Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà 'sốt ruột' với lộ trình sáp nhập huyện, xã
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, đến thời điểm này mới có 10 địa phương gửi hồ sơ sáp nhập huyện, xã. "Như vậy sẽ rất khó khăn cho Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu không nhanh sẽ không kịp khi thời gian 30/9 phải xong", bà Trà cho biết.
- 23-05-2024Hành khách đi tàu đường sắt Cát Linh – Hà Đông ngày càng tăng
- 23-05-2024Việt Nam nhập siêu 2,6 tỷ USD trong nửa tháng
- 23-05-2024'Lên đời' cao tốc phân kỳ: Lo khó thu hút tư nhân!
Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế, xã hội. Tham gia thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thông tin về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã (sáp nhập huyện, xã) giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, đây vấn đề này được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm đến hết năm 2023, để chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng. Các địa phương cũng rất nỗ lực, quyết liệt để triển khai việc này.
Theo bà, điểm thuận lợi là Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bao trùm các vấn đề và gần như giải quyết hết các vấn đề vướng mắc khi thực hiện sắp xếp giai đoạn trước.
Đến nay, có 54/63 tỉnh, thành trong diện phải sắp xếp cấp huyện, xã. Theo đó, có 49 đơn vị cấp huyện phải sắp xếp, dự kiến giảm 12-13 đơn vị, số cấp xã phải sắp xếp là 1.247, dự kiến giảm 624 đơn vị.
Bộ trưởng đánh giá, nhiều địa phương đã làm rất tích cực, hiện có 10 địa phương trình đề án lên Bộ Nội vụ thẩm định và trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết.
Điển hình như tỉnh Nam Định, rất quyết tâm, thực hiện quyết liệt và sắp xếp rất ổn định, có nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi để giải quyết vấn đề cán bộ, công chức, viên chức, tài sản dôi dư. Dự kiến, tỉnh Nam Định giảm số lượng cấp xã khoảng 50 đơn vị.
Bên cạnh đó, có 4 địa phương có số lượng sắp xếp rất lớn là Hải Phòng , Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An. Tuy nhiên, một số địa phương có dấu hiệu chậm chạp, chưa thực sự quyết tâm, chưa ban hành các chỉ thị, văn bản chỉ đạo căn cơ, khoa học, chặt chẽ về mặt chính trị. Cùng với đó, trình tự thủ tục cũng rất chậm, nếu không nhanh sẽ không kịp thời gian 30/9 phải xong.
Theo Bộ trưởng, đến thời điểm này mới có 10 địa phương đưa hồ sơ lên, như vậy sẽ rất khó khăn cho Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Một số địa phương cũng chỉ dựa trên cơ sở là các cơ chế, chính sách của Trung ương, chứ không có nghị quyết riêng để căn cứ vào thực tiễn của địa phương để giải quyết dôi dư và phương án sắp xếp các tài sản, tài chính dôi dư.
Về tài sản, tài chính, trụ sở dôi dư giai đoạn này khoảng 2.700 trụ sở, so với giai đoạn trước rất lớn. Số cán bộ công chức, cán bộ không chuyên trách cấp xã dôi dư ở giai đoạn này dự kiến 21.700 người. Số lượng này sắp xếp rất lớn và nếu không có các giải pháp căn cơ sẽ khó khăn để thực hiện.
"Ban chỉ đạo trung ương và địa phương đang cố gắng phối hợp chặt chẽ, chủ động phương án ngay từ khi xây dựng đề án để giải quyết vấn đề này", bà Trà thông tin.
Ngoài ra, chủ trương này hiện còn một số vướng mắc về quy hoạch, đặc biệt quy hoạch đô thị. Lý do là nhiều địa phương gắn việc sắp xếp với thành lập đơn vị hành chính đô thị nên vướng với quy hoạch đô thị theo các quy định. Vì vậy, họ đang đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tháo gỡ vấn đề này.
Bên cạnh đó, việc đánh giá, phân loại đơn vị hành chính đô thị sau sắp xếp cũng gặp vướng mắc. Bởi nhiều đơn vị nông thôn sắp xếp với đô thị và nhiều đơn vị đô thị của thị xã sắp xếp với đơn vị thành phố.
“Tinh thần chung, mong muốn các địa phương tập trung để cố gắng hoàn thành trước 30/9 để đảm bảo tinh thần nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ”, bà Trà nêu.
Người lao động