MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

BỘ CÔNG THƯƠNG: Họp kín việc đóng hay mở thị trường xe nhập

Ngày 21.7, để thúc đẩy quá trình quyết định tiếp tục đóng hay mở lại thị trường ôtô nhập khẩu không chính hãng, Bộ Công thương đã tổ chức cuộc gặp nhiều bên để tập hợp ý kiến trình Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, cuộc họp này không mở cửa với báo giới.

Đại gia chính hãng: Bỏ TT20, thị trường sẽ loạn

Phát biểu trong hội nghị, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT của tập đoàn Trường Hải Thaco cho rằng TT20 đã giúp thị trường đi vào ổn định, ngăn chặn nhập siêu, số lượng cung cầu được kiểm soát, cửa hàng theo tiêu chuẩn, việc triệu hồi xe lỗi, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng được thực hiện tốt. Ông Dương nhận định việc áp dụng TT20 không độc quyền vì chỉ cần nhà nhập khẩu được sự uỷ quyền của nhà sản xuất, hiện nhiều hãng xe đã uỷ quyền nhà nhập khẩu. Đại diện Trường Hải lấy ví dụ về thị trường xe tải, xe bus Hyundai hiện có tới 7 nhà nhập khẩu uỷ quyền và cho rằng sự tồn tại của TT20 sau 2018 là tối cần thiết vì thuế nhập khẩu về bằng 0% và việc mở cửa thị trường ôtô nhập khẩu sẽ khiến xe Thái Lan, Trung Quốc đổ về Việt Nam trong khi quy mô thị trường hiện rất nhỏ để sản xuất do đó “ngành công nghiệp ôtô phát triển tiếp là rất khó”. Ông này kiến nghị cần có cơ chế kiểm soát tiếp và đề nghị đưa ôtô vào mặt hàng kinh doanh có điều kiện.

Đại diện của các nhà nhập khẩu chính hãng VIVA đưa ra hàng loạt phân tích về vấn đề hậu mãi, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng như nguy cơ gian lận thuế và chuyển lậu ngoại tệ ra nước ngoài.

Các nhà nhập khẩu nhỏ: TT20 vi hiến và cần bãi bỏ

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng phòng Pháp chế của VCCI cho rằng TT20 là điều kiện kinh doanh khi cho phép DN này loại trừ DN khác và việc kiểm soát chất lượng, thị trường đã có quy chuẩn, quy định. Bên cạnh đó, ông này cho rằng TT20 đã không hoàn thành tốt nhiệm vụ làm giảm nhập siêu vì có hay không có thông tư thì nhu cầu thị trường vẫn có và lượng xe nhập vẫn tăng.

Sự tồn tại của TT được cho là đang làm méo mó thị trường. Việc bỏ quy định này sẽ làm tăng sự cạnh tranh giúp người tiêu dùng hưởng lợi khi giá xe giảm, dịch vụ hậu mãi tốt hơn. Tuy nhiên, ông này cũng khẳng định nếu có cách để bảo hộ xe trong nước như xe của Trường Hải thì rất tốt nhưng vì phạm vi tác động của TT20 rất rộng nên nó đang tạo động lực ngược khiến các nhà sản xuất chính hãng chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu vì lãi hơn nên công nghiệp ôtô Việt Nam vẫn không phát triển. Đại diện VCCI cũng cho rằng lo ngại xe Thái Lan hay Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam là không quá lớn.

Ông Nguyễn Tuấn - đại diện nhóm các nhà nhập khẩu không chính hãng cho rằng TT20 không hợp hiến và cũng không phải thủ tục hành chính nên phải được bãi bỏ ít nhất là đến khi luật đầu tư sửa đổi (nếu có). Ông Tuấn nhận định trên thực tế các DN nhập xe nhỏ cũng khó cạnh tranh với các đại gia chính hãng ngay cả khi TT20 đã bác bỏ, việc nhập xe từ Thái Lan không dễ vì họ đòi mua số lượng lớn và việc bảo đảm quyền lợi của khách hàng vẫn được thực hiện nghiêm túc theo quy định. Ông Tuấn cũng bác bỏ khái niệm xe không chính hãng vì “không có xe giả, xe rởm chẳng qua là xe không có uỷ quyền và hiện các loại xe này không khác nhau về chất lượng mà chỉ hơn nhau ở cái giấy uỷ quyền”. Và TT20 đã tạo ra sự độc quyền khiến người tiêu dùng phải mua xe giá cao.

Với những lập luận khác nhau, cuộc tranh cãi quanh TT20 vẫn chưa ngã ngũ và Bộ Công thương cho biết, đã tập hợp ý kiến để trình Thủ tướng và người đứng đầu Chính phủ sẽ có quyết định cuối cùng về vấn đề này sau ngày 30.7.

PV

Lao động

Trở lên trên