MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

BI: 3 lý do khiến ngay cả Trung Quốc cũng không muốn đồng Nhân dân tệ "soán ngôi" đồng USD

07-06-2023 - 22:00 PM | Tài chính quốc tế

Trả lời Business Insider, chuyên gia kinh tế cho biết Trung Quốc có những lí do riêng để không theo đuổi việc thay thế vị trí của đồng USD trong nền kinh tế thế giới.

BI: 3 lý do khiến ngay cả Trung Quốc cũng không muốn đồng Nhân dân tệ "soán ngôi" đồng USD - Ảnh 1.

Theo Business Insider, một cuộc tranh luận về phi đô lá hóa đã nổ ra trong năm qua do lo ngại rằng Washington đang vũ khí hóa hệ thống tài chính toàn cầu bằng đồng USD để gây khó cho Nga.

Ngay cả các nhà đầu tư nổi tiếng cũng đã bày tỏ ý kiến liên quan đến vấn đề này. Vào tháng 4, nhà đầu tư - tỷ phú Ray Dalio đã cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt siết chặt dự trữ tiền tệ bằng đồng USD của Nga "sẽ làm tăng rủi ro hiện hữu rằng các tài sản nợ đó có thể bị đóng băng theo cách mà chúng đã bị đóng băng đối với Nga".

Do đó, nhiều quốc gia bắt đầu chú ý tới các loại tiền tệ không phải USD và các tài sản thay thế khác để sử dụng trong thương mại và cất giữ trong kho dự trữ của họ.

Đồng Nhân dân tệ (NDT) là một trong những lựa chọn hàng đầu.

Theo Business Insider, đồng tiền của Trung Quốc đang trở thành thách thức tiềm tàng đối với hệ thống thanh toán toàn cầu do đồng USD thống trị. Khi muốn mở rộng việc sử dụng đồng tiền của mình trên phạm vi quốc tế, Trung Quốc đã thực hiện nhiều thỏa thuận với các quốc gia, bao gồm cả Nga. Và mặc dù đồng tiền này không phải là đối thủ duy nhất của đồng USD, nhưng nó là đối thủ "nặng ký" nhất, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung tiếp diễn và mối quan hệ vững chắc của Bắc Kinh và Moscow.

Tuy nhiên, sẽ rất khó để có bất kỳ tài sản hoặc tiền tệ nào có thể vượt qua đồng USD. Hiện nay, ngay cả việc sử dụng đồng Euro cũng không bằng sử dụng đồng USD.

Và quan trọng hơn cả, ngay cả Bắc Kinh cũng không muốn đồng NDT trở thành đồng tiền dự trữ chính của thế giới, một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc nhận định với Business Insider.

Dưới đây là ba lý do tại sao ngay cả Trung Quốc cũng không mặn mà với việc phi đô la hóa nền kinh tế thế giới.

1. Trung Quốc không muốn tự do hóa tiền tệ và cho phép tiền tự do di chuyển ra vào nền kinh tế

Rory Green, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại công ty tư vấn TS Lombard có trụ sở tại London, cho biết mặc dù Trung Quốc có vẻ muốn phá vỡ sự thống trị toàn cầu về kinh tế của Mỹ, nhưng Bắc Kinh muốn làm vậy theo cách riêng.

Trong một báo cáo ngày 28/4, Green cho biết Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã hành động thận trọng trong thập kỷ qua để thúc đẩy việc sử dụng đồng NDT nhiều hơn mà không làm gián đoạn an ninh tài chính và hiện tại không có khả năng thay đổi chiến lược đó.

Sự ổn định này được duy trì thông qua việc sử dụng các biện pháp kiểm soát vốn — kiểm soát lượng tiền nước ngoài có thể di chuyển vào và ra khỏi nền kinh tế Trung Quốc, từ đó ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái ngoại tệ.

BI: 3 lý do khiến ngay cả Trung Quốc cũng không muốn đồng Nhân dân tệ "soán ngôi" đồng USD - Ảnh 2.

Chính sách của Bắc Kinh thường nghiêng về việc có những biện pháp kiểm soát như vậy, vì họ coi chúng là điều kiện tiên quyết cho một chính sách tiền tệ độc lập - ông Green viết.

Thay vì thúc đẩy đồng NDT trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu, Bắc Kinh có thể sẽ theo đuổi việc tăng phạm vi ảnh hưởng của NDT đối với các quốc gia mà họ thường xuyên giao dịch.

2. Trung Quốc không muốn và không thể để thâm hụt lâu dài như Mỹ

Vị trí và ảnh hưởng của đồng USD với tư cách là một đồng tiền dự trữ đi kèm với cái giá phải trả - đó là thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ.

Đó là bởi vì có nhiều nhu cầu về USD trên toàn cầu hơn so với nhu cầu nhập khẩu của người Mỹ, vốn cũng đang được thanh toán bằng đồng USD.

Vì vậy, Mỹ sẽ cần phải đối mặt với số lượng thâm hụt lớn hơn bao giờ hết để duy trì vị thế đồng tiền dự trữ của mình. Nghịch lý này lần đầu tiên được nhà kinh tế Robert Triffin của Đại học Yale đưa ra trước Quốc hội vào năm 1960.

BI: 3 lý do khiến ngay cả Trung Quốc cũng không muốn đồng Nhân dân tệ "soán ngôi" đồng USD - Ảnh 3.

Nhược điểm của thâm hụt tài khoản vãng lai là nó khiến quốc gia trở nên dễ bị tổn thương trước những thay đổi bất ngờ trong dòng vốn toàn cầu, theo Bloomberg.

Như John Kemp của Reuters giải thích vào năm 2009, Mỹ đã có thâm hụt ngân sách và tài khoản vãng lai lớn hơn hầu hết các quốc gia khác chỉ vì nước này là nhà phát hành đồng tiền dự trữ chính của thế giới.

Kemp viết: "Khi nền kinh tế toàn cầu mở rộng, nhu cầu về tài sản dự trữ tăng lên. Những tài sản này chỉ có thể được cung cấp cho người nước ngoài bởi nước Mỹ - vốn đang thâm hụt tài khoản vãng lai".

Ông Green cho biết, mặc dù Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng nước này sẽ không thể chịu được tình trạng thâm hụt lâu dai như Mỹ.

Ông viết: "Trung Quốc không sẵn lòng về mặt chính trị và không có khả năng về kinh tế - trừ khi có cải cách cơ cấu quan trọng - để thâm hụt tài khoản vãng lai kéo dài và cung cấp đủ nguồn cung tài sản nhân dân tệ trên toàn cầu".

3. Trung Quốc cần tài sản thay thế trước các rủi ro địa chính trị

Sự phổ biến của USD là thách thức đối với bất kỳ loại tiền tệ nào muốn thay thế đồng USD làm đồng tiền dự trữ của thế giới.

Hiện tại, vai trò của đồng Euro còn lớn hơn đồng NDT.

Vào tháng 4, 43% tổng số khoản thanh toán toàn cầu được thực hiện qua SWIFT bằng đồng USD, trong khi 32% được thực hiện bằng đồng Euro. Chỉ 2,3% giao dịch SWIFT được thực hiện bằng đồng NDT.

Trong khi đó, đồng USD chiếm tỷ trọng lớn, tương đương 54% dự trữ ngoại hối toàn cầu trong quý 4/2022, theo dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Đồng Euro chiếm 20% lượng dự trữ, trong khi đồng NDT chỉ chiếm 2,5% lượng dự trữ này.

Trả lời CNBC ngày 1/5, nhà sử học Niall Ferguson của Đại học Stanford cho rằng có nhiều trở ngại bên cạnh những thách thức nằm ngoài tầm kiểm soát của Trung Quốc, bao gồm cả rủi ro trong hệ thống tài chính toàn cầu.

Ông Green viết: "Địa chính trị và sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đang đẩy mạnh – và sẽ tiếp tục thúc đẩy – việc sử dụng NDT cho thương mại và dự trữ. Việc sử dụng nhân dân tệ trên phạm vi quốc tế nhiều hơn sẽ tạo ra các kênh để phá vỡ lệnh trừng phạt, nhưng đồng USD sẽ không bị đe dọa".

Theo Tất Đạt

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên