Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường "hùng biện" về chăn nuôi
Phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật Chăn nuôi được Phó chủ tịch Quốc hội nhận xét là "hùng biện" ...
- 10-05-2018Giá thịt lợn tăng cao: Cơ hội bình ổn ngành chăn nuôi
- 15-01-2018Phát triển ngành chăn nuôi từ bài học giá thịt lợn
- 25-07-2017AVR kêu gọi doanh nghiệp hội viên gỡ khó cho ngành chăn nuôi
Bộ trưởng rất hùng biện, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bình luận sau khi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu cuối phiên thảo luận chiều 14/6 của Quốc hội.
Dự thảo Luật chăn nuôi là nội dung của phiên họp, với 15 đại biểu đã phát biểu, 2 người tranh luận và 10 vị đã đăng ký nhưng hết thời gian.
Đều tán thành sự ban hành luật song các ý kiến tại phiên thảo luận còn nhiều băn khoăn từ phạm vi điều chỉnh cho đến khái niệm, từ ngữ, danh mục vật nuôi, quản lý môi trường...
Đề cập "quyền vật nuôi", đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hoà) nói đây là khái niệm rất lạ, vì "quyền và nghĩa vụ luôn gắn liền với con người và tổ chức, không thể có quyền của vật nuôi, của cây trồng, nếu có chỉ là trong văn thơ chứ không thể trong luật".
Cũng vẫn đại biểu Thân đề nghị viết lại cho rõ vì nếu không dự thảo luật sẽ cho ra nghề hết sức lạ đó là nghề thụ tinh nhân tạo. Khi mà điểm b khoản 3 điều 41 của dự thảo quy định: Đối với người hành nghề thụ tinh nhân tạo phải có trình độ từ trung cấp trở lên và được đào tạo về thụ tinh nhân tạo...
Được mời giải trình những băn khoăn của đại biểu, trước khi đi vào nội dung cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trình bày rất hùng hồn và biểu cảm từ tầm quan trọng của ngành chăn nuôi, bước tiến vượt bậc của ngành cho đến những khó khăn trong phát triển ngành này, yêu cầu đăt ra với Luật Chăn nuôi...
Điều này cũng khá "lạ" khi mà gần đây, trong một số phiên thảo luận, một số vị bộ trưởng phát biểu hết sức ngắn gọn, chỉ điểm lại những vấn đề lớn đại biểu đề cập và xin được tiếp thu chứ không giải trình gì thêm. Có vị được dành 10 phút nhưng sử dụng chưa hết một nửa thời gian, cả kính thưa và cảm ơn chỉ khoảng 500 chữ.
Phần phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường gần 3.000 chữ.
Theo Bộ trưởng, 30 năm qua chăn nuôi đã có bước tiến rất vượt bậc, năm 1986 bình quân chỉ sản xuất được 5-6 kg thịt trên một đầu người và 0,5 lít sữa, 10 quả trứng. Hiện nay sức sản xuất đã tới 60 kg thịt/người, trứng 120 quả, sữa là 10 lít, tức là gấp 20 lần so với trước đây.
"Đây là một sự cố gắng rất tích cực, đất nước ta là một nước không phải quá nhiều tài nguyên đất, nằm ở khu vực tổn thương biến đổi khí hậu và các dị hình thiên tai thời tiết, chúng ta làm được điều đó là một thành tựu rất lớn trong nông nghiệp, trong đó có khu vực chăn nuôi.", Bộ trưởng đánh giá.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu ngành nông nghiệp thì chăn nuôi giai đoạn vừa qua cũng bộc lộ rất nhiều bất cập.
Nút thắt thứ nhất là chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, 55% trong số 30 triệu lợn, 300 triệu gia cầm, 7,5 đại gia súc. Đã chăn nuôi nhỏ lẻ thì nguy cơ rủi ro rất cao, giá thành chăn nuôi cao, tiềm ẩn những vấn đề khó kiểm soát.
Hai là môi trường chăn nuôi đang có vấn đề lớn, kể cả quy mô trang trại, quy mô lớn của các công ty lớn, nhất là hình thức gia công. Đây đang là vấn đề nổi cộm.
Ba là thức ăn chăn nuôi, tự hào là 20 triệu tấn nhưng vấn đề là kiểm soát làm sao cho được dư lượng nhất là kháng sinh, kiểm soát chặt chẽ các chất cấm.
"Chúng ta đã bị trượt dài từ thức ăn chăn nuôi truyền thống sang tuyệt đại bộ phận chăn nuôi công nghiệp, đây không phải là điều tốt", Bộ trưởng nhìn nhận.
Bất cập thứ tư Bộ trưởng nêu là nằm ở khâu chế biến rất yếu. Khâu này thủy sản tổ chức rất tốt, rau quả rất tốt, cây công nghiệp cũng có chế biến, nhưng riêng chăn nuôi hiện nay mới chỉ bình quân được 5%, dẫn đến năm vừa qua tình hình tiêu thụ thịt lợn ế thừa, thịt gà tỷ lệ chế biến cũng thấp.
Khâu yếu thứ năm được Bộ trưởng chỉ ra là tổ chức thị trường. Khi mà thị trường 93 triệu dân, 12 triệu công nhân, 31 triệu dân đô thị, vẫn các hình thức thương mại như cũ, thịt lợn vẫn nhỏ lẻ, đem đi phân phối ở chợ nông thôn là chính.
Mặt khác, theo Bộ trưởng, Việt Nam đang chịu thách thức về biến đổi khí hậu.
Riêng cơn bão số 10 năm ngoái 4.000 con lợn bị chết. Như vậy, biến đổi khí hậu không chỉ rủi ro về mặt sản xuất mà rủi ro rất lớn về mặt môi trường nếu quản trị không tốt, Bộ trưởng nói.
Áp lực rất lớn nữa, theo Bộ trưởng còn đến từ sự hội nhập sâu rộng, nhất là CPTPP mà Việt Nam vừa ký. Nếu dự báo năm tới có hiệu lực thì áp lực của Việt Nam rất lớn giai đoạn đầu bởi vì lúc đó các cường quốc chăn nuôi từ Canada, Newzeland, Australia... sẽ khiến Việt Nam phải mở cửa thị trường.
Từ tình hình trên, theo Bộ trưởng Luật Chăn nuôi phải khắc phục cho được những tồn tại cơ bản giai đoạn vừa qua. Và hai là phải hạn chế mức thấp nhất những thách thức của hội nhập quốc tế, những thách thức của biến đổi khí hậu và để phát huy tốt nhất về mặt thị trường khi Việt Nam hội nhập sâu hơn.
Vì thời gian có hạn nên Bộ trưởng không giải trình sâu tất cả các vấn đề đại biểu nêu mà chỉ giải thích một số nội dung về môi trường, chế biến, thị trường...và xin nghiêm túc tiếp thu để hoàn chỉnh tốt nhất dự thảo luật.
Vneconomy