MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT: 'Rất khó để đạt được tăng trưởng GDP năm 2021 ở mức 3 - 3,5% như dự kiến'

Ngày 12/10/2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự kiến tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 sẽ ở mức 3 - 3,5% tùy thuộc vào khả năng mở cửa kinh tế của đất nước đến mức nào.

Phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã diễn ra, nhằm cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022.

Dự kiến 4/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt kế hoạch đề ra

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nêu ý kiến, trong tình hình phức tạp của dịch bệnh hiện nay, việc giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, cơ bản bảo đảm các cân đối lớn… là rất tốt, tuy nhiên dự kiến có 4/12 chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra.

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng đợt dịch bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng nghiêm trọng, tăng trưởng quý III giảm 6,17%, kéo tốc độ tăng trưởng 9 tháng GDP chỉ đạt 1,42%.

Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, xuất hiện tình trạng đứt gãy một số chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa có lúc, có nơi ách tắc cục bộ. Tình hình lao động, việc làm bị ảnh hưởng nặng nề.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT thông tin, dự kiến tăng trưởng cả năm 2021 sẽ ở mức 3 - 3,5% tùy thuộc vào khả năng mở cửa kinh tế của đất nước đến mức nào, nhưng đều là chỉ số rất khó khăn để đạt được.

Tập trung nguồn lực phòng chống dịch

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thông tin, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với nhiều nội dung theo Báo cáo của Chính phủ, đồng thời đề nghị Chính phủ quan tâm một số vấn đề.

Cụ thể, việc thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ - tín dụng và an sinh xã hội để hỗ trợ cho người dân và tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 đánh giá rõ hơn kết quả, tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ.

Đánh giá rõ hơn công tác điều hành, phối hợp thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của các địa phương và làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, những hạn chế lớn, nhất là hành lang pháp lý để ứng phó với tình trạng khẩn cấp về y tế, việc đầu tư sản xuất vắc-xin, thuốc điều trị, quản lý dân cư... bộc lộ trong quá trình phòng, chống dịch thời gian qua để có các chiến lược, chính sách phù hợp trong ngắn hạn và dài hạn.

Về kế hoạch cho thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, giải pháp cho những tháng cuối năm 2021 cần làm rõ các nội dung tập trung ưu tiên, đồng thời, đánh giá kỹ bối cảnh năm 2022 để có kịch bản phù hợp.

Trong năm 2022 làm rõ chuyển hướng trong phòng chống dịch, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép với trọng tâm thích ứng an toàn với dịch bệnh. Vì vậy, kế hoạch chiến lược phòng chống dịch cần được tích hợp và tính toán bảo đảm tối ưu và cân bằng giữa yếu tố y tế và kinh tế - xã hội; quan tâm hơn đến các vấn đề xã hội, tính toán thời điểm nơi lỏng có kiểm soát tránh tư tưởng nóng vội, không chủ quan…

Trong kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu ý kiến, cần phải thực hiện chính sách kiểm soát chặt chẽ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát, trì hoãn những nhiệm vụ có thể trì hoãn để tập trung nguồn lực phòng, chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội và khôi phục kinh tế.

Tính toán để nới lỏng chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ với liều lượng phù hợp trên cơ sở đánh giá kỹ và kiểm soát được kết quả, sắp xếp lại các nhiệm vụ, giải pháp theo thứ tự ưu tiên để cân đối với các nguồn lực.

Đồng thời, cần đánh giá dư địa của chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ làm căn cứ điều hành và phối hợp chính sách. Rà soát dự toán 2022 để tăng dự phòng, chủ động nguồn cho phòng chống dịch bệnh và thực hiện các chính sách hỗ trợ kinh tế.

Mục tiêu phát triển năm 2022

Về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, mục tiêu phòng chống, kiểm soát dịch hiệu quả để sớm mở cửa trở lại, tận dụng tốt các cơ hội thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chính phủ đề ra 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước đạt khoảng 6 - 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP khoảng 4%.

Hồng Nhuận

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên