MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Biến' lớn ở TTCK lớn thứ hai Đông Nam Á: Công ty kiểu mẫu bỗng đứng trước nguy cơ vỡ nợ, cổ phiếu lao dốc 99%

24-06-2023 - 07:18 AM | Tài chính quốc tế

'Biến' lớn ở TTCK lớn thứ hai Đông Nam Á: Công ty kiểu mẫu bỗng đứng trước nguy cơ vỡ nợ, cổ phiếu lao dốc 99%

Chỉ 1 năm trước, Stark Corp vẫn được coi là ví dụ điển hình cho câu chuyện thành công của các doanh nghiệp Thái Lan. Thế nhưng ở thời điểm hiện tại, Stark lại trở thành một trong những rủi ro tài chính lớn nhất ở nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á.

99% giá trị vốn hóa 'bay màu'

Chỉ 1 năm trước, Stark Corp vẫn được coi là ví dụ điển hình cho câu chuyện thành công của các doanh nghiệp Thái Lan. Công ty sản xuất cáp điện Stark được định giá gần 2 tỷ USD, mạnh mẽ thực hiện một loạt vụ thâu tóm và nuôi tham vọng vươn ra bên ngoài châu Á.

Thế nhưng ở thời điểm hiện tại, Stark lại trở thành một trong những rủi ro tài chính lớn nhất ở nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á. Chìm trong bê bối kế toán, Stark đã mất đi 99% giá trị vốn hóa và đứng trước nguy cơ vỡ nợ với tổng số nợ phải trả lên đến 1,1 tỷ USD.

Stark được kiểm toán bởi một trong những công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, nhưng các kiểm toán viên cũng không phát hiện ra vấn đề cho đến khi mọi chuyện vỡ lở.

'Biến' lớn ở TTCK lớn thứ hai Đông Nam Á: Công ty kiểu mẫu bỗng đứng trước nguy cơ vỡ nợ, cổ phiếu lao dốc 99% - Ảnh 1.

Cổ phiếu Stark lao dốc mạnh sau một loạt bê bối. Nguồn: Bloomberg.

Năm 1990, tiền thân của Stark ra đời với tên gọi Siam Inter Multimedia, với vai trò là 1 công ty xuất bản và phân phối truyện tranh. Công ty đổi tên thành Stark Corp từ năm 2019, khoảng 1 năm sau khi doanh nhân Vonnarat Tangkaravakoon mua lượng lớn cổ phần và giành quyền kiểm soát. Tính đến tháng 10 năm ngoái, Vonnarat là cổ đông lớn nhất của Stark, sở hữu 45% cổ phần.

Sau khi tiếp quản công ty, Vonnarat chuyển hướng hoàn toàn sang mảng sản xuất dây cáp điện và linh kiện bằng cách thâu tóm nhà sản xuất cáp điện Phelps Dodge International.

Năm nay 51 tuổi, Vonnarat là con trai cả của Prachak Tangkaravakoon, người sáng lập TOA Paint, công ty sơn lớn nhất Thái Lan. Vonnarat cũng là giữ chức vụ lãnh đạo ở Toa từ năm 1998 cho tới khi ông từ chức tháng trước. Ông hiện nắm 9% cổ phần của hãng sơn.

Dưới thời Vonnarat, Stark tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng nhờ các vụ thâu tóm. Tháng 5 năm ngoái, công ty chi 560 triệu euro thâu tóm Leoni Business Group Automotive Cable Solutions (Đức), đánh dấu bước chân đầu tiên vươn ra bên ngoài châu Á.

Từ ngôi sao sáng trở thành vết nhơ

Đối với hầu hết các nhà đầu tư, dấu hiệu bất ổn đầu tiên xuất hiện vào tháng 12 năm ngoái, khi Stark thông báo rút khỏi thương vụ mua Leoni dù đã huy động được 5,58 tỷ baht từ các nhà đầu tư bao gồm cả Credit Suisse và HSBC. Phía Leoni yêu cầu được bồi thường 608 triệu euro.

Đến tháng 2 năm nay, CEO lại đột ngột từ chức vì lý do cá nhân. Cuối tháng đó, Stark cho biết không kịp ra báo cáo tài chính trước hạn chót 1/3 vì “một số thông tin” được được kiểm toán xem xét lại. Cổ phiếu của Stark bị ngừng giao dịch. Sau đó Chủ tịch Chanin Yensudchai và một loạt thành viên hội đồng quản trị từ chức.

Tháng 5 vừa qua, Stark một lần nữa xin hoãn công bố báo cáo tài chính, khiến nhà đầu tư mất niềm tin hoàn toàn. Các trái chủ của 2 lô trái phiếu có tổng trị giá 2,24 tỷ baht yêu cầu được thanh toán cả gốc và lãi ngay lập tức.

Hôm 1/6, ngày giao dịch đầu tiên sau khi bị ngừng giao dịch trong hơn 2 tháng, cổ phiếu Stark sụt giảm 92%.

Ngày 16/6, cuối cùng Stark cũng công bố báo cáo tài chính. Công ty lỗ ròng 6,61 tỷ baht trong năm 2022. Nhưng điều gây sốc là Stark đã lỗ 5,97 tỷ baht trong năm 2021 thay vì lãi 2,78 tỷ baht như đã báo cáo trước đó. Công ty cho biết đã phát hiện ra nhiều lỗi sai trong báo cáo tài chính trước.

Đồng thời Stark còn công bố nhiều chi tiết trong báo cáo kiểm toán đặc biệt do PwC thực hiện, phát hiện ra rất nhiều giao dịch bất hợp pháp, làm giả chứng từ.

Với một loạt bê bối nổ ra, cổ phiếu của Stark rơi thẳng đứng xuống gần 0. Giá trị vốn hóa rơi từ mức đỉnh hơn 1,7 tỷ USD xuống còn khoảng 11 triệu USD.

Tính đến 31/12/2022, Stark có tổng nợ khoảng 39 tỷ baht, hầu hết dưới dạng trái phiếu, vay nợ và tín dụng thương mại. Vốn chủ sở hữu âm 4,4 tỷ baht.

Những hệ lụy đối với TTCK Thái Lan

Giới chức Thái Lan khẳng định Stark chỉ là trường hợp cá biệt và không có rủi ro hệ thống vì những vấn đề của công ty này xuất phát từ quản trị yếu kém. Tuy nhiên, vụ phá sản lớn nhất kể từ năm 2020, khi hãng hàng không quốc doanh Thai Airways xin tái cấu trúc nợ, vẫn làm dấy lên những lo ngại về thị trường chứng khoán Thái Lan đặc biệt là về các trái phiếu có mức xếp hạng tín dụng thấp.

Ủy ban chứng khoán Thái Lan đã yêu cầu Stark thực hiện kiểm toán đặc biệt, trong khi Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan có kế hoạch siết chặt luật lệ quản lý những công ty tìm cách niêm yết qua cửa sau giống như cách mà Stark đã làm năm 2019.

Với nhiều dấu hỏi xuất hiện xung quanh sự tồn tại của Stark, các nhà quản lý quỹ cũng đang bắt đầu quay lưng với các trái phiếu được phát hành bởi những công ty bị xếp hạng thấp khác của Thái Lan. Tình hình nghiêm trọng đến mức mới đây Bộ trưởng Tài chính Thái Lan đã phải lên tiếng hối thúc các nhà quản lý cần sớm có biện pháp để lấy lại niềm tin của thị trường.

Tổng cộng kể từ đầu năm đến nay, chứng khoán Thái Lan đã giảm khoảng 10%, xuống mức chưa thấp chưa từng thấy kể từ năm 2021. Nhà đầu tư nước ngoài đã rút hơn 3 tỷ USD ra khỏi thị trường này.

“Vụ Stark chắc chắn có tác động lên niềm tin của nhà đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh họ đang chuyển sang chế độ rất thận trọng khi đưa ra các quyết định đầu tư như hiện nay. Bởi với ví dụ của Stark thì không ai có thể chắc chắn 1 công ty được quản trị tốt hay không”, Niwes Hemvachiravarakorn, nhà sáng lập Thai Value Investor Club nhận xét.

 Tham khảo Bloomberg

Thu Hương

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên