Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: 100% hộ dân sẽ được sử dụng điện lưới quốc gia vào năm 2025
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, đển năm 2025 sẽ cung cấp đủ 100% điện cho các hộ nông dân thuộc những vùng núi, biên giới xa xôi và hải đảo.
- 09-11-2020Bớt điều kiện kinh doanh này, lại "mọc" thủ tục khác
- 09-11-2020Tăng trưởng GDP chỉ 6% vào năm 2021 có đảm bảo thu - chi ngân sách?
- 09-11-2020Bangkok Post: Hiệp định RCEP sẽ được ký trong tháng 11
Tại phiên chất vấn Quốc hội chiều ngày 9/11, đại biểu Nguyễn Thị Thảo (Nghệ An) đã đặt vấn đề với Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh: đến nay đã có 100% số xã, 99,6% hộ dân được cấp điện lưới quốc gia, tuy nhiên đâu là giải pháp để cấp điện cho 0,04% số hộ dân chưa có điện còn lại?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, những con số trên cho thấy cả niềm vui và trách nhiệm còn lại. Trên thực tế, nhiệm vụ cung cấp điện lưới quốc gia cho người dân là nhiệm vụ rất ưu tiên của Quốc hội và Chính phủ. Vì vậy, chương trình 1740/3-12-2018 do Thủ tướng ký đã xác định trong giai đoạn 2016 -2020 sẽ phải đảm bảo 100% người dân trên cả nước, kể cả vùng núi khó khăn, hải đảo xa xôi được hưởng lưới điện quốc gia.
Căn cứ theo nội dung được phê duyệt, có 17 xã cần đạt được mục tiêu có điện lưới quốc gia với tổng số 1.055 hộ dân trên tất cả 9.890 thôn bản cũng phải được cung cấp điện. Đáng chú ý, trong các hợp phần dự án 1740 sẽ vừa cung cấp điện lưới quốc gia, cung cấp năng lượng tái tạo do một số vùng khó khăn không có điều kiện để đưa đường lưới điện đến nơi, cung cấp điện cho 2 huyện đảo, 3 xã đảo.
Lý giải về điều này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định: "Đúng ra, chúng ta đã thực hiện xong mục tiêu này vì ngay từ đầu Chính phủ, Bộ Công thương đã dự trù trong kế hoạch phân bổ nguồn vốn đầu tư công trung hạn, nguồn vốn quốc gia và nguồn vốn ODA của các nhà tài trợ nước ngoài để thực hiện chương trình".
Ngay trong giai đoạn 2016-2018, Bộ đã thực hiện việc cấp vốn 4.743 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là 2.200 tỷ đồng, còn lại là vốn ODA không hoàn lại của EU, đạt tỷ lệ 18,55%, đảm bảo cấp điện cho 100% số xã. Song, số thôn, bản lại không đạt được.
Bộ trưởng Bộ Công thương giải thích, thời điểm năm 2018, điều kiện khó khăn trần nợ công ở mức cao. Sau khi Bộ Công thương có báo cáo Chính phủ xin phép được sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) thì Bộ KHĐT đã rà soát tổng thể trong tất cả chương trình vốn vay của quốc gia, thống nhất báo cáo với Thủ tướng tạm thời chưa thực hiện chương trình này.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói thêm: "Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn của trần nợ công quốc gia và tình trạng tài chính quốc gia nên chương trình tạm thời chưa được thực hiện". Hiện nay, căn cứ trần nợ công đã về ngưỡng an toàn, Bộ Công thương chủ động làm việc với các đối tác, nhà tài trợ, báo cáo Chính phủ để Chính phủ đồng ý báo cáo Quốc hội để tiếp tục đưa vào chương trình 2021-2025 với 3 hợp phần chính.
Đầu tiên là sử dụng vốn vay từ Ngân hàng Thế giới, hai là Ngân hàng Phát triển châu Á và cuối cùng là sử dụng nguồn vốn ODA không hoàn lại của Liên minh châu Âu. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kết luận: "Về cơ bản, 3 nguồn này cộng lại cùng với nguồn vốn của Chính phủ bố trí sẽ đảm bảo được mục tiêu hơn 21.000 tỷ đồng. Như vậy, đến 2025 sẽ cấp điện đủ 100% cho các hộ nông dân thuộc những vùng miền núi, biên giới xa xôi và hải đảo".