Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Thực hiện 3 đột phá chiến lược cho phát triển kinh tế đến năm 2030
Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được nếu Việt Nam thực hiện thành công 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.
- 23-01-2024Lý do kinh tế Bình Thuận tăng trưởng thần tốc
- 22-01-2024Thành phố trẻ nhiều chỉ tiêu kinh tế vượt kế hoạch, thu ngân sách hơn 4 tỉnh cộng lại, sẽ xây thêm 4 tuyến đường mới
- 22-01-2024Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và trở thành "con hổ" mới về kinh tế của châu Á
Để hiểu rõ hơn những động lực và giải pháp thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ với phóng viên TTXVN xoay quanh nội dung này.
Với mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xin Bộ trưởng cho biết, chúng ta cần hiện thực hóa tầm nhìn này như thế nào?
Trước hết, mục tiêu phát triển của đất nước đến năm 2030 và đến năm 2045 rất khó khăn, cùng với nhiều thách thức. Nhưng mục tiêu này không phải không khả thi mà hoàn toàn có thể đạt được nếu Việt Nam thực hiện thành công 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra một cách mạnh mẽ và chắc chắn sẽ thay đổi vận mệnh của tất cả các quốc gia thì quốc gia nào chủ động sẽ phát triển, thịnh vượng. Ngược lại, quốc gia nào thụ động sẽ tụt hậu và khó lấp được khoảng cách phát triển. Ba đột phá chiến lược được Đảng, Nhà nước ta quyết tâm, nỗ lực thực hiện trong bối cảnh này là rất đúng và trúng.
Trong 3 đột phá nêu trên, đột phá thể chế là đột phá đầu tiên và cũng là đột phá quan trọng nhất bởi đột phá này làm nền tảng và tiền đề cho các đột phá khác thành công. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện đột phá về thể chế cũng sẽ làm sáng tỏ về lý luận và thực tiễn đối với nhiều mối quan hệ lớn được đề ra trong các kỳ Đại hội Đảng. Chẳng hạn như: Giữa ổn định, đổi mới và phát triển, giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa… Tùy từng đột phá khác nhau, các cách thức để hiện thực hóa thành công các đột phá này cũng có sự khác nhau.
Theo tôi, đột phá về thể chế là cần tiếp tục đổi mới tư duy xây dựng thể chế để đáp ứng yêu cầu của thời đại; có tính chủ động, khoa học, thực tiễn và có tầm nhìn dài hạn và toàn cục. Việc xây dựng thể chế không chỉ từ trên xuống, hay từ dưới lên mà là đan xen tinh vi, nhiều chiều để bảo đảm thực tiễn cao và toàn diện, rộng khắp, đủ mạnh mẽ khi các chủ trương, chính sách được ban hành, triển khai thực hiện.
Tiếp đó, đột phá về thể chế cần bảo đảm đồng bộ, hệ thống, không thể chỉ thực hiện cho riêng lẻ một vài khâu, hay một vài ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tri thức đóng vai trò quan trọng và con người có vị trí trung tâm của quá trình chuyển đổi số. Với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, nhân lực có ý nghĩa quyết định, thúc đẩy tăng trưởng, gia tăng năng suất lao động, giúp Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình, hiện thực hóa mục tiêu các mục tiêu đến năm 2030 và đến năm 2045.
Đảng ta đã xác định phát triển đồng bộ và hiện đại kết cấu hạ tầng là nhiệm vụ lâu dài, cần phải có lộ trình phù hợp với sự phát triển chung của toàn nền kinh tế. Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục xác định phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong những đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021 - 2030. Điều này nhằm hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, khắc phục điểm nghẽn, để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Năm 2024, tình hình kinh tế, chính trị thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường và tiếp tục là một năm khó khăn đối với kinh tế trong nước. Xin Bộ trưởng cho biết các động lực và giải pháp để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi?
Trong năm tới, để khắc phục những khó khăn, thách thức, giải quyết những điểm nghẽn phát triển của nền kinh tế, tận dụng cơ hội phát triển, huy động tối đa nguồn lực đầu tư toàn xã hội, sự tham gia của người dân, doanh nghiệp... đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 mà Trung ương Đảng, Quốc hội đã đề ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các nhóm nhiệm vụ, giải pháp và định hướng lớn trong năm 2024.
Đó là, Chính phủ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Theo đó, tập trung vào 3 động lực tăng trưởng; làm mới các động lực tăng trưởng cũ và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới.
Bên cạnh đó, Chính phủ thực hiện quyết liệt, hiệu quả 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực; tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật. Đồng thời, đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư.
Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường cao tốc, cảng hàng không, bến cảng, hạ tầng đô thị, hạ tầng liên vùng, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục… Ngoài ra, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực trong lĩnh vực công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Tôi cho rằng, Chính phủ thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế mới, thương mại điện tử, thương mại biên giới...
Ngoài ra, Chính phủ đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ cơ cấu lại nền kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao, nhất là các lĩnh vực mới, mang tính đột phá; chủ động, tích cực tham gia các diễn đàn đa phương; nâng cao vị thế, uy tín đất nước trên trường quốc tế…
Đầu tư công luôn được xác định là một trong ba động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Xin Bộ trưởng cho biết những nét mới và kết quả đạt được trong giải ngân vốn đầu tư công của năm 2023 như thế nào?
Năm 2023 là năm bản lề thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Để đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, lượng vốn cần giải ngân trong năm 2023 là khá lớn.
Ngoài số vốn kế hoạch năm 2023 đã được Quốc hội quyết nghị còn một lượng vốn bổ sung từ nguồn vốn thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, ngay từ đầu năm, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Nhờ sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng hành, giám sát của Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực, quyết tâm của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp… kế hoạch đầu tư công năm 2023 đã đạt được một số kết quả tích cực.
Cụ thể, cơ cấu vốn đầu tư công dịch chuyển gắn với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy cơ cơ cấu lại các ngành, vùng lãnh thổ bảo đảm tương quan hợp lý giữa phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội, giữa các ngành, lĩnh vực, các địa phương, vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn khác. Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP tăng, quy mô vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước tăng.
Không những thế, đầu tư công đã phát huy vai trò dẫn dắt, là vốn mồi để thu hút các nguồn lực đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài nhà nước, tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 dự kiến đạt 95% kế hoạch (năm 2022 là 91,42%), số tuyệt đối đạt gần 676 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, cao hơn khoảng 146 nghìn tỷ đồng so với năm 2022.
Bên cạnh đó, thể chế về đầu tư công tiếp tục được sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà thực tiễn đặt ra và tạo khung pháp lý cho những vấn đề mới. Cùng với đó, năng lực hầu hết của các ngành sản xuất, dịch vụ và kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được nâng lên, góp phần đáng kể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội…
Thưa Bộ trưởng, cùng với đầu tư công, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng là điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm 2023. Xin Bộ trưởng cho biết quan điểm, mục tiêu, định hướng thu hút dòng vốn FDI thời gian tới như thế nào?
Trong năm 2023, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Việt Nam đã đạt được kết quả thu hút đầu tư nước ngoài khá ấn tượng. Cụ thể, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt mức cao kỷ lục 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Con số này cho thấy các nhà đầu tư rất quan tâm đến Việt Nam và là điểm đến đầu tư ổn định, hấp dẫn và tiềm năng. Vốn giải ngân đạt kết quả ấn tượng với 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022 và đây là mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay. Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn và an toàn nên đang có làn sóng đầu tư vào Việt Nam với các dự án lớn thuộc lĩnh vực công nghệ, điện tử…
Định hướng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong thời gian tới là chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, hướng tới chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường… Cùng đó, ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghệ cao, có sự liên kết với doanh nghiệp trong nước, tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu...Các lĩnh vực khuyến khích đầu tư là: điện, điện tử, bán dẫn; năng lượng tái tạo, nông nghiệp hiệu quả cao; kinh tế số, chuyển đổi số; đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; trung tâm tài chính.
Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đã đi vào hoạt động là một bước đi nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo Bộ trưởng, NIC cần hoạt động ra sao để có thể hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạnh mẽ vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư?
Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia là sáng kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu với Đảng và Chính phủ để lần đầu tiên được đưa vào các văn bản của Đảng. Quan trọng nhất là Văn kiện Đại hội XIII đã có nội dung về phát triển Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cho thấy quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Cụ thể, Nghị quyết số 52-NQ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đề ra nhiệm vụ “phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia lấy doanh nghiệp làm trung tâm”. Đây là nội dung liên quan đến phạm vi nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tham mưu tổng hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp. Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia là đơn vị trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư và triển khai hoạt động theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Bộ; trong đó, có trọng tâm về thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp.
Thực hiện nhiệm vụ này, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, cung cấp nguồn lực hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, cũng như kết nối doanh nghiệp với các thành tố khác trong hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạnh mẽ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thời gian tới, Trung tâm sẽ tập trung vào các doanh nghiệp trong 8 lĩnh vực trọng tâm. Đó là: Đô thị thông minh, nhà máy thông minh, an ninh mạng, nội dung số, công nghệ môi trường, công nghệ y tế, công nghiệp bán dẫn và công nghệ hydrogen xanh; đặc biệt ưu tiên nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp từng bước tham gia chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Hiện, các cơ sở hoạt động của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia sẽ cung cấp các khu thử nghiệm dành cho doanh nghiệp công nghệ theo mô hình tiên tiến của thế giới. Bên cạnh đó, Trung tâm tiếp tục phối hợp với các đối tác để triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ, tư vấn, kết nối nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực công nghệ, chuyển đổi số...
Về cơ chế, chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc biệt, có tính đột phá đối với Trung tâm để hỗ trợ tốt hơn nữa hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Trân trọng cám ơn Bộ trưởng!
Báo tin tức