Bộ Tài chính: Sẽ sớm trình Chính phủ sửa đổi quy định phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết sẽ khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi quy định về phát hành TPDN riêng lẻ tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.
- 21-04-2022Hoạt động cho vay bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp làm "nóng" mùa đại hội cổ đông ngân hàng
- 19-04-2022Các ngân hàng có thể lùi thêm một bước trong việc tham gia trái phiếu doanh nghiệp
- 19-04-2022Có những cái "KHÔNG" còn đáng lo hơn "KHÔNG tài sản bảo đảm" của trái phiếu doanh nghiệp
Chia sẻ tại Hội nghị "Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế", ông Hồ Đức Phớc – Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ sửa đổi quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 153) quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế theo hướng siết chặt một cách hợp lý.
Cụ thể, để đảm bảo tính an toàn và minh bạch cho thị trường trái phiếu, các doanh nghiệp yếu kém không được phát hành. Mục tiêu huy động vốn từ trái phiếu cần thu hẹp lại, chỉ phục vụ cho việc đầu tư triển khai dự án. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sau khi phát hành phải thông báo ngay cho Sở GDCK, UBCKNN và thường xuyên có công bố thông tin về việc sử dụng tiền từ huy động trái phiếu.
Ông Hồ Đức Phớc cho biết trong thời gian tới Bộ Tài chính cũng sẽ nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán bao gồm phạm vi phát hành ra công chúng, phát hành riêng lẻ, khái niệm về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Luật Chứng khoán và các quy định về xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán và một số nội dung liên quan.
Cũng tại hội nghị, theo đại diện của Bộ Tài chính, thị trường vốn hiện nay đã hình thành và vận hành đầy đủ các cấu phần bao gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh. Trong đó, quy mô thị trường trái phiếu đạt 39,7%GDP (trái phiếu Chính phủ là 22,7% GDP và TPDN là 14,2% GDP). Do vậy, mục tiêu là phát triển thị trường TPDN theo hướng bền vững để trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho các doanh nghiệp, trong đó tập trung phát triển thị trường thứ cấp minh bạch, xây dựng chuẩn mực thị trường, tách bạch rõ giữa trái phiếu phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được trong thời gian qua, việc thị trường TPDN tăng trưởng nhanh cũng phát sinh ra nhiều rủi ro, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu rõ về pháp luật trong việc đầu tư, giao dịch TPDN riêng lẻ. Một số trường hợp đã có hành vị gian lận để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp được phép giao dịch TPDN. Ngoài ra, doanh nghiệp phát hành có tình hình tài chính còn hạn chế, một số doanh nghiệp còn sử dụng vốn không đúng với thông tin đã công bố.
Mặc dù đã triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu các tổ chức kinh doanh chứng khoán, nhưng chất lượng hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường còn chưa đồng đều, nên còn xảy ra các hành vi tiêu cực. Năng lực của một số tổ chức kiểm toán, tổ chức thẩm định giá còn hạn chế, chưa đáp ứng các chuẩn mực nghề nghiệp. Một số tổ chức đại lý phát hành, tổ chức phân phối trái phiếu doanh nghiệp chưa tuân thủ đúng pháp luật.
Vì thế, để đáp ứng nhu cầu vốn cho kinh tế, việc điều hành thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, Bộ Tài chính trong thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì theo hướng đảm bảo thị trường hoạt động an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
"Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan trong công tác điều hành và quản lý giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu với thị trường tiền tệ, tín dụng ngân hàng bảo đảm tính công khai, minh bạch trên thị trường vốn, ổn định thị trường tài chính, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô" – Ông Hồ Đức Phớc nói.
Theo đó, một số giải pháp được Bộ Tài chính đề xuất gồm: thứ nhất, tổ chức điều hành thị trường gắn với hoàn thiện khung khổ pháp lý; thứ hai là tích cực triển khai công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng của các định chế trung gian thị trường; thứ ba là cải thiện chất lượng cầu đầu tư hướng tới cầu đầu tư bền vững; thứ tư là nâng cao hiệu quả công tác giám sát; và cuối cùng là phải tăng cường công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành và hoạt động hợp tác quốc tế.