Bộ Công thương: Mỹ không áp thuế, trừng phạt hàng xuất khẩu Việt Nam
Chiều 16/1, Bộ Công thương đã chính thức thông báo sau khi Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) báo cáo về vụ việc điều tra theo mục 301 đối với vấn đề định giá thấp tiền tệ của Việt Nam.
- 16-01-2021Việt Nam lần đầu vượt Đức, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc
- 16-01-2021Phó Thủ tướng Điện đàm với Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ về "thao túng tiền tệ"
- 15-01-2021Cả năm 2020, Việt Nam xuất siêu trên 19,95 tỷ USD
Theo đó, Bộ Công thương khẳng định, kết luận được nêu trong báo cáo ngày 15/1 của USTR hoàn toàn không đề cập hoặc đề xuất việc Chính phủ Hoa Kỳ áp thuế hoặc sử dụng các biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Bộ Công thương cho biết, với vai trò Chủ tịch phân ban Việt Nam trong Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ (TIFA), đồng thời là cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ đầu mối các hoạt động trao đổi với phía Hoa Kỳ để xử lý vụ việc này, Bộ Công thương hoan nghênh ý kiến kết luận của USTR nêu trong báo cáo trên.
"Quyết định của USTR có ý nghĩa tích cực đối với quan hệ thương mại song phương, môi trường kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam và quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước" - Bộ Công thương nhấn mạnh.
Ngay sau khi có báo cáo này, ông Myron Brilliant, Phó Chủ tịch điều hành Phòng Thương mại Mỹ đã tuyên bố cộng đồng doanh nghiệp nước này hoan nghênh thông tin Chính quyền Hoa Kỳ sẽ không áp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Myron Brilliant nói thêm: "Hành động trừng phạt thương mại là phương tiện không thích hợp để giải quyết các vấn đề về định giá tiền tệ. Trên hết, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ hết sức khuyến khích Chính phủ thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược và thương mại chặt chẽ hơn với Việt Nam - quốc gia đang ngày càng trở thành một đối tác quan trọng của Hoa Kỳ".
Bộ Công thương cũng khẳng định thêm Việt Nam coi trọng quan hệ kinh tế, thương mại với Mỹ, coi đây là trụ cột quan trọng, là động lực thúc đẩy mạnh mẽ tổng thể quan hệ song phương.
Do vậy, thời gian tới, Bộ Công thương khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục các nỗ lực mở cửa thị trường, tăng cường hoạt động đối thoại chính sách thông qua cơ chế của Hội đồng TIFA, thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận hợp tác giữa hai bên nhằm đạt được những kết quả thực chất, giải quyết một cách toàn diện các quan tâm của Mỹ và Việt Nam, qua đó duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, hai bên cùng có lợi.
Bộ kết luận: "Bộ Công thương, trong vai trò Đồng Chủ tịch Hội đồng TIFA, cùng các bộ ngành Việt Nam mong muốn và sẵn sàng trao đổi với các cấp lãnh đạo của USTR và các cơ quan liên quan, kể cả cấp Bộ trưởng hay cấp kỹ thuật, dưới mọi hình thức, để giải quyết các quan ngại và tạo tiến bộ cụ thể những vẫn đề tồn tại trong quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước trên tinh thần hợp tác, thiện chí và xây dựng để hai bên có thể chính thức khép lại các cuộc điều tra".