MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thành phố trẻ nhiều chỉ tiêu kinh tế vượt kế hoạch, thu ngân sách hơn 4 tỉnh cộng lại, sẽ xây thêm 4 tuyến đường mới

Với diện tích rộng 574 km2, thành phố này cũng hòn đảo lớn nhất của Việt Nam.

Hòn đảo đầu tiên lên thành phố, thu ngân sách bằng 4 tỉnh cộng lại, sẽ xây thêm 4 tuyến đường mới - Ảnh 1.

Nằm trong vịnh Thái Lan, Phú Quốc (Kiên Giang) là hòn đảo lớn nhất Việt Nam với diện tích khoảng 574 km2. Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Kiên Giang, đây cũng là thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam (từ ngày 1/1/2021), giáp với TP Hà Tiên, huyện Kiên Lương của tỉnh Kiên Giang và các nước Campuchia, Thái Lan.

Năm 2023, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Phú Quốc đạt 7.812,7 tỷ đồng, đạt 135,17% dự toán do Hội đồng nhân dân thành phố giao đầu năm, bằng 113,56% dự toán do Hội đồng nhân dân thành phố giao điều chỉnh. Mức này còn lớn hơn thu ngân sách năm 2023 của 4 tỉnh có số thu thấp nhất - Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên và Bắc Kạn cộng lại (khoảng 6.595 tỷ đồng). Các nguồn thu lớn đến từ đất; khách du lịch vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đặc biệt là khách nước ngoài đạt khá, các chuyến bay quốc tế được các hãng bay mở trở lại với Phú Quốc.

Một số chỉ tiêu khác như tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 19.451,25 tỷ đồng, vượt 20,97% kế hoạch, tăng 26,59% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 15.440,92 tỷ đồng, vượt 18,40% so kế hoạch, tăng 10,53% so cùng kỳ. Tổng lượng khách du lịch ước đạt 2,842 triệu lượt khách, vượt 13,68% so kế hoạch, tăng 23,03% so với cùng kỳ (trong đó, khách quốc tế ước đạt 287.410 lượt, tăng 43,57% so với cùng kỳ).

Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 4.497,47 tỷ đồng, vượt 2,87% so với kế hoạch, giảm 1,57% so với cùng kỳ. Ước thực hiện giải ngân vốn đầu tư công theo Nghị quyết HĐND tỉnh giao là 499/517 tỷ đồng, đạt 96,52% so kế hoạch tỉnh giao.

Năm 2024, UBND TP Phú Quốc cho biết sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thành phố. Ngoài ra sẽ thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số. Đồng thời TP nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ. Đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, nhất là các dự án quan trọng, trọng điểm;…

Hòn đảo đầu tiên lên thành phố, thu ngân sách bằng 4 tỉnh cộng lại, sẽ xây thêm 4 tuyến đường mới - Ảnh 2.

Là trung tâm dịch vụ, du lịch tầm cỡ quốc tế

Theo Quy hoạch tỉnh Kiên Giang năm 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phú Quốc, cùng với Rạch Giá, Hà Tiên trở thành tam giác phát triển chính của nền kinh tế đô thị, thương mại và dịch vụ hướng biển, trong đó: Thành phố Phú Quốc sẽ lên đô thị loại I, là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới.

Phú Quốc sẽ hình thành một khu kinh tế ven biển 58.923 ha, Cụm công nghiệp Hàm Ninh 59 ha nhằm thúc đẩy kết nối hiệu quả, bền vững với các địa phương trên đất liền; đóng góp quan trọng vào các mục tiêu, tầm nhìn phát triển của thành phố Phú Quốc nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung.

Đảo này cũng quy hoạch hàng loạt dự án nghỉ dưỡng, du lịch nhằm phát triển du lịch. Về hạ tầng, chủ trương xây thêm 5 tuyến đường tỉnh là 973, 974, 975, 975B, 975C, tuyến kết nối các phương thức vận tải, đầu mối giao thông (đến điểm đầu mối cảng hàng không Phú Quốc). Đặc biệt, tỉnh dự kiến xây dựng Cầu Bạch Đằng (Cửa sông Dương Đông) 4 làn xe tại TP này.

Đáng chú ý, theo quy hoạch tổng thể Phú Quốc đến 2030, thị trấn An Thới ở Nam đảo sẽ trở thành 1 trong 3 khu đô thị lớn nhất đảo Ngọc. Với những điều kiện thuận lợi hiện tại, An Thới được dự đoán sẽ sớm trở thành thủ phủ kinh tế, du lịch mới của Phú Quốc.

Nhật Minh

An ninh Tiền tệ

Trở lên trên