Bộ Công Thương điều tra chống bán phá giá một số sản phẩm đường mía xuất xứ từ Thái Lan
Theo Cục trưởng Phòng vệ thương mại Lê Triệu Dũng, tháng 9/2020, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2466/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
- 01-12-2020TS. Lê Đăng Doanh: "Tái cơ cấu là con đường tốt nhất cho ngành mía đường lúc này"
- 12-11-2020Sức khoẻ thị trường mía đường dưới sóng kép Atiga và Covid-19
- 17-10-2020Ngành mía đường gặp khó
Sáng 1/12, tại Hà Nội, Trung ương Hội nông dân Việt Nam và Bộ Công Thương cùng phối hợp chỉ đạo, Cục Phòng vệ Thương mại và Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt tổ chức Hội thảo "Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới".
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam đã khái quát tình hình và những thách thức lớn mà ngành mía đường phải đối diện trong bối cảnh hàng loạt các FTA như hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (có hiệu lực từ 17/5/2010) và hiệp định ATIGA 1992 gây sức ép lên toàn ngành.
Ông Phạm Tiến Nam chỉ ra rằng các hiệp định thương mại tự do đã tạo điều kiện cho đường giá rẻ từ nước ngoài tràn vào thị trường, tạo sức ép lớn cho nông dân trồng mía, khiến doanh nghiệp mía đường đối diện nhiều áp lực. Người tiêu dùng có xu hướng ưa tiêu thụ đường nhập khẩu do giá thành rẻ hơn tương đối.
Do đó, sau thời gian phát triển nóng, diện tích trồng mía đang có xu hướng thu hẹp. Số hộ nông dân và hợp tác xã trồng mía ngày càng giảm; tỷ lệ nông dân trồng mía nhỏ lẻ, manh mún chiếm đa số và chưa áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất; khiến cho lợi thế cạnh tranh ngày càng suy yếu. Giá trị lợi nhuận từ cây mía không đủ đảm bảo mức sống cộng với tình trạng đầu ra bấp bênh đã khiến ngày càng nhiều vùng bỏ cây mía, chuyển sang các giống cây trồng khác mang lại lợi ích kinh tế cao hơn.
Ngày 14/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 28, trong đó triển khai các giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới.
Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương). Ảnh: Dân Việt
Tại hội thảo, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), cho biết thực hiện cam kết của Việt Nam trong ASEAN liên quan tới việc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo WTO, Việt Nam đã bãi bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường cho các nước ASEAN kể từ ngày 1/1/2020.
Kể từ khi bỏ hạn ngạch thuế quan cho ASEAN, tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng nhanh, trong 9 tháng năm 2020 đạt gần 1.064.766 tấn, tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2019 (khoảng 206.600 tấn).
Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu, chiếm 89,7% tổng lượng nhập khẩu vào Việt Nam. Lượng nhập khẩu từ Thái Lan đạt gần 960.000 tấn trong 9 tháng đầu năm 2020 (trong khi lượng nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2019 chỉ là 182,132 tấn, cả năm 2019 là 300.000 tấn). Ngược lại, sản lượng đường mía trong nước niên vụ 2019/2020 ước tính chưa tới 800 nghìn tấn, sụt giảm so với 1,2 triệu tấn của niên vụ 2018/2019.
Theo ông Dũng, ngành sản xuất trong nước đã cung cấp các thông tin, bằng chứng cho thấy sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đang bị bán phá giá vào Việt Nam và Chính phủ Thái Lan đã và đang duy trì một số chính sách trợ cấp cho hoạt động trồng mía của người nông dân và ngành sản xuất mía đường.
Trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của các doanh nghiệp đại diện cho ngành, tháng 9/2020, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2466/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
"Hiện tại, cả hai vụ việc đều đang trong quá trình điều tra. Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương sẽ tiến hành điều tra theo đúng quy định của Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản pháp luật liên quan nhằm thiết lập một môi trường cạnh tranh công bằng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước trước các hành vi phản cạnh tranh từ bên ngoài", ông Lê Triệu Dũng nói.
Trước đó, tháng 6/2020, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 1715/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô (còn gọi là HFCS) có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Theo ông Lê Triệu Dũng, thông tin việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại được xem là một phần quan trọng trong chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia với mục đích bảo vệ hoặc hỗ trợ ngành sản xuất trong nước trong quá trình hội nhập, tự do hóa.
Số liệu thống kê của WTO cho thấy, tính đến 31/12/2019, các nước đã điều tra tổng cộng 5.944 vụ chống bán phá giá, 577 vụ việc chống trợ cấp, 377 vụ việc tự vệ. Trong số đó, các nước kết luận áp dụng 3.958 biện pháp chống bán phá giá, 320 biện pháp chống trợ cấp và 185 biện pháp tự vệ.
Nếu như trước đây, Hoa Kỳ là nước điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất thì trong thập kỷ vừa qua Ấn Độ đã trở thành quốc gia sử dụng biện pháp chống bán phá giá và tự vệ nhiều nhất (706 biện pháp chống bán phá giá và 22 biện pháp tự vệ). Hoa Kỳ vẫn là thành viên tích cực sử dụng biện pháp chống trợ cấp nhất (160 biện pháp). Ngoài ra, các thành viên nhiều kinh nghiệm trong điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại gồm có: EU, Canada, Úc, Brasil, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia...
Theo thống kê của WTO, các biện pháp phòng vệ thương mại có phạm vi áp dụng rộng trong đó đối tượng chính là sắt, thép (chiếm 40,2%); nhựa và sản phẩm nhựa (chiếm 11,2%); xe cộ và phụ tùng (chiếm 10,2%); các thành phẩm từ sắt, thép (chiếm 9,0%) và máy móc, thiết bị điện (chiếm 6,0%).
Tại Việt Nam, tính đến tháng 11/2020, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 21 biện pháp phòng vệ thương mại, gồm 13 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 06 vụ việc tự vệ và 1 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp tự vệ với các sản phẩm thép, kính nổi, dầu ăn, bột ngọt, phân bón, màng BOPP, nhôm, ván gỗ, sợi, đường...
Trong số đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định áp dụng 7 biện pháp chống bán phá giá, 5 biện pháp tự vệ và 1 biện pháp chống lẩn tránh biện pháp tự vệ.
Nhà đầu tư