Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất cắt giảm 72 điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục
Suất đầu tư tối thiểu 150 triệu đồng/sinh viên, đủ đồ dùng cá nhân cho mỗi trẻ em, có đội ngũ cán bộ, quản lý, giáo viên và nhân viên đủ về số lượng và cơ cấu hợp lý,… là những điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đang được đề xuất cắt giảm.
- 15-03-2018World Bank: Giáo dục Việt Nam nằm trong nhóm phát triển ấn tượng nhất khu vực Đông Á – Thái Bình Dương
- 18-01-2018Nghịch lý ở giáo dục ở Việt Nam cách để sinh viên không bị thất nghiệp trong thời đại số
Giảm nhiều quy định chung chung, hình thức
Theo phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh (ĐKKD), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đề xuất cắt giảm nhiều nội dung trong hai nghị định hiện hành.
Nghị định số 46/2017 quy định về điều kiện đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục được đề xuất cắt giảm 72 ĐKKD và đơn giản hóa 22 ĐKKD. Cụ thể:
Bỏ quy định các trường phải có "đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên đủ về số lương, hợp lý về cơ cấu" vì không cần thiết, chỉ cần đạt tiêu chuẩn và bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục là đủ.
Bỏ các điều kiện về đề án thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ, tiểu học, THCS, THPT, trung tâm ngoại ngữ, tin học "phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương". Vì theo Luật Quy hoạch năm 2017 thì không còn quy hoạch mạng lưới cơ sở này.
Bỏ quy định "Đề án thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây dựng trường; tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển". Lý do là nội dung đề án đã được quy định rất cụ thể trong thành phần hồ sơ thành lập.
Bỏ điều kiện "được đặt tại khu dân cư phù hợp quy hoạch chung, thuận lợi cho trẻ em đến trường" vì khó để xác định trên thực tế; ngoài ra, nên để nhà đầu tư được lựa chọn địa điểm xây dựng trường phù hợp với điều kiện và nhu cầu của mình.
Bỏ điều kiện phải "có quyết định về việc thành lập hoặc cho phép thành lập trường" mới được hoạt động. "Việc có quyết định thành lập hay không cơ quan cho phép hoạt động phải biết", Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải.
Bỏ điều kiện "có đủ nguồn lực tài chính theo quy định để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục" vì quy định chung chung, hình thức, không có tiêu chí xác định rõ.
Đề nghị bỏ điều kiện "Có quy chế tổ chức và hoạt động của trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ" vì không cần thiết, quy định này mang tính hình thức và không có quy định cụ thể về nội dung quy chế.
Với đều kiện thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, hiện nay phải đáp ứng điều kiện "đáp ứng nhu cầu gửi trẻ em của các gia đình". Bộ đề nghị bỏ quy định này vì không cần thiết, khó xác định.
Bỏ điều kiện "đủ đồ dùng cá nhân cho mỗi trẻ em" vì không cần thiết, nhà trường không có trách nhiệm phải trang bị đồ dùng cá nhân cho trẻ em.
Tuy nhiên, Bộ vẫn giữ lại điều kiện "trang thiết bị đối với một nhóm trẻ độc lập gồm có chiếu hoặc thảm cho trẻ em ngồi chơi, giường nằm, chăn, gối, màn cho trẻ em ngủ, dụng cụ đựng nước uống, giá để đồ chơi, giá để khăn và ca, cốc cho trẻ em, có đủ bô đi vệ sinh cho trẻ em dùng và một ghế cho giáo viên".
Sẽ không còn suất đầu tư tối thiểu 150 triệu đồng/sinh viên
Với Nghị định 73/2012/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, Bộ GD&ĐT đề nghị bỏ quy định dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục đại học phải có suất đầu tư ít nhất là 150 triệu đồng/sinh viên.
Đồng thời, bỏ quy định "cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động từ hai mươi năm trở lên tại Việt Nam phải có kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục và phải được UBND cấp tỉnh đồng ý về việc giao đất hoặc cho thuê đất để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất".
Bộ GĐ&ĐT cho rằng, không cần quy định điều kiện về 5 năm kinh nghiệm đối với giáo viên là người nước ngoài giảng dạy tại cơ sở đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn, cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.
Bộ cũng đề xuất không quy định điều kiện cấp giấy chứng nhận đầu tư riêng đối với từng loại hình cơ sở giáo dục; không quy định điều kiện cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án đầu tư mở phân hiệu của cơ sở giáo dục…
Trong quá trình soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, các đơn vị thuộc Bộ GĐ&ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của cá nhân, tổ chức có liên quan. Việc này nhằm đảm bảo quá trình cắt giảm, đơn giản hóa các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh không làm phát sinh thêm các điều kiện khác.