cân có tỷ lệ tử vong cao hơn đáng kể.

Béo phì được xác nhận là yếu tố nguy cơ chính gây COVID-19 nghiêm trọng - Ảnh 1.

Béo phì là yếu tố nguy hiểm dẫn đến nhập viện và tử vong vì COVID-19.


Báo cáo mô tả mối liên quan phi tuyến tính là đáng chú ý, với tỷ lệ tử vong cao hơn 10 lần ở các quốc gia nơi hơn một nửa dân số đó có chỉ số BMI cao hơn 25.

TS.Tim Lobstein, một trong những tác giả của báo cáo cho biết: “Chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy mối tương quan cao giữa tỷ lệ người trưởng thành thừa cân và tử vong do COVID-19 của một nước. Có những quốc gia giàu có với mức độ thừa cân thấp, như Nhật Bản và Hàn Quốc, họ có tỷ lệ tử vong do COVID rất thấp. Tương tự, có những quốc gia có thu nhập thấp hơn như Nam Phi và Brazil, nơi tình trạng thừa cân hiện đang ảnh hưởng đến hơn một nửa dân số, chúng tôi thấy tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao. Có lẽ thừa cân có thể là một đại dịch tiếp theo đang chờ đợi xảy ra.”

Mối liên hệ giữa béo phì và COVID-19 trầm trọng đáng báo động đến mức ít nhất 29 bang ở Mỹ đã coi béo phì như một yếu tố nguy cơ đủ điều kiện để ưu tiên tiêm chủng trong giai đoạn đầu triển khai vắc xin. Ở những tiểu bang đó, những công dân có chỉ số BMI cao hơn 30 được tiêm vắc xin COVID-19 trong đợt đầu tiên.

Cần đánh giá hiệu quả của vắc-xin COVID-19 ở người bệnh béo phì

Một câu hỏi quan trọng nhất mà các nhà nghiên cứu đang đặt ra là liệu vắc-xin COVID-19 hiện tại có hoàn toàn hiệu quả ở những người béo phì hay không?

Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng những người béo phì có thể không phản ứng hiệu quả với một số loại vắc xin như những người có cân nặng khỏe mạnh. Không rõ điều này có nghĩa là gì trong điều kiện thực tế đối với hiệu quả của vắc-xin COVID-19, nhưng các nhà nghiên cứu suy đoán chỉ số BMI cao có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch.

Mặc dù bệnh nhân béo phì có thể tạo ra đủ kháng thể, nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy họ có mức độ các tế bào B và T thấp hơn sau khi bị nhiễm cúm H1N1. Điều này có thể làm thay đổi phản ứng miễn dịch điển hình, khiến cơ thể bị chậm lại một bước sau khi vi rút xâm nhập. Vậy liệu phản ứng miễn dịch bị thay đổi này có xuất hiện sau khi bị nhiễm COVID-19 hay không? Chính vì điều này, mà các nhà nghiên cứu vẫn đang tiến hành xem xét và đánh giá hiệu quả của vắc-xin COVID-19 ở những bệnh nhân béo phì.

Chỉ số khối cơ thể là công cụ được sử dụng để đo lượng mỡ trong cơ thể. Chỉ số BMI được tính dựa trên chiều cao và cân nặng, áp dụng cho nam và nữ trưởng thành, với công thức: BMI = W/ [(H)2]. Trong đó, W là cân nặng (kg), H là chiều cao (m). Chỉ số BMI bình thường dao động trong khoảng 18,5 - 24,9, từ 30 trở lên, cho thấy bạn đang bị béo phì.

Theo Lê Minh

Sức khỏe đời sống

Trở lên trên