Bổ sung quy định quốc tịch Đại biểu Quốc hội: Chỉ có quốc tịch Việt Nam
Trong Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung quy định tiêu chuẩn về quốc tịch đối với đại biểu Quốc hội, theo đó Đại biểu Quốc hội chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
- 28-10-2019Quốc hội chuẩn bị chất vấn: Không lạm dụng đăng ký tranh luận để đặt câu hỏi
- 28-10-2019Lấy phiếu đại biểu bằng phần mềm, Quốc hội chọn 4 bộ trưởng lên ghế nóng, Thủ tướng cũng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn
- 28-10-2019Ủy ban Thường vụ Quốc hội bác bỏ ‘phí chia tay’
- 26-10-2019Đại biểu Quốc hội đồng tình với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu
Đọc tờ trình tóm tắt Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung quy định tiêu chuẩn về quốc tịch đối với đại biểu Quốc hội tại Điều 22 của Luật Tổ chức Quốc hội để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn. Theo đó, dự thảo Luật quy định đại biểu Quốc hội có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
Dự thảo luật cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về Đoàn đại biểu Quốc hội. Về Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH, dự thảo luật sửa đổi khoản 3 Điều 43 theo hướng: Đoàn có Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn do Đoàn đại biểu Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội của Đoàn và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định số lượng và phê chuẩn đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách của Đoàn đại biểu Quốc hội.
Về kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, dự thảo luật quy định: Chính quyền địa phương cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí trụ sở làm việc, bảo đảm kinh phí và các điều kiện cần thiết khác cho Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương.
Lương của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại địa phương, kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, của bộ phận tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương được ngân sách cấp tỉnh bảo đảm theo phân bổ dự toán của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Hoạt động phí, thù lao tham gia hoạt động Quốc hội, các khoản phụ cấp và các chế độ của đại biểu Quốc hội gắn với hoạt động của Quốc hội và chi phí cho đại biểu Quốc hội khi tham gia các hoạt động do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tổ chức do ngân sách trung ương bảo đảm.
Dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có quy định về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định số lượng và phê chuẩn đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội tại khoản 4 Điều 53.
Ngoài ra, dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung điều 59 theo hướng quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiệm vụ tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực này theo luật Trưng cầu ý dân.
Dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 87 để quy định cụ thể về số lượng tối thiểu các thành viên tham dự phiên họp và tỷ lệ cần thiết số thành viên tham gia biểu quyết, tán thành để các báo cáo, quyết định của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội được thông qua.
Về lượng cấp phó tại các Hội đồng, Ủy ban của Quốc hội, dự thảo luật quy định tổng số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội không quá 40 người. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định số lượng cấp phó cụ thể của Hội đồng Dân tộc, mỗi Ủy ban của Quốc hội theo yêu cầu công việc.
Nếu được thông qua, Luật này sẽ có hiệu lực tù ngày 1/6/2021.