MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Bộ tài chính: Nợ công đang được xử lý rất hiệu quả

Người đứng đầu ngành tài chính khẳng định, một yếu tố đáng mừng là chúng ta đã đẩy được đỉnh nợ. Nếu như 2014 lo đỉnh nợ vào 2016, 2017 thì bây giờ 2016, 2017 đã đẩy được đỉnh nợ qua.

Đó là chia sẻ về quá trình xử lý nợ công của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, một tiến bộ mà theo ông Dũng đánh giá là “quá trình tái cơ cấu nợ công những năm qua rất tốt”.

Theo Bộ trưởng, giai đoạn 2011 – 2015, ngân sách Nhà nước luôn trong tình trạng khó khăn bởi sự khó khăn chung của nền kinh tế toàn thế giới. Thực tế trong giai đoạn này, chúng ta chỉ đạt tăng trưởng 5,91%, thấp hơn mức đã điều chỉnh Quốc hội đề ra là 6 – 7%, qua đó ảnh hưởng lớn tới nguồn thu ngân sách.

Một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đó là giá dầu thô trong nhiệm kỳ này đã giảm sâu và giảm nhanh, cũng như việc cắt giảm chính sách thuế quan theo lộ trình hiệp định Quốc tế.

Chính những khó khăn nội tại kinh tế buộc chúng ta phải thay đổi chính sách thu, cắt giảm chính sách thu nhanh hơn so với lộ trình, để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Cụ thể, thuế TNDN giảm từ 25% xuống còn 22% ngay từ năm 2013, trong khi lộ trình đặt ra là 2020 mới giảm thuế này. Với thuế thu nhập cá nhân cũng giảm tương tự.

Về vấn đề chi ngân sách, chi thường xuyên có nhiều khó khăn song vẫn tập trung đầu tư cho con người và chi an sinh cho xã hội. Tốc độ chi an sinh xã hội giai đoạn này tăng 18%, cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước. Dù đây là động thái tốt của Chính phủ, nhưng cũng là yếu tố tác động ảnh hưởng tới ngân sách nhà nước, làm khó khăn thêm.

Một vấn đề nữa, giai đoạn 2014 – 2016 Chính phủ đã phê chuẩn phát hành thêm 170.000 tỉ đồng trái phiếu. Bên cạnh đó là ODA giải ngân quá cao so với dự toán. Dự toán là 141.000 tỉ đồng thì thực tế đã giải ngân 251.000 tỉ. Việc phát hành thêm và dự toán ODA tăng vọt đã đẩy bội chi tăng cao.

“Bội chi lên đến 5,8%, cao hơn nhiều so với dự toán đương nhiên dẫn tới nợ công tăng cao. Nợ công 2015 gấp 2,3 lần 2010, tăng bình quân 18,4%/năm”, ông Dũng nhận xét.

Trước tình hình này, Chính phủ đã ban hành nghị quyết 07 tái cơ cấu ngân sách, đảm bảo an toàn nợ công. Nhưng 2016, 2017 đã được kiểm soát rất tiến bộ, thông qua phát hành trái phiếu kỳ hạn dài.

Nếu như năm 2013, trái phiếu chính phủ phát hành có kỳ hạn trung bình chỉ 3 năm thì đến 2016, chúng ta đã phát hành kỳ hạn trên 8 năm và mấy tháng 2017 này và 5 tháng đầu năm nay trung bình là 15,6 năm. Kéo danh mục kỳ hạn trái phiếu chính phủ từ 2,98 năm tới nay là bình quân trên 6 năm.

“Một yếu tố đáng mừng nữa, đó là chúng ta đã đẩy được đỉnh nợ. Nếu như 2014 lo đỉnh nợ vào 2016, 2017 thì bây giờ 2016, 2017 đã đẩy được đỉnh nợ qua. Quan trọng hơn, toàn bộ các khoản vay của giai đoạn 2011 – 2013 có lãi suất rất cao, từ 11 – 13% thì vừa qua chúng ta đã phát hành đảo được hết với lãi suất chỉ trên 6%, kỳ hạn dài. Kỳ hạn như năm ngoái 91% là 5 năm trở lên. Sang năm nay, đến thời điểm này thì 102.000 tỉ trái phiếu phát hành cũng đều có kỳ hạn trên 5 năm”, Bộ trưởng bộ Tài chính cho biết.

Quốc Dũng

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên