Bi kịch "không đủ tiền mua nhà" và những con người bị bỏ lại phía sau ở thành phố đáng sống nhất thế giới
Tỷ lệ sở hữu nhà trong nhóm người trẻ Australia hiện đang ở mức thấp kỷ lục, hệ quả của cơn sốt bất động sản đã “hạ gục” tất cả mọi người (tất nhiên là trừ những người giàu).
- 03-10-2017Ám ảnh phía sau 26 năm kinh tế Australia không suy thoái
- 06-09-2017Australia sắp triển khai máy ATM bitcoin ‘hai chiều’ cho phép gửi và rút tiền ảo dễ dàng như "đi chợ"
- 15-06-2017Không phải Mỹ hay Nhật, Australia mới là nhà vô địch thế giới về thời gian tăng trưởng kinh tế
- 05-05-2017Vượt nửa vòng trái đất, Thủ tướng Australia chỉ được gặp ông Trump trong 30 phút
Bị thổi phồng bởi mức lãi suất siêu thấp, tình trạng thiếu nguồn cung và 1 hệ thống thuế dành nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư bất động sản, giá nhà ở Australia đã tăng hơn 140% trong 15 năm qua. Sydney vượt London và New York trở thành thị trường nhà đất đắt đỏ thứ hai thế giới. Kết quả là Melbourne, nơi được Economist Intelligence Unit xếp hạng là thành phố đáng sống nhất thế giới trong suốt 7 năm liền, hiện đứng thứ 6 trong danh sách những nơi đắt nhất thế giới để mua 1 ngôi nhà.
Vì giá nhà quá đắt, tỷ lệ sở hữu nhà ở trong giới trẻ Australia đã sụt giảm mạnh. Chỉ 45% người từ 25 – 34 tuổi có thể sở hữu nhà riêng, giảm 16 điểm phần trăm so với những năm 1980. Bên cạnh đó là tỷ lệ nợ của các hộ gia đình cũng lập kỷ lục mới. Đây chính là mảng tối phía sau kỷ lục 26 năm không suy thoái của kinh tế Australia. Ngày càng có nhiều người nghỉ hưu vẫn chìm trong các khoản nợ thế chấp hoặc đang phải đi thuê nhà, và họ sẽ trở thành gánh nặng cho hệ thống an sinh xã hội.
“Giấc mộng đẹp về sở hữu nhà ở Australia giờ đây đã trở thành cơn ác mộng”, Brendan Coates, chuyên gia về chính sách nhà ở tại Grattan Institute, nhận định. “Đó là một thất bại về chính sách và Australia sẽ mất ít nhất 2 thập kỷ để sửa chữa”.
Khảo sát được ĐH quốc gia Australia thực hiện cho thấy gần 90% người dân Australia lo sợ rằng con cháu sẽ không thể mua nổi 1 căn nhà. Không thể hạ nhiệt thị trường nhà đất, áp lực đè nặng lên chính phủ Australia ngày càng lớn sau một loạt vụ bê bối mất uy tín gần đây như dự án đường truyền Internet 38 tỷ USD đổ bể hay chính sách năng lượng yếu kém khiến hóa đơn điện tăng vọt.
Một trong những thứ khiến các cử tri Úc phẫn nộ nhất là các ưu đãi thuế đã biến nhà ở thành 1 tài sản đầu cơ tài chính. Những người mua nhà lần đầu phàn nàn rằng họ không thể cạnh tranh nổi với giới đầu cơ luôn lợi dụng “negative gearing” (tạm gọi là khấu trừ đầu tư thua lỗ, cho phép những nhà đầu tư nhà đất bị thua lỗ được giảm thuế thu nhập). Và thực ra thì sức hấp dẫn của thị trường nhà đất Úc đã tăng lên đáng kể kể từ năm 1999, khi thuế đánh vào thặng dư vốn được giảm đi một nửa. Coi đầu tư vào bất động sản là “đường một chiều” chắc chắn sẽ giúp thắng lớn, nhà đầu tư càng rót vốn mạnh tay hơn.
Theo Paul Dales, chuyên gia kinh tế trưởng tại Capital Economics, nhiều tiền bạc đổ vào đầu cơ nhà đất có nghĩa là tiền để chi tiêu và đầu tư cho các chỗ khác ít đi, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. “Chỉ cần vài đợt tăng lãi suất thì các hộ gia đình đang nặng nợ sẽ phải gánh chịu hậu quả”.
Mức giá trung bình cho 1 ngôi nhà ở Sydney đã vượt quá 1 triệu đô Úc, khiến các cử tri phẫn nộ. Kết quả là trong suốt chiến dịch tranh cử năm ngoái, đảng đối lập một mực yêu cầu phải thay đổi chính sách negative gearing và giảm mức khấu trừ thuế đánh vào thặng dư vốn. Thủ tướng Malcolm Turnbull đã bác bỏ những thay đổi này, công kích đảng Lao động rằng nếu làm như vậy thị trường nhà đất Australia sẽ sụp đổ.
Hồi tháng 5, Chính phủ Australia đã đưa ra một gói các biện pháp nhằm cải thiện khả năng mua nhà của người dân. Tuy nhiên đó chỉ là 1 chính sách chắp vá khi chủ yếu nhắm vào những nhà đầu tư nước ngoài thường để những căn nhà trống trơn và ưu đãi thuế cho những người vay tiền mua nhà lần đầu. Những chính sách này tỏ ra không hiệu quả.
Trong khi đó các chính trị gia Australia đưa ra những giải pháp nghe rất phi lý. Cựu Bộ trưởng Tài chính Joe Hockey nói rằng những người gặp khó khăn có thể giải quyết vấn đề bằng cách đơn giản là “kiếm 1 công việc tốt với mức lương cao”. Phó Thủ tướng Barnaby Joyce lại nói rằng nếu không mua được nhà ở Sydney thì hãy chuyển đến những vùng nông thôn như Charleville (Queesland), nơi giá nhà chỉ rẻ bằng 1/6 ở Sydney nhưng lại có tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ cao nhất cả nước.
Chính sách nhập cư của Australia cũng là một trong những nguyên nhân chính làm áp lực về cầu gia tăng. Dân số của nước này đã tăng gần 4 triệu người kể từ 2006, và hầu hết người nhập cư đều bám trụ ở các thành phố lớn. Nguồn cung không tăng trưởng kịp, hơn nữa những dự án mới đều tập trung vào các căn hộ nhỏ phù hợp để đầu tư hơn là phục vụ các hộ gia đình có nhu cầu ở thực sự.
Giá nhà “trên trời” gây ra những hệ lụy xã hội. Các giáo viên, y tá và những người lao động có thu nhập thuộc loại từ thấp đến trung bình khác không thể sống ở những nơi có cộng đồng mà họ phục vụ, trong khi người trẻ không có khả năng mua nhà sẽ trì hoãn chuyện kết hôn và sinh con.
Đối lập với Sydney và Melbourne, những thành phố lớn khác trên thế giới đã đưa ra các biện pháp quyết liệt hơn nhiều. Sau khi thực hiện một loạt giải pháp nhằm loại những kẻ đầu cơ ra khỏi thị trường, giá nhà ở Singapore đã giảm 3 năm liên tiếp. Ở Canada, giá nhà tại Toronto chỉ giảm xuống sau khi chính quyền thành phố đánh thuế 15% đối với người mua là người nước ngoài và kiểm soát hoạt động cho thuê chặt chẽ hơn.