Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Nam giới bị bạo lực gia đình tăng
Năm 2023, số lượng nạn nhân là nam giới trong các vụ bạo lực gia đình có dấu hiệu gia tăng
- 29-11-2023Người bị bạo lực gia đình được hỗ trợ khám chữa bệnh từ 25/12/2023
- 17-04-2023Nữ sinh trường chuyên ở Nghệ An tự tử nghi do bị bạo lực học đường
Ngày 22-5, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung trình bày báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết với sự chỉ đạo của Chính phủ, 100% các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch và triển khai công tác bình đẳng giới năm 2023. Nhờ đó, đến cuối năm 2023, có 11/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu của Chiến lược đến năm 2025; 3/20 chỉ tiêu đạt một phần, 2 chỉ tiêu tiệm cận với mục tiêu đề ra đến năm 2030, trong đó có 12 chỉ tiêu đạt kết quả tốt hơn so với năm 2022.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, bình đẳng giới trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động việc làm, giáo dục và đào tạo, an sinh xã hội và thông tin và truyền thông tiếp tục là những điểm sáng, có nhiều tiến bộ so với năm 2022.
Báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH cho thấy năm 2023, có hơn 3.100 hộ xảy ra bạo lực gia đình với hơn 3.200 vụ (năm 2002 hơn 4.400 vụ). Trong đó, bạo lực thân thể xảy ra nhiều nhất với 1.520 vụ, tiếp đến là bạo lực tinh thần 1.400 vụ, bạo lực kinh tế 230 vụ và bạo lực tình dục 110 vụ.
Trong gần 3.200 nạn nhân của bạo lực gia đình thì nữ là 2.600, nam 565. So với 2022, số vụ và số nạn nhân của bạo lực gia đình đều giảm, song tỉ lệ nạn nhân là nam giới có dấu hiệu tăng so với năm trước. Gần 3.000 người có hành vi bạo lực gia đình đã bị góp ý, phê bình, xử phạt hành chính và 129 người bị xử lý hình sự.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng trên thực tế, nhiều người bị bạo lực có tâm lý cam chịu, sợ bị kỳ thị nên không đi báo cáo, đa số họ cho rằng đó là chuyện bình thường, "xấu chàng hổ ai".
Phần lớn người bị bạo lực chỉ đi báo cáo và tìm sự hỗ trợ của nhà chức trách khi vụ việc nghiêm trọng, bạo lực xảy ra trong thời gian dài hoặc có thể dẫn đến chấm dứt hôn nhân. Thực trạng này gây khó khăn cho việc thống kê số liệu cũng như triển khai các giải pháp can thiệp và ứng phó với bạo lực.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn chưa giảm, gây ảnh hưởng lâu dài đến cơ cấu dân số Việt Nam. Hơn nữa, điều này còn dẫn tới những hậu quả về xã hội và nhân khẩu học, gây bất bình đẳng giới....
Ngoài những hạn chế nêu trên, bình đẳng giới đã có nhiều tích cực như phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn vào quá trình hoạch định chính sách và đảm nhiệm vị trí lãnh đạo quan trọng trong hệ thống chính trị. Hiện có 4 nữ Bộ trưởng, 13 nữ Thứ trưởng và tương đương. Tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa 15 đạt 30,2%, lần đầu tiên vượt trên 30% trong 45 năm gần đây.
Thu nhập của lao động nữ cũng được cải thiện, bình quân năm 2023 là 6 triệu đồng/tháng, tăng 400.000 đồng so với năm 2022 và tăng 1,1 triệu đồng so với năm 2019...
Người lao động