MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Bộ Công Thương: Không có lợi ích nhóm trong vấn đề môi trường

Trước những ồn ào của dư luận về việc có hay không lợi ích nhóm trong việc Bộ Công Thương đồng ý trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná (Ninh Thuận) vào quy hoạch ngành thép, chiều 30.12.2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: Vấn đề không có lợi ích nhóm trong vấn đề môi trường. Ở đây là quan điểm phát triển, Việt Nam phải có ngành sản xuất thép vì chúng ta có lợi thế phát triển ngành này. Không có thép ở Cà Ná thì có thép ở Dung Quất.

Không thể phát triển công nghiệp bằng hạt muối của Cà Ná

Người đứng đầu ngành Công Thương khẳng định hoàn toàn không có lợi ích nhóm trong việc chấp thuận bổ sung quy hoạch cho dự án thép Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen. Trước đó, trên cơ sở rà soát quy hoạch cho thấy đến năm 2020 cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô, đến năm 2025, thiếu hụt sẽ vượt mức 20 triệu tấn. Tại thời điểm năm 2016, nhập siêu ngành thép đã lên tới 7,2 tỉ USD, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cán cân thương mại và ổn định kinh tế vĩ mô. Mức nhập siêu sẽ ngày càng trầm trọng hơn trong các năm tới.

Để chủ động nguồn nguyên liệu thép trong nước, từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư và tỉnh Ninh Thuận đã cấp phép đầu tư Khu liên hợp thép của Cty TNHH thép Vinashin Lion. Tuy nhiên, dự án này đã không triển khai theo đúng kế hoạch và bị thu hồi giấy phép. Dự án thép Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen được UBND tỉnh Ninh Thuận có văn bản đề nghị Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch nhằm tận dụng lợi thế khu vực cảng biển nước sâu Cà Ná, gần khu vực khai thác sắt Thạch Khê cùng với các lợi thế về nhân công rẻ, chi phí vận chuyển, bán hàng (theo tính toán, với mức tiêu thụ thép trên 20 triệu tấn/năm, VN được xem là thị trường tiêu thụ thép lớn khu vực Đông Nam Á).

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, dự án thép Cà Ná được lập để thay thế dự án cũ đã bị loại đi và mới chỉ dừng ở việc cho nhà đầu tư vào khảo sát địa điểm lập dự án. Từ đó đến khi dự án được phê duyệt và triển khai là quá trình dài, qua nhiều bước, liên quan đến việc thẩm định của nhiều bộ ngành. Song song với việc này, hiện Bộ Công Thương cũng đang xem xét một cách đầy đủ, khách quan và toàn diện về quy hoạch ngành thép. Thời gian qua, Bộ Công Thương hết sức cầu thị, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, ý kiến của nhân dân đóng góp cho dự thảo đề án quy hoạch, đồng thời thuê Công ty tư vấn nước ngoài hoàn thiện đề án trình Chính phủ phê duyệt.

“Về quan điểm phát triển, một đất nước 100 triệu dân, lại là nước đi sau, phụ thuộc quá nhiều vào các sản phẩm thép từ bên ngoài gây ra những hệ lụy làm mất cân đối nghiêm trọng sản xuất trong nước, gia tăng nhập siêu. Sẽ là bất hợp lý nếu chúng ta không phát triển ngành công nghiệp thép” - Bộ trưởng khẳng định.

Trước khi là bộ trưởng tôi cũng là một công dân

Lo ngại dự án thép Cà Ná lặp lại một “Formosa” thứ hai, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: “Đây là trách nhiệm trước Đảng, trước Nhà nước, trước nhân dân, trong đó có trách nhiệm của Bộ Công Thương và cá nhân tôi là Bộ trưởng Bộ Công Thương. Trước khi tôi là bộ trưởng thì tôi cũng là một công dân, có trách nhiệm công dân. Nếu để xảy ra thảm họa về môi trường, gây thiệt hại cho đất nước thì một bộ trưởng Công Thương từ chức cũng không có ý nghĩa gì. Vấn đề là làm thế nào để không xảy ra thảm họa mà vẫn đem lại lợi ích cao nhất cho đất nước, không vì lợi ích nhóm mà hy sinh cái tổng thể”.

Theo Bộ trưởng, với vai trò quản lý nhà nước, Bộ Công Thương đang làm hết trách nhiệm, mới đây bộ quyết định thuê tư vấn nước ngoài xây dựng dự thảo Quy hoạch ngành thép, dự kiến sẽ trình Chính phủ phê duyệt vào quý I/2017.

Trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Trương Thanh Hoài - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) - cho biết: Theo quy định hiện hành, đối với các dự án có quy mô trên 5.000 tỉ đồng, trong giai đoạn lập hồ sơ đề xuất lập dự án, chủ đầu tư đã phải có đánh giá sơ bộ tác động môi trường và các giải pháp bảo vệ môi trường. Với trình độ khoa học, công nghệ và thiết bị luyện gang thép hiện nay, nếu tuân thủ đầy đủ các quy trình, quy định trong vận hành, hoàn toàn có thể kiểm soát được vấn đề môi trường đối với các dự án.

Ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA): Cần có cơ chế giám sát các chủ đầu tư xả thải ra môi trường

Việt Nam nhập khẩu 17 triệu tấn thép năm 2016 gồm các chủng loại thép đặc biệt phục vụ cho các ngành cơ khí chế tạo. Vì vậy, chủ trương thu hút đầu tư các khu công nghiệp luyện thép lớn, quy mô từ 3-4 triệu tấn/năm nhằm chủ động sản xuất trong nước, tăng sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập là cần thiết. Song phải đảm bảo các yêu cầu về môi trường. Để xử lý triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường, hệ thống xử lý chất thải của mỗi nhà máy phải đầu tư chiếm tới 25-30% giá trị đầu tư, vì vậy không ít nhà máy đã không đầu tư đến nơi đến chốn để giảm chi phí. Q.T (ghi)

Theo Hồng Quân

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên