Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân 3 tháng 2-2,1%
CPI tháng 3 có thể tiếp tục ở mức cao, do chịu tác động chủ yếu từ giá xăng dầu tăng.
- 28-02-2022Giá xăng dầu tăng hơn 47% làm CPI tháng 2 tăng mạnh so với cùng kỳ
- 29-01-2022CPI tháng giáp Tết Nguyên đán tăng 1,94% so với cùng kỳ
- 29-12-2021CPI năm 2021 tăng 1,84%, lạm phát tăng 0,81%
Theo tính toán của Bộ Tài chính, trên cơ sở đánh giá diễn biến mặt bằng giá hàng hóa, dịch vụ trong thời gian qua, dự báo CPI tháng 3 có thể tiếp tục ở mức cao, do chịu tác động chủ yếu từ giá xăng dầu tăng.
Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân 3 tháng ở mức 2-2,1%.
Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân 3 tháng đầu năm ở mức 2-2,1% và vẫn nằm trong kịch bản lạm phát. Trường hợp CPI những tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước, 9 tháng còn lại của năm nay, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng 0,5% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4%.
Liên quan đến nội dung này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chỉ đạo ở thời điểm hiện tại không xem xét tăng giá đối với những mặt hàng Nhà nước định giá, đặc biệt là các dịch vụ công. Các bộ, ngành chuẩn bị các phương án để xem xét điều chỉnh vào thời điểm thích hợp.
Đối với những mặt hàng Nhà nước không định giá, Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt những yếu tố hình thành giá và những trường hợp có dấu hiệu bất thường, những mặt hàng tác động lớn đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là người nghèo.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng nhà nước và các bộ ngành điều hành linh hoạt, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kết hợp hài hòa chính sách tài khóa, tiền tệ, không gây tác động tiêu cực đối với kiểm soát giá.
Trước đó, trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 2 của Việt Nam, HSBC cho rằng các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cần đặc biệt lưu tâm đến những rủi ro về lạm phát, vì giá hàng hóa tăng là vấn đề xảy ra trên diện rộng chứ không chỉ xoay quanh nhiên liệu.
Cũng tại báo cáo này, HSBC còn cho rằng Việt Nam phải đối mặt với lạm phát nhiên liệu kéo dài. Theo đó, giá nhiên liệu tăng sẽ tác động trực tiếp đến giá hàng hóa tiêu dùng. Lạm phát tháng 2 tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do chi phí vận chuyển tăng trên 15% so với cùng kỳ 2021. Đây là xu hướng kéo dài và đã được một thời gian. Bởi giá xăng được điều chỉnh tăng 6 lần liên tiếp từ đầu tháng 12. Mặc dù vậy, nền lạm phát năm ngoái thấp nên phần nào xoa dịu những khó khăn trước mắt.
Trong khi đó, trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 2, WB lại cho rằng lạm phát của Việt Nam vẫn đang trong tầm kiểm soát mặc dù giá nhiên liệu tăng. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,4% (so với cùng kỳ 2021), mức tăng thấp nhất kể từ tháng 4/2021. Giá xăng dầu tăng 5,8% so với tháng trước và 47,1% so với cùng kỳ năm trước tiếp tục góp phần làm tăng chi phí giao thông, từ đó làm tăng giá tiêu dùng.
Ngược lại, giá lương thực, thực phẩm tương đối ổn định so với một năm trước nhờ chuỗi cung ứng trong nước được duy trì tốt. Lạm phát cơ bản, không bao gồm lương thực, thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá, chỉ tăng 0,7% (so với cùng kỳ 2021), tương đương tỷ lệ ghi nhận trong 2 tháng trước đó, phản ánh nhu cầu trong nước phục hồi yếu.
Riêng vế giá xăng dầu, Bộ Tài chính cho rằng mặt hàng xăng dầu trong nước đang chịu áp lực lớn về nguồn cung, do nhu cầu tiêu dùng và diễn biến giá thế giới. Vì vậy, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các biện pháp điều hành để ổn định nguồn cung, nhất là nắm bắt dự báo diễn biến giá xăng dầu thế giới để có phương án điều hành phù hợp.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất sử dụng quỹ bình ổn giá hợp lý, linh hoạt nhằm hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước. Theo đó, các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, lợi dụng diễn biến giá xăng dầu để tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý...
Ngoài ra, giá xăng dầu tăng cũng tạo áp lực lên các dịch vụ vận tải hành khách, hàng hóa đường bộ khiến các doanh nghiệp vận tải đang tính toán để tăng giá cước. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố rà soát kê khai giá của doanh nghiệp nhằm đánh giá việc tăng giá có phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong các yếu tố hình thành giá.
Trong bối cảnh giá xăng, dầu trong nước tăng cao và Quỹ Bình ổn xăng, dầu không còn nhiều dư địa để kìm đà tăng của giá xăng, dầu, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã đề xuất Chính phủ đã thông qua Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết năm nay. Trường hợp được thông qua, việc điều hành xăng dầu theo giá cơ sở mới sẽ được thực hiện từ 1/4.
Người đồng hành