Bộ trưởng Tài chính Mỹ thăm Trung Quốc, tìm cách xoa dịu căng thẳng giữa hai siêu cường
TPO - Hãng tin Reuters nhận định chuyến thăm của bà Yellen khó đạt đột phá, trong bối cảnh các quan chức của cả hai nước chấp nhận rằng việc bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia giờ đây quan trọng hơn việc thắt chặt các mối quan hệ kinh tế.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm 7/7 bắt đầu chuyến thăm kéo dài bốn ngày tại Bắc Kinh (Trung Quốc) nhằm tìm cách xoa dịu căng thẳng giữa hai siêu cường.
Hãng tin Reuters cho biết trong ngày đầu tiên, bà Yellen đã có cuộc gặp không chính thức với Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Yi Gang, nguyên Phó Thủ tướng phụ trách vấn đề tài chính Liu He và đại diện các công ty Mỹ đang kinh doanh tại Trung Quốc.
Quan chức Bộ Tài chính Mỹ nói rằng bà Yellen và phía Trung Quốc “đã có một cuộc trò chuyện thực chất”, nhưng không cung cấp thêm chi tiết.
“Chúng tôi tìm kiếm một cuộc cạnh tranh kinh tế lành mạnh mang lại lợi ích cho người lao động và các công ty Mỹ, đồng thời hợp tác giải quyết các thách thức toàn cầu", bà Yellen viết trên Twitter ngay sau khi đến Bắc Kinh vào tối 6/7. "Chúng tôi sẽ hành động để bảo vệ an ninh quốc gia khi cần thiết, và chuyến đi này là cơ hội để giao tiếp, tránh thông tin sai lệch hoặc hiểu lầm.”
Bộ trưởng Yellen cho biết bà sẽ nói rõ với các quan chức Trung Quốc rằng Washington không tìm cách "chia cắt hoàn toàn nền kinh tế của hai nước”. Phát biểu ngày 7/7 trước các doanh nghiệp Mỹ, bà Yellen nhấn mạnh: “Chúng tôi tìm cách đa dạng hóa, không tách rời. Việc tách rời hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ gây bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu và hầu như không thể thực hiện được".
Hãng tin Reuters nhận định chuyến thăm của bà Yellen khó đạt đột phá, trong bối cảnh các quan chức của cả hai nước chấp nhận rằng việc bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia giờ đây quan trọng hơn việc thắt chặt các mối quan hệ kinh tế.
Đáp lại, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng Bắc Kinh hy vọng Washington sẽ có "hành động cụ thể" để tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển lành mạnh của quan hệ kinh tế và thương mại song phương. Cơ quan này nhấn mạnh sẽ không có người chiến thắng trong cuộc chiến thương mại hay "sự chia rẽ".
Các công ty Mỹ tại Trung Quốc kỳ vọng chuyến thăm của bà Yellen sẽ giúp đảm bảo duy trì các tuyến đường thương mại giữa hai nền kinh tế, bất kể căng thẳng địa chính trị ở mức độ nào. Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ AmCham tại Trung Quốc - Michael Hart nói: “Chuyến thăm của bà Yellen có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện cho nhiều cuộc đối thoại hơn, cho phép nhiều nhân vật cấp trung hơn từ cả hai bên tham dự. Tôi nghĩ rằng nếu có thêm một năm không có các chuyến thăm của các nhà lãnh đạo hàng đầu chính phủ Mỹ, thì thị trường sẽ trở nên lạnh lẽo hơn".
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tới Bắc Kinh vào tháng trước và đồng ý với ông Tập rằng sự cạnh tranh lẫn nhau không nên dẫn đến xung đột. Đặc phái viên về khí hậu của Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông John Kerry, dự kiến sẽ đến Trung Quốc vào cuối tháng này.
Động thái thúc đẩy ngoại giao của Mỹ diễn ra khi có thông tin đồn đoán về khả năng gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G20 vào tháng 9 ở New Delhi (Ấn Độ) hoặc Hội nghị Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11 tại San Francisco (Mỹ).
Tiền phong
- Buồn của nền kinh tế số 1 châu Á: Thành phố công nghiệp top đầu chìm vào ‘giấc ngủ’, hàng loạt nhà máy đóng cửa, người trẻ lũ lượt di cư bỏ lại nhà cửa trống rỗng
- Vỡ mộng chuyện cầm chưa đến 250 triệu đồng mua được căn nhà đất tại nền kinh tế lớn thứ tư thế giới: Món hời hay ‘hố đen hút tiền’?
- Ngủ quên trên chiến thắng quá lâu, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới giờ đây bị gán mác ‘gã ốm yếu’ của châu Âu, bị Mỹ và Trung Quốc bỏ xa trong kỷ nguyên công nghệ
- Buồn của Trung Quốc: Tỷ lệ thất nghiệp tăng kỷ lục, người trẻ lũ lượt về quê ‘nghỉ hưu non’, ‘viện dưỡng lão’ cho thanh niên mọc lên nhan nhản
- Trung Quốc rộ lên xu hướng 'suất ăn cho người nghèo', chuyên gia nhận định tình hình hiện tại như 'thập kỷ mất mát' ở Nhật Bản