Bộ trưởng Công Thương: Biểu giá điện bán lẻ sinh hoạt chỉ còn 5 bậc
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết trong dự thảo trình Chính phủ sáng 21-8, giá điện bán lẻ được tính toán lại thành 5 bậc thay vì 6 bậc như hiện nay, trong đó bậc 1 nâng từ 0 - 50 kwh lên 0 - 100 kWh
- 20-08-2024Điều hành giá điện: 2 năm lỗ 47.500 tỷ đồng
- 20-08-2024Giá điện cần phải minh bạch, cạnh tranh
- 14-08-2024Trà Vinh đề nghị Bộ Công Thương sớm ban hành khung giá điện gió
Tại phiên chất vấn của Ủy ban thường vụ Quốc hội, sáng 21-8, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Công Thương trong công tác cung ứng điện cho tiêu dùng, sản xuất bởi nếu như năm 2023, tình trạng thiếu điện cục bộ xảy ra thì tới năm nay đã có sự tiến bộ rất rõ.
Tuy nhiên, ông Hòa chỉ ra cách tính giá bậc thang điện hiện nay chưa phù hợp với người dân. Trong đó, bậc 1 của điện sinh hoạt quy định mức sử dụng chỉ từ 0 - 50 kWh. Ngoài ra, người dân còn bị chịu thuế giá trị gia tăng (VAT 10%).
Do đó, đại biểu Phạm Văn Hòa đề xuất Bộ Công Thương nghiên cứu, nâng mức điện sinh hoạt bậc 1 lên 100 kWh và tính toán xem có bỏ được thuế VAT hay không?
Trả lời, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay biểu giá điện bậc thang là mô hình phổ biến của tất cả các quốc gia để khuyến khích khách hàng sử dụng tiết kiệm. Bởi, điện là sản phẩm rất khác so với các ngành khác, càng sản xuất nhiều, càng ảnh hưởng tới môi trường.
Hiện nay, Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg quy định biểu giá giá điện bán lẻ bình quân gồm có 6 bậc.
Thực hiện nghị quyết của UBTVQH và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ trì đã sửa đổi Quyết định này. Theo đó, trong dự thảo trình Chính phủ sáng 21-8, giá điện bán lẻ được tính toán lại thành 5 bậc. Trong đó, bậc 1 nâng từ 0 - 50 kwh lên 0 - 100 kWh, như đề xuất của đại biểu Phạm Văn Hoà.
Cách tính này, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, sẽ góp phần hỗ trợ người nghèo. Đồng thời, mức hỗ trợ người nghèo vẫn giữ như cũ, ngân sách Nhà nước hỗ trợ tới mức 30 kWh. Từ mức 30 kWh đến hết khung bậc 1, người tiêu dùng vẫn phải thanh toán theo quy định.
Ngoài ra, để xóa khoảng cách bất hợp lý giữa các đối tượng sử dụng điện, dự thảo đề nghị điều chỉnh khung giá điện trong sản xuất, sinh hoạt tiệm cận hơn. Một số ngành sản xuất được điều chỉnh tương ứng với biểu giá trong lĩnh vực dịch vụ để đảm bảo không bù chéo giữa các đối tượng sử dụng điện.
Về vấn đề thuế VAT trong hóa đơn tiền điện, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết đây là quy định của luật thuế áp dụng với mọi hàng hóa, dịch vụ khi giao dịch. Việc có bỏ được không, người đứng đầu ngành công thương cho rằng Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ trả lời rõ hơn.
Cùng chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) và Đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái (đoàn Lạng Sơn) phản ánh tình trạng hàng giả, hàng nhái đang diễn ra nghiêm trọng. Các Đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Công Thương tập trung làm rõ những giải pháp đã và đang triển khai để giải quyết vấn đề này.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định trong kinh tế thị trường, việc phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn lậu hàng giả, hàng kém chất lượng là rất quan trọng, nhất là trong môi trường thương mại điện tử.
Thời gian qua, để nâng cao hiệu quả công tác này, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan đã tham mưu cấp có thẩm quyền để ban hành nhiều cơ chế, chính sách để khắc phục tình trạng này, điển hình là tham mưu ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Đề án chống hàng giả, kém chất lượng, sửa đổi, bổ sung những quy định xử phạt trong thương mại truyền thống và thương mại điện tử.
Đồng thời, Bộ cũng triển khai cơ chế tiếp nhận và xử lý thông tin qua Cổng thông tin quản lý thương mại điện tử và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - đây là Cổng điện tử quốc gia tại Cục Thương mại điện tử, kinh tế số (Bộ Công Thương).
Ngoài ra, Bộ Công Thương phối hợp tốt với các lực lượng trong phòng chống gian lận thương mại của các địa phương, yêu cầu các website rà soát để ngăn chặn, bóc gỡ hàng ngàn gian hàng giả, hàng kém chất lượng; tăng cường hơn nữa truyền thông để hướng dẫn người tiêu dùng. Xây dựng cơ sở dữ liệu và chia sẻ thông tin với các cơ quan liên quan (công an, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng)…
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định xử phạt những hành vi vi phạm trong thương mại điện tử và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường tốt hơn việc xây dựng cơ sở dữ liệu và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan có liên quan để xử lý chống hàng gian, hàng giả, đẩy mạnh công tác truyền thông để người tiêu dùng nâng cao hiểu biết và tự bảo vệ mình…
Người lao động