MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Tài chính đưa ra 5 giải pháp chính đảm bảo minh bạch thị trường, bảo vệ nhà đầu tư trong thời gian tới

Bộ Tài chính đưa ra 5 giải pháp chính đảm bảo minh bạch thị trường, bảo vệ nhà đầu tư trong thời gian tới

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã có báo cáo tổng quan về thị trường vốn tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế chiều 22/4.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ: Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội về tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó tập trung phát triển thị trường vốn nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư và phát triển.

Những thành tích đã đạt được

Theo đó, thị trường tài chính đang ngày càng phát triển theo hướng cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu, góp phần quan trọng vào tái cơ cấu nợ công. Đồng thời, thị trường trái phiếu bắt đầu trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng. Việc phát triển thị trường vốn trong những năm gần đây cũng tạo đa dạng sản phẩm tài chính các kênh đầu tư cho các tổ chức và cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế.

Hiện nay, thị trường vốn đã hình thành và vận hành đầy đủ các cấu phần bao gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh. Quy mô của thị trường vốn tăng trưởng bình quân 28,5%/năm giai đoạn 2016-2021. Hiện tại, quy mô thị trường vốn đạt 134,5% GDP năm 2021, gấp 3,5 lần quy mô năm 2015; trong đó quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 93,8%GDP; quy mô thị trường trái phiếu đạt 39,7%GDP (trong đó trái phiếu Chính phủ là 22,7% GDP và TPDN là 14,2% GDP).

Các tiêu chuẩn và thông lệ về quản trị công ty đang từng bước cải tiến và áp dụng giúp nâng cao chất lượng doanh nghiệp niêm yết. Thị trường hiện có trên 1.800 công ty đại chúng, 750 công ty niêm yết. Quá trình tái cấu trúc tổ chức thị trường và các tổ chức kinh doanh chứng khoán được đẩy mạnh với số lượng công ty chứng khoán giảm 18% so với năm 2015, hiện trên thị trường còn 82 công ty chứng khoán. Cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin, hệ thống giao dịch và bù trừ, thanh toán trên thị trường chứng khoán đã được hiện đại hóa, cho phép rút ngắn thời gian xử lý nghiệp vụ, nâng cao thanh khoản thị trường.

Để tạo nền móng phát triển thị trường, trong thời gian qua, khung pháp lý về thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu thường xuyên được hoàn thiện từ cấp luật, nghị định, đến các thông tư và quy chế, quy trình để phù hợp với sự phát triển của thị trường và tiếp cận chuẩn mực quốc tế với việc ban hành Luật Chứng khoán thế hệ thứ 2 năm 2019. Trong giai đoạn 2015 đến nay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 18 Nghị định, 6 Quyết định và ban hành theo thẩm quyền trên 45 Thông tư.

Về thực trạng phát triển thị trường vốn năm 2020 và quý I năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, năm 2021, trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19, Chính phủ, Bộ Tài chính đã có những chính sách ứng phó linh hoạt để thị trường vốn phát triển ổn định, khẳng định vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho Chính phủ và cho doanh nghiệp.

Điều này thể hiện rõ rệt qua việc thị trường tăng trưởng ổn định, thể hiện sức chống chịu và phục hồi của nền kinh tế. Tổng mức huy động vốn trên thị trường tiếp tục tăng, đáp ứng nhu cầu của Chính phủ và các doanh nghiệp. Hoạt động của các công ty đại chúng, doanh nghiệp niêm yết cũng được cải thiện.

Đặc biệt, nhà đầu tư tiếp tục hoạt động tích cực trên thị trường. Năm 2021 và các tháng đầu năm 2022 cũng ghi nhận quy mô nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán tăng nhanh. Tính đến hết năm 2021, số lượng tài khoản chứng khoán trên 4,3 triệu tài khoản. Số lượng nhà đầu tư nước ngoài cũng gia tăng với tổng giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài cuối năm 2021 đạt 54,9 tỷ USD, tăng hơn 21% so với cuối năm 2020.

Trong 5 tuần gần đây, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ với giá trị 3.589 tỷ đồng (khoảng 155 triệu USD). Đây là những số liệu cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra cũng được tập trung thực hiện với 467 đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trong 5 năm qua. 

Rủi ro tiềm ẩn

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, tình hình tăng trưởng nhanh của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu thời gian gầy đây đã phát sinh những rủi ro tiềm ẩn, cụ thể:

Trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá và ngày càng tinh vi, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh tiếp tục phát sinh rủi ro do có các nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật trong việc đầu tư, giao dịch TPDN riêng lẻ tham gia mua TPDN. Một số trường hợp đã có hành vi gian lận khi xác định trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua TPDN riêng lẻ. Tình hình tài chính của một số doanh nghiệp phát hành còn hạn chế; một số doanh nghiệp có mục đích sử dụng vốn không đúng với thông tin đã công bố.

Mặc dù đã triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu các tổ chức kinh doanh chứng khoán, chất lượng hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường còn chưa đồng đều, còn xảy ra các hành vi tiêu cực. Một số tổ chức kiểm toán, tổ chức thẩm định giá năng lực còn hạn chế, chưa đáp ứng các chuẩn mực nghề nghiệp. Một số tổ chức đại lý phát hành, tổ chức phân phối trái phiếu doanh nghiệp chưa tuân thủ đúng pháp luật.

Có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan

Theo Bộ trưởng, các hiện tượng rủi ro trên xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Bên cạnh các yếu tố khách quan từ ảnh hưởng của dịch bệnh, biến động thị trường tài chính trong nước và quốc tế; thị trường vốn, trị trường trái phiếu đang trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển nên còn nhiều biến động, những tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu xuất phát từ các nguyên nhân cụ thể:

Thị trường chứng khoán phát triển quá nhanh, mặc dù công tác thanh tra, giám sát đã được triển khai trong thời gian gần đây song chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường;

Tình hình chấp hành quy định pháp luật của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức cung cấp dịch vụ chưa cao;

Một số tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường chứng khoán như tổ chức kiểm toán, kế toán, thẩm định giá... không đáp ứng yêu cau chất lượng và vi phạm đạo đức nghề nghiệp;

Còn nhiều nhà đầu tư cá nhân chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về pháp luật và hiểu biết về thị trường, mua bán theo tin đồn, chạy theo lãi suất cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

5 giải pháp chính

Bám sát các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, và định hướng tại Chiến lược Tài chính đến năm 2030, để đáp ứng nhu cầu vốn cho kinh tế, theo Bộ trưởng, công tác điều hành thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu của Bộ Tài chính trong thời gian tới tiếp tục duy trì theo hướng đảm bảo thị trường hoạt động an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; tập trung vào một số giải pháp chính như sau:

Thứ nhất, tổ chức điều hành thị trường gắn với hoàn thiện khung khổ pháp lý

Đối với thị trường cổ phiếu: Tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán; tăng cường tính tuân thủ của các doanh nghiệp trên thị trường. Trước mắt tập trung triển khai các giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và TTCK vượt qua các khó khăn do dịch bệnh Covid-19 như cắt giảm thủ tục hành chính, điều chỉnh giảm giá dịch vụ, các khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán, đề xuất các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức niêm yết, công ty đại chúng và tổ chức kinh doanh chứng khoán trong bối cảnh dịch bệnh; triển khai các giải pháp đảm bảo hệ thống giao dịch vận hành an toàn, thông suốt.

Đối với thị trường trái phiếu Chính phủ: Phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ trở thành thị trường chuẩn trên thị trường tài chính đáp ứng nhu cầu huy động vốn cho ngân sách Nhà nước và hỗ trợ công tác tái cơ cấu ngân sách và nợ công theo hướng an toàn, bền vững; đảm bảo huy động nguồn lực triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Phát triển thị trường TPDN theo hướng bền vững để trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho các doanh nghiệp, trong đó tập trung phát triển thị trường thứ cấp minh bạch, xây dựng chuẩn mực thị trường, tách bạch rõ giữa trái phiếu phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ.

Trước mắt, Bộ Tài chính sẽ khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi quy định về phát hành TPDN riêng lẻ tại Nghị định số 153/2020/NĐCP theo hướng siết chặt một cách hợp lý, quản lý chặt chẽ các công ty chứng khoán tư vấn phát hành; các doanh nghiệp yếu kém không được phát hành; thu hẹp lại mục tiêu huy động trái phiếu chỉ phục vụ cho việc đầu tư triển khai dự án; doanh nghiệp sau khi phát hành phải thông báo ngay cho Sở GDCK, UBCKNN và thường xuyên có công bố thông tin về việc sử dụng tiền từ huy động trái phiếu. .

Bộ Tài chính cũng sẽ nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ để trình Quốc hội rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán bao gồm phạm vi phát hành ra công chúng, phát hành riêng lẻ, khái niệm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Luật Chứng khoán và các quy định về xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán và một số nội dung liên quan

Thứ hai, tích cực triển khai công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng của các định chế trung gian thị trường

Đối với các tổ chức trung gian thị trường bao gồm các công ty chứng khoán, tổ chức kiểm toán, tổ chức thẩm định giá, công ty quản lý quỹ, tổ chức xếp hạng tín nhiệm..., tập trung vào nâng cao đạo đức nghề nghiệp, chất lượng dịch vụ của các tổ chức cung cấp dịch vụ.

Rà soát, phân loại đối với từng tổ chức cung cấp dịch vụ, trường hợp sai phạm sẽ rút giấy phép; khuyến khích các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường chứng khoán triển khai ứng dụng fintech, phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư và sự phát triển của thị trường. Đồng thời, tiếp tục phát triển hoạt động dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, khuyến khích việc cung cấp dịch vụ và nâng cao năng lực của các tổ chức này.

Thứ ba, cải thiện chất lượng cầu đầu tư hướng tới cầu đầu tư bền vững

Thúc đẩy việc hình thành và hoạt động của các định chế đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn như các quỹ đầu tư, các quỹ hưu trí tự nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm...; Tăng cường đào tạo, phát triển nhà đầu tư cá nhân có đầy đủ kiến thức khi tham gia thị trường thông qua công tác tuyên truyền, tăng cường cung cấp thông tin chính thống giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng tài chính của nhà đầu tư. Đồng thời cung cấp thông tin chính thống, chính xác về chủ trương, định hướng điều hành và tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường chứng khoán, an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ.

Thứ tư, nâng cao hiệu quả công tác giám sát

Để đáp ứng yêu cầu quản lý, giám sát thị trường trong bối cảnh các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, đa dạng, trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, giám sát để vừa đảm bảo cho sự phát triển của thị trường, vừa phát hiện, xử lý các hành vi thao túng trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp như đưa thông tin sai lệch hay dùng nhiều tài khoản giao dịch bất thường...

Theo đó, những hành vi thao túng phải được xử phạt nghiêm minh, những doanh nghiệp thực hiện đúng quy định thì phải được hỗ trợ để phát triển một cách hiệu quả và bền vững. Bộ Tài chính cũng sẽ tăng nguồn lực thanh tra cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và ứng dụng công nghệ trong hỗ trợ nghiệp vụ quản lý và giám sát chặt chẽ, kịp thời.

Thứ năm, tăng cường công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành và hoạt động hợp tác quốc tế

Bộ Tài chính cũng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan trong công tác điều hành và quản lý giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu với thị trường tiền tệ, tín dụng ngân hàng bảo đảm tính công khai, minh bạch trên thị trường vốn, ổn định thị trường tài chính, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Về công tác thông tin, tuyên truyền, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông, các cơ quan báo chí tăng cường cơ chế phối hợp để đảm bảo hiệu quả công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin xác thực về quan điểm, định hướng chỉ đạo của Chính phủ để ổn định tâm lý thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư an tâm tham gia huy động vốn và đầu tư trên thị trường vốn một cách hiệu quả.

Đồng thời, phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra.

https://cafef.vn/bo-tai-chinh-dua-ra-5-giai-phap-chinh-dam-bao-minh-bach-thi-truong-bao-ve-nha-dau-tu-trong-thoi-gian-toi-20220422152416502.chn

Thái Quỳnh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên