MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bị mất việc do COVID -19, lao động Việt Nam ở Nhật được hỗ trợ gần 2 triệu đồng/ngày

Chính phủ Nhật Bản vừa ban hành một số chính sách để hỗ trợ lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch COVID - 19 như: Trợ cấp nghỉ việc, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp sinh hoạt hoặc chuyển đối tư cách lưu trú khi thực tập sinh bị nghỉ việc tạm thời, mất việc làm hoặc không thể về nước trong thời gian này.

Theo đó, đối với lao động bị nghỉ việc tạm thời do DN tiếp nhận thu hẹp sản xuất bởi ảnh hưởng của COVID-19 sẽ được Chính phủ Nhật Bản trợ cấp nghỉ việc tạm thời với mức trợ cấp từ 6.815 yên ~ 8330 yên/người/ngày (1,5 – 1,8 triệu đồng/người/ngày).

Khoản tiền hỗ trợ nêu trên sẽ được Chính phủ Nhật Bản cấp cho DN tiếp nhận để hỗ trợ trả lương cho lao động, thực tập sinh.

Đối với lao động bị mất việc sẽ được nhận trợ cấp thất nghiệp với mức trợ cấp từ 6.815 yên ~ 8.330 yên/ngày. Thời gian nhận trợ cấp trong khoảng từ 90 ngày đến 150 ngày tùy theo độ tuổi.

Để nhận được khoản trợ cấp này, trước đó người lao động/thực tập sinh cần tham gia bảo hiểm tuyển dụng. Để làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp, người lao động lấy giấy chứng nhận thất nghiệp từ DN tiếp nhận cũ và nộp hồ sơ làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp tại các trung tâm dịch vụ việc làm của chính phủ Nhật Bản (tổ chức Hello Work)

Ngoài ra, đối với người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của COVID – 19, Tổng Cục quản lý xuất nhập cảnh Nhật Bản cho biết, sẽ hỗ trợ chuyển đổi tư cách lưu trú thành “hoạt động đặc định” có thời hạn tối đa 1 năm và được phép làm việc trong 14 lĩnh vực ngành nghề hiện Nhật Bản đang cho phép tiếp nhận lao động kỹ năng đặc định: Hộ lý, Vệ sinh tòa nhà, Công nghiệp vật liệu, Chế tạo máy công nghiệp, Điện-điện tử viễn thông, Xây dựng, Đóng tàu-công nghiệp hàng hải, Bảo dưỡng và sửa chữa ô tô, Hàng không, Dịch vụ lưu trú khách sạn, Nông nghiệp, Ngư nghiệp, Chế biến thực phẩm-đồ uống, Dịch vụ ăn uống. Cơ quan chức năng Nhật Bản bắt đầu tiếp nhận đơn đăng ký chuyển đổi tư cách lưu trú từ ngày 20/04/2020.

Đối với lao động hết hạn hợp đồng nhưng chưa thể về nước Tổng Cục quản lý xuất nhập cảnh Nhật Bản cho phép lao động chuyển đối tư cách lưu trú thành “khách du lịch ngắn hạn” có thời gian lưu trú tối đa 90 ngày và không được làm việc hoặc tư cách lưu trú “hoạt động đặc định” có thời gian lưu trú tối đa 90 ngày và được phép làm việc.

Mỗi người dân nước ngoài được hỗ trợ 100.000 Yên

Do dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân nên Chính phủ Nhật Bản đã quyết định hỗ trợ đồng loạt 100.000 yên (khoảng 22 triệu đồng) cho tất cả công dân đang sinh sống tại Nhật Bản bao gồm cả người nước ngoài đã đăng ký cư trú hợp pháp tại thời điểm ngày 27/04/2020 và có tên trong “Sổ đăng ký thường trú cơ bản”. Điều kiện để người nước ngoài nhận được khoản trợ cấp trên đối với người nước ngoài gồm: có thẻ lưu trú với thời hạn lưu trú trên 3 tháng; đã đăng ký cư trú tại cơ quan hành chính địa phương sinh sống.

Từ ngày 28/3/2020, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định tạm đình chỉ hiệu lực visa nhập cảnh Nhật Bản đối với công dân các nước Đông Nam Á và Trung Đông. Quy định được áp dụng đến hết tháng 4/2020. Tuy nhiên đến nay, do tình hình diễn biến dịch bệnh COVID -19 chưa được cải thiện nên Chính phủ Nhật Bản đã tiếp tục kéo dài quy định hạn chế nhập cảnh đến hết tháng 5/2020.

Để giúp cho thực tập sinh Việt Nam nhận được các chính sách hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản theo quy định, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, đã yêu cầu DN phái cử của Việt Nam, chủ động phối hợp với cơ quan tiếp nhận Nhật Bản hỗ trợ thực tập sinh Việt Nam để nhận được trợ cấp nêu trên.

Bám sát tình hình thực tế dịch bệnh tại Nhật Bản và quy định về hạn chế nhập cảnh đối với người nước ngoài để phối hợp với đoàn thể tiếp nhận điều chỉnh thời gian xuất cảnh của thực tập sinh cho phù hợp. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nghề và ngoại ngữ cho thực tập sinh đã trúng tuyển đáp ứng yêu cầu của phía Nhật Bản.

Hiện, Việt Nam có khoảng hơn 400.000 lao động và công dân đang làm việc và học tập tại Nhật Bản.

Theo Dương Hưng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên