MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Công Thương 'mất ăn mất ngủ'; trình Chính phủ phương án tăng lương

Xuất nhập khẩu hàng hóa giảm 40 tỷ USD, thê thảm hơn cả khi "đóng băng" vì COVID-19; Bộ Công Thương 'mất ăn mất ngủ' vì nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dọa dừng hoạt động; Trình Chính phủ phương án tăng lương, trợ cấp hằng tháng... là những thông tin đáng chú ý tuần qua.

Xuất nhập khẩu hàng hóa giảm 40 tỷ USD, thê thảm hơn cả khi 'đóng băng' vì COVID-19

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tình hình lạm phát tại một số thị trường lớn đang khiến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam suy giảm mạnh. Từ đầu năm đến ngày 15/5, kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước chỉ đạt 230 tỷ USD, giảm gần 40 tỷ USD.

Con số còn thấp hơn cả thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh năm 2021. Nửa đầu tháng 5, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt 11,4 tỷ USD, giảm hơn 21% so với nửa cuối tháng 4. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/5, xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt 118,6 tỷ USD, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm trước.

Bộ Công Thương 'mất ăn mất ngủ'; trình Chính phủ phương án tăng lương - Ảnh 1.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa trong nửa đầu tháng 5 đạt 12,4 tỷ USD, tăng nhẹ so với kỳ trước. Tuy nhiên, nếu tính chung từ đầu năm đến ngày 15/5, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 112 tỷ USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thêm gần 6.000 công nhân Pouyuen bị sa thải

Công ty TNHH PouYuen Việt Nam cho biết, do lượng hàng gia công sụt giảm nên công ty buộc phải giảm lao động. Từ cuối năm ngoái, công ty phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất, sắp xếp lao động nghỉ luân phiên, thỏa thuận ngừng việc, bố trí công nhân sang các xưởng sản xuất. Trước đó, vào tháng 2, công ty đã cắt giảm hơn 2.300 lao động.

Dự kiến lần này, công ty sẽ cắt giảm 5.744 người có hợp đồng không xác định thời hạn, tương đương 10% tổng số 50.500 lao động. Việc cắt giảm triển khai thành hai đợt. Đợt 1, chấm dứt hợp đồng lao động với 4.519 người vào cuối tháng 6. Đợt 2, chấm dứt hợp đồng lao động với 1.225 người vào đầu tháng 7.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, TPHCM - cho biết, Công ty đã chủ động làm việc và báo cáo tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh và kế hoạch sử dụng lao động trong thời gian sắp tới với các cơ quan nhà nước từ cấp quận đến thành phố.

“Công ty sẽ tổ chức hai buổi tiếp xúc với người lao động, thông báo tình hình và kế hoạch nhân sự vào ngày 20/5 và ngày 3/6, thông tin các chế độ mà người lao động sẽ được hưởng trong trường hợp hai bên đạt được thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động; việc thỏa thuận trên cơ sở tự nguyện của người lao động, nếu người lao động không đồng ý vẫn tiếp tục làm việc tại công ty” - ông Lâm thông tin.

Bộ Công Thương 'mất ăn mất ngủ' vì nhà máy lọc dầu Nghi Sơn

Đại diện Bộ Công Thương xác nhận đã nhận được kiến nghị mới đây của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) về việc đơn vị này cho hay đang đối mặt nguy cơ dừng hoạt động vì thiếu hụt dòng tiền và không đạt được thỏa thuận tái cấu trúc tài chính.

Bộ Công Thương 'mất ăn mất ngủ'; trình Chính phủ phương án tăng lương - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Vụ phó Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công Thương - cho biết, hoạt động của Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn có vai trò quan trọng trong cung ứng xăng dầu cho đất nước. Trong 4 tháng đầu năm, Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn sản xuất hơn 2,2 triệu tấn xăng dầu các loại, trong đó riêng tháng 4 sản xuất được hơn 67.000 tấn xăng dầu. Hiện nay, giữa tháng 5, nhà máy vận hành vẫn ổn định. Trong tháng 6 và quý III, quý IV, trong kế hoạch, Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn sẽ triển khai công tác vận hành sản xuất đã đăng ký với Bộ Công Thương.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, do chiếm tới 35-40% cho nhu cầu của thị trường nội địa nên mỗi lần Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn gặp trục trặc, Bộ Công Thương "mất ăn mất ngủ". Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn là liên doanh giữa PVN, Cô-oét và nhà đầu tư Nhật Bản. Phía doanh nghiệp Việt Nam chỉ góp vốn 25,1%, do vậy tiếng nói cũng chỉ có mức độ. Hiện chủ sở hữu là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

WB: Kinh tế Việt Nam đối mặt với những cơn gió ngược

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5. Diễn biến kinh tế trong nước bộc lộ nhiều dấu hiệu không mấy tích cực, đang đối mặt với những cơn gió ngược.

Bộ Công Thương 'mất ăn mất ngủ'; trình Chính phủ phương án tăng lương - Ảnh 3.

Theo WB, nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với những cơn gió ngược bên ngoài, cầu giảm, xuất khẩu đi xuống dẫn đến sản xuất công nghiệp suy yếu.

Điều này thể hiện rõ ở việc, tháng 4/2023, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa giảm lần lượt 17,1% và 20,5% (so với tháng trước đó) vào. Sức cầu suy yếu, đặc biệt là ở Mỹ và EU. Xuất khẩu sang hai thị trường này giảm lần lượt 22,1% và 14,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù tiêu dùng trong nước vẫn mạnh nhưng tăng trưởng tín dụng chậm lại, phản ánh nhu cầu tín dụng yếu. Tăng trưởng tín dụng tháng 4 giảm xuống 9,2%, bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước nới lỏng chính sách, giảm lãi suất cho vay, thanh khoản thị trường dồi dào. Điều này cho thấy khả năng hấp thụ yếu của nền kinh tế. Tăng trưởng doanh số bán lẻ ở mức vừa phải

Chỉ số sản xuất công nghiệp (PMI) của Việt Nam đã giảm xuống 46,7, cho thấy tình hình kinh doanh dự kiến chưa cải thiện trong thời gian tới.

Trình Chính phủ phương án tăng lương hưu, trợ cấp

Sau khi lấy ý kiến các bộ ngành, người dân, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã hoàn thiện và trình Chính phủ dự thảo nghị định tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) và trợ cấp hằng tháng từ ngày 1/7 tới.

Bộ Công Thương 'mất ăn mất ngủ'; trình Chính phủ phương án tăng lương - Ảnh 4.

Bộ Lao động trình Chính phủ phương án tăng lương hưu, trợ cấp hằng tháng.

So với dự thảo lấy ý kiến trước đó, trong dự thảo trình Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã bổ sung thêm nhóm được điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp, khi thêm nhóm: Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng.

Dự thảo nghị định do Bộ LĐ-TB&XH xây dựng đề xuất, từ ngày 1/7/2023, tăng lương thêm 12,5% với người đang nhận lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng. Tăng thêm 20,8% với người nhận lương hưu, trợ cấp hằng tháng chưa được tăng lương từ ngày 1/1/2022 (nghỉ hưu sau ngày điều chỉnh tăng lương hưu lần gần nhất).

Sau khi tăng lương hưu theo các mức chung kể trên, người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng trước ngày 1/1/1995 có mức lương dưới 3 triệu đồng/tháng sẽ được điều chỉnh tăng thêm, cụ thể: Với người có lương hưu sau tăng dưới 2,7 triệu đồng/tháng được tăng thêm 300 nghìn đồng/tháng; người có lương từ 2,7 triệu đồng đến dưới 3 triệu đồng/tháng được tăng bù số còn thiếu để được 3 triệu đồng/tháng.

Rao bán loạt nợ xấu đảm bảo bằng 'đất vàng' ở TPHCM

Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vừa thông báo bán đấu giá khoản nợ xấu của nhóm khách hàng được VAMC mua từ Sacombank và Agribank với tổng mức giá khởi điểm hơn 1.240 tỷ đồng.

Cụ thể, VAMC đấu giá khoản nợ xấu của nhóm khách hàng gồm Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Anna, Công ty CP EcoPetro, Công ty TNHH Đông Thành, Công ty TNHH Kim Bình Sài Gòn, Công ty TNHH May Phúc Thành và các cá nhân khác. Các khoản nợ xấu này đều liên quan đến ông Trần Văn Thông. Đây là khoản nợ VAMC mua từ Agribank chi nhánh An Phú, được rao bán lại với giá khởi điểm hơn 520 tỷ đồng.

Bộ Công Thương 'mất ăn mất ngủ'; trình Chính phủ phương án tăng lương - Ảnh 5.

Tài sản đảm bảo của khoản nợ này gồm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại số 37 Nguyễn Trung Trực, phường Bến Thành (quận 1, TPHCM). Khu đất là đất ở, thời hạn sử dụng lâu dài có diện tích sử dụng chung hơn 139 m2. Tài sản đảm bảo của khoản nợ còn có quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại số 37 - 37A Nguyễn Trung Trực, phường Bến Thành (quận 1, TPHCM).

Ngoài ra, tài sản được dùng để bảo đảm cho khoản nợ kể trên còn có quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với tại số 12 - 20 Lê Văn Hưu (phường Bến Nghé, quận 1).

Sẽ xử lý cá nhân, tổ chức để xảy ra thiếu điện

Lãnh đạo EVN cho biết, việc vận hành hệ thống điện trong các tháng cao điểm nắng nóng (từ tháng 5 đến tháng 7) sẽ rất khó khăn, đặc biệt hệ thống điện miền Bắc phải đối mặt tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh của hệ thống với công suất thiếu hụt lớn nhất khoảng từ 1.600 - 4.900 MW.

Trước đề nghị của Bộ Công Thương và EVN, đại diện PVN, TKV và Tổng Công ty Đông Bắc cam kết tạo điều kiện tối đa để cung ứng than, khí cho phát điện nhằm đảm bảo cung cấp điện cho đất nước.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị bằng mọi cách không để xảy ra thiếu điện. Ông cũng khẳng định lãnh đạo Bộ Công thương sẽ nghiêm túc xem xét, xử lý các cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm nếu để xảy ra thiếu điện do nguyên nhân chủ quan.

Theo Duy Phạm

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên