MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bí quyết sống thọ của vị bác sĩ người Nhật 105 tuổi: Điều số 6 nhiều người đến cuối cuộc đời vẫn loay hoay đi tìm

25-06-2020 - 14:22 PM | Sống

Nếu bạn đang tìm kiếm một bí kíp để sống thọ hơn, thì đơn giản là hãy cho mình một lý do để sống.

Shigeaki Hinohara là một bác sĩ người Nhật. Một trong những câu hỏi ông thường xuyên nhận được từ mọi người đó là: Làm thế nào để sống thọ hơn? Rõ ràng ông đã thực hành những gì ông khuyên mọi người, bởi vị bác sĩ này đã sống thọ tới 105 tuổi.

Dưới đây là những lời khuyên của Shigeaki Hinohara để kéo dài tuổi thọ và sống một cuộc đời hạnh phúc.

Niềm vui là liều thuốc giảm đau tốt nhất

Hinohara đã giúp bệnh nhân của ông không phàn nàn về những cơn đau nhức của mình bằng phương pháp riêng của mình. Vị bác sĩ đã áp dụng trí khôn của trẻ con khi đối phó với những cơn đau đó là quên đi sự khó chịu thông qua sự xao lãng khi chơi đùa. Bằng việc chuyển sự tập trung của bạn trở nên tích cực hơn, niềm vui đem lại những lợi ích về mặt thể chất. Tiếng cười giúp làm giảm hormone gây căng thẳng; và tăng sự tuần hoàn của các tế bào miễn dịch và kháng thể chống nhiễm trùng.

Bởi vậy mà thành ngữ có câu: Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ.

Bí quyết sống thọ của vị bác sĩ người Nhật 105 tuổi: Điều số 6 nhiều người đến cuối cuộc đời vẫn loay hoay đi tìm - Ảnh 1.

Từ bỏ gánh nặng vật chất

Thường thì những kỷ niệm đẹp nhất mà chúng ta có đến từ những trải nghiệm. Điều này chứng minh rằng chúng ta có được nhiều hạnh phúc từ trải nghiệm hơn là việc sở hữu tài sản vật chất, đặc biệt là khi những trải nghiệm đó được chia sẻ với người khác.

Lời khuyên của vị bác sĩ người Nhật là từ bỏ gánh nặng vật chất sẽ giúp bạn sống thọ hơn. Bạn sẽ không thể mang theo bất kỳ tài sản vật chất nào sau khi chết vì vậy đừng bị ám ảnh bởi tiền bạc, thay vào đó hãy tận hưởng những niềm vui đơn giản của cuộc sống.

Dùng cầu thang bộ và tự mang đồ của mình

Duy trì các hoạt động thể chất thường xuyên là một trong những yếu tố quan trọng nhất để giữ gìn sức khỏe, cho dù bạn tám tuổi hay là tám mươi tuổi. Giống như não bộ, chất lượng cơ bắp của chúng ta hoạt động theo cơ chế “sử dụng chúng hoặc là mất đi chúng”. Cơ thể chúng ta thích nghi để khỏe mạnh nhất từ ​​việc tập thể dục thường xuyên và vừa phải.

Bởi vậy đừng cho phép bản thân thư giãn và lười biếng. Khi chúng ta ít vận động, chất béo sẽ bắt đầu tích tụ và cơ bắp trở nên nhão vì không được sử dụng. Việc tập thể dục thường xuyên giúp giữ cho cơ bắp hoạt động và thúc đẩy sản xuất BDNF trong não (chất protein chính chịu trách nhiệm tái tạo và phát triển các tế bào não mới).

Tiến sĩ Hinohara nhấn mạnh tầm quan trọng của các hoạt động thể chất vừa phải hàng ngày. Việc lựa chọn các hoạt động thể chất nhẹ nhàng như đi bộ, sử dụng cầu thang bộ và tự mang đồ mua sắm sẽ giúp cơ bắp của bạn làm việc, tạo ra các tế bào não mới (giúp cho bạn minh mẫn hơn) và chống lão hóa.

Cố gắng không ăn quá nhiều

Bí quyết sống thọ của vị bác sĩ người Nhật 105 tuổi: Điều số 6 nhiều người đến cuối cuộc đời vẫn loay hoay đi tìm - Ảnh 2.

Vị bác sĩ người Nhật đã cảnh báo việc ăn quá nhiều sẽ ảnh hưởng không chỉ tới vóc dáng mà còn sự khỏe mạnh của cơ thể. Ăn quá nhiều và thường xuyên dẫn đến nguy cơ béo phì và việc tích trữ quá nhiều chất béo dư thừa có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nói chung. Ngoài ra, nạp quá nhiều đồ ăn cũng gây căng thẳng cho hệ thống tiêu hóa và làm sự gián đoạn trong nhịp sinh học của cơ thể.

Vì vậy, hãy kiểm soát lượng thức ăn tiêu thụ mỗi ngày và chắc chắn rằng rằng bạn không ăn nhiều hơn nhu cầu của cơ thể.

Cân nhắc về các cuộc phẫu thuật

Mặc dù là một bác sĩ, nhưng Hinohara khuyên bạn không nên luôn luôn nghe theo lời bác sĩ và tiến hành phẫu thuật trước khi thử các phương pháp ít xâm phạm hơn như trị liệu bằng tiếng cười hay âm nhạc. Vị bác sĩ nói rằng nhiều căn bệnh có thể được chữa khỏi mà không cần phải phẫu thuật ngay lập tức.

Tạo ra mục đích sống cho bản thân

Bí quyết sống thọ của vị bác sĩ người Nhật 105 tuổi: Điều số 6 nhiều người đến cuối cuộc đời vẫn loay hoay đi tìm - Ảnh 3.

Tiến sĩ Hinohara đã quan sát thấy rằng nhiều người sau khi nghỉ hưu, cuộc sống của họ giống như đang dừng lại. Nhật ký của họ đột nhiên chuyển từ những lịch trình bận rộn sang gần như trống rỗng và họ thấy mình quá nhàn rỗi. Bác sĩ Hinohara thì khác. Ông vẫn duy trì lịch trình như khi còn trẻ, thậm chí cả khi ông đã ngoài 100 tuổi. Ông vẫn làm việc tại bệnh viện, nói chuyện với bệnh nhận, và tham gia các dự án cộng đồng.

Khi một người ngừng lập kế hoạch, họ có xu hướng ngừng sống một cách trọn vẹn. Điều đó không có nghĩa là bạn phải lập kế hoạch cho từng việc nhỏ bạn làm bởi tính tự phát và sự linh hoạt cũng rất quan trọng, nhưng giữ cho bản thân sự năng động bằng cách lên kế hoạch cho các công việc và sở thích là chìa khóa của tuổi thọ.

Bác sĩ Hinohara chỉ ra rằng thông thường tuổi nghỉ hưu ở Nhật là 65 được thiết lập do tuổi thọ trung bình là 68. Tuy nhiên, ngày nay tuổi thọ trung bình ở nước này dao động quanh mốc 80 tuổi. Trước đây, nghỉ hưu có nghĩa là thư giãn và sống thêm một vài năm. Nhưng ngày nay, nghỉ hưu ở tuổi 65 nghĩa là bạn còn có cả một cuộc đời khác để lấp đầy sau khi hoàn thành công việc.

Những người tiếp tục làm việc trong những năm về già có xu hướng sống lâu hơn và có cuộc sống trọn vẹn hơn. Thế nhưng có một sự khác biệt rõ ràng đó là: Những người tận hưởng những gì họ làm thì sống thọ hơn; còn những người làm việc trong một vai trò nhiều căng thẳng hoặc không thỏa mãn thì tuổi thọ có khả năng bị rút ngắn.

Cho nên có một công việc, vai trò hoặc sở thích mà bạn yêu thích để làm sau khi nghỉ hưu là bí kíp để có một cuộc sống khỏe mạnh và lâu dài hơn. Bởi chúng sẽ giữ cho bộ não và cơ thể hoạt động, duy trì các liên lạc xã hội và cho phép bạn tiếp tục lập kế hoạch. Chúng sẽ đảm bảo bạn có những việc cần làm và những điều mong đợi; và quan trọng nhất, nó giúp duy trì ý thức về mục đích sống của bạn.

Mục đích là lý do để bạn thức dậy vào buổi sáng và tiếp tục cuộc sống, đặc biệt là khi nó liên quan đến trách nhiệm và những người khác. Nếu bạn không thích làm việc sau tuổi nghỉ hưu, tình nguyện là một lựa chọn tốt. Nó giúp kích thích tinh thần, thúc đẩy các hoạt động thể chất và duy trì các kết nối xã hội, nhưng không gây ra nhiều căng thẳng về tâm lý hay thể chất.

Nếu bạn đang tìm kiếm một bí kíp để sống thọ hơn, thì đơn giản là hãy cho mình một lý do để sống.

Theo Medium

Thiên An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên