Bộ trưởng Lê Minh Hoan gửi gắm các nhà khoa học từ chuyện quả cam Mỹ để 6 tháng chưa hỏng
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan dẫn chuyện quả cam của Mỹ để nhiệt độ phòng 6 tháng mới chuyển màu, ông mong các nhà khoa học có thể giúp nông sản của Việt Nam giải quyết tốt thách thức về hao hụt, hư hỏng khi xuất khẩu
Ngày 10-7, Bộ NN-PTNT tổ chức "Diễn đàn kết nối các sản phẩm khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân".
Đại diện một doanh nghiệp nông nghiệp ở Vĩnh Phúc gửi tới Bộ trưởng Lê Minh Hoan về tâm thư của các công ty tham gia lĩnh vực chế biến nông sản.
Vị này cho rằng khoai tây trồng ở Việt Nam chỉ để nấu canh, bán rất rẻ, trong khi đó khoai tây chế biến cho nhà hàng, khách sạn, làm BBQ nhập 100%, giá nhập 50 ngàn đồng/kg. Hay nhỏ như con dao răng cưa để chế biến khoai tây mà ông tìm không ra suốt mấy tháng nay. Như thế làm sao chúng ta cạnh tranh được?
"Chúng tôi rất mong các nhà khoa học chủ động liên lạc với chúng tôi, để chúng ta đẩy mạnh khâu chế biến" - ông nói.
Trước tâm thư của doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nói lại rằng đó là lời đề nghị rất tâm huyết với chế biến nông sản. "Chúng ta đặt câu hỏi tại sao một đất nước có bao nhiêu nhà khoa học mà không thể làm được con dao gọt khoai tây?" - ông đặt vấn đề.
Nhưng bên cạnh đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhìn nhận trong nền kinh tế thị trường, nếu mình chỉ nghiên cứu để sản xuất vài ngàn con dao thì có cạnh tranh được hay không? Hay chúng ta nên tập trung vào cái gì làm tốt thì làm tốt hơn.
Trở lại vấn đề về hợp tác liên kết kết nối thị trường khoa học công nghệ, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nhìn nhận thị trường khoa học công nghệ là nơi gặp gỡ giữa cung - cầu. Thị trường trăm người bán vạn người mua mới ra một cái chợ.
Trong chợ đó, doanh nghiệp có được quyền lựa chọn viện nghiên cứu và ngược lại. "Chúng ta phải đưa sản phẩm khoa học công nghệ tiến dần thị trường cạnh tranh" - Bộ trưởng nói.
Đồng thời, Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn chứng từ quả Cam của Mỹ được ông để 6 tháng mới chuyển màu để mong ước nông sản của ta có thể bảo quản tốt như vậy. "Nhà khoa học hãy nghiên cứu để nông dân, doanh nghiệp giải quyết được thách thức hao hụt, hư hỏng nông sản khi xuất khẩu" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị.
Về phía doanh nghiệp, bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed), cho hay doanh nghiệp muốn tìm kiếm lợi nhuận cần hiểu thị trường muốn gì trong trước mắt và dài hơi.
Theo đó, giống lúa không chỉ phải thích nghi biến đổi khí hậu mà hàm lượng dinh dưỡng cao, hàm lượng đường thấp. Giống ngô không chỉ có màu mà để ăn liền cần có mùi thơm như dứa, mang hàm lượng dinh dưỡng cao.
"Nói như Bộ trưởng Lê Minh Hoan là cần một cơ chế nào đó, đó là dự đoán dự báo xu thế về sự thay đổi xu hướng tiêu dùng để từ đó định hướng cho công tác nghiên cứu khoa học. Dự báo xu thế thay đổi nhu cầu của người dùng để các đơn vị khoa học công nghệ và doanh nghiệp cùng bắt tay tạo giống" - bà Liên kỳ vọng.
Theo bà Liên, Vinaseed đã đặt hàng các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong nước nghiên cứu tạo ra giống cà chua có thể trồng ngoài đồng mà vẫn bảo đảm quả cứng, cho phép vận chuyển an toàn; hay là nghiên cứu giống dưa chuột trong nước mà không cần phải nhập giống từ Hà Lan. "Chúng tôi sẵn sàng trả tiền để đặt hàng các nhà nghiên cứu, khoa học trong nước. Hợp tác trước mắt là chuyển giao, còn hợp tác lâu dài là đặt hàng" - bà Liên nói.
Người lao động