MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bội chi - thâm hụt: 3 năm liên tiếp vỡ trận

"Có tỉnh, năm 2014 ước hụt thu ngân sách tới 500 tỷ đồng. Ngân sách Trung ương phải ứng về 400 tỷ đồng, nhưng sau đó kiểm tra, tỉnh chỉ hụt 140 tỷ thôi. Chênh lệch đó, ai chịu trách nhiệm?".

Kiểm toán chỉ ra hàng trăm sai phạm

Câu chuyện trên được ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ tại buổi hội nghị bàn về phương hướng nhiệm vụ 2016 của Tổng cục Thuế.

Ông Tuấn tâm tư: "Cách đây 1 ngày, có 2 đồng chí Chủ tịch tỉnh đăng ký làm việc với Bộ, chỉ xin 15-30 phút thôi, nhưng nghe xong, chúng tôi rất suy nghĩ về công tác đánh giá, báo cáo... Việc bố trí ứng vốn như vậy, thử hình dung xem, ai chịu trách nhiệm?"

Nhưng chuyện như trên mà ông Tuấn ghi nhận được đó không phải là chuyện hiếm!. Trong khi đó, nhiệm vụ đặt ra cho cân đối ngân sách 2016 là bội chi phải giảm xuống mức 4%.

Báo cáo kiểm toán về công tác quyết toán ngân sách năm 2014 vừa được Kiểm toán Nhà nước hoàn thành hôm 7/7 đã đưa ra một bức tranh nhiều suy nghĩ. Trong đó, chi thường xuyên có hàng loạt vấn đề sai phạm.


Chi tiêu ngân sách đang bị buông lỏng (ảnh minh họa)

Chi tiêu ngân sách đang bị buông lỏng (ảnh minh họa)

Cơ quan này cho biết, 7 địa phương bị hụt thu ngân sách cấp tỉnh hoặc ngân sách cấp huyện nhưng lại không thực hiện rà soát, cắt giảm chi thường xuyên, gồm có TP. Cần Thơ, tỉnh Quảng Nam, Hậu Giang, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Phú Yên.

21/50 tỉnh, thành phố được kiểm toán đã sử dụng sai 1.068 tỷ đồng nguồn kinh phí của Nhà nước cho chi thường xuyên, buộc phải hoàn trả lại. Trong đó, đứng đầu là An Giang sử dụng sai 563 tỷ đồng, Vĩnh Long 297 tỷ đồng, Thanh Hóa 289 tỷ đồng, Hưng Yên 109 tỷ đồng...

6 tỉnh đã sử dụng 107,8 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, nguồn cải cách tiền lương, nguồn bổ sung có mục tiêu... để bổ sung chi thường xuyên sai quy định như: Đắk Lắk 13 tỷ đồng; Ninh Thuận 8,4 tỷ đồng; Bình Thuận 4,7 tỷ đồng; Thanh Hóa 2,6 tỷ đồng.

Những dấu hiệu lỏng lẻo trong việc cấp bổ sung ngân sách cho chi thường xuyên cũng diễn ra khi Ngân sách Trung ương rót 715 tỷ đồng cho 5 địa phương nhưng thực tế, không có mục tiêu, nội dung chi cụ thể. Rốt cục, toàn bộ số tiền này đã được 5 tỉnh hòa chung để bổ sung cân đối ngân sách tỉnh, như Tỉnh Đắk Lắk 225 tỷ đồng, Gia Lai 148 tỷ đồng, Quảng Nam 139 tỷ đồng, Lai Châu 128 tỷ đồng, Kon Tum 75 tỷ đồng...

Đặc biệt, 5 tỉnh, thành phố lớn đã sử dụng tới 613 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách để chi cho các nhiệm vụ không thực sự cấp bách trái quy định như sửa chữa, mua sắm tài sản, tạm ứng... Đứng đầu vi phạm này là Thành phố Hà Nội 224 tỷ đồng, Đà Nẵng 150 tỷ đồng, tỉnh Hà Tĩnh 42 tỷ đồng, Sơn La 39 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế 35 tỷ đồng, Phú Thọ 23 tỷ đồng...

Với những tồn tại đó, chi thường xuyên của năm 2014 không những không giảm mà còn tăng mạnh, trội thêm 18.892 tỷ đồng so với dự toán, đưa tổng chi thường xuyên lên tới 723.292 tỷ đồng, chiếm 65,5% tổng chi ngân sách Nhà nước, bằng 18,4% GDP.

Đáng chú ý nhất, trong 3 lĩnh vực chi thường xuyên thì chi quản lý hành chính "ngốn" tiền nhiều nhất, tới hơn 123.000 tỷ đồng, tăng thêm hơn 20.000 tỷ đồng, vượt 19,5% so với dự toán. Khoản này gấp 17,5 lần so với chi cho khoa học công nghệ và gấp 9 lần chi cho văn hoá thông tin, thể dục thể thao...

Không chỉ ở chi thường xuyên, Kiểm toán Nhà nước đã liệt kê hàng loạt sai phạm, yếu kém khác ở cả 7 nội dung còn lại của công tác chi ngân sách Nhà nước nói chung như chi đầu tư phát triển, chi chuyển nguồn, cho vay và tạm ứng, mua sắm tài sản...

Kỷ luật tài chính buông lỏng: Bội chi tăng liên tục

Năm 2014, bội chi ngân sách đã được Kiểm toán Nhà nước "chốt" lại là 6,33% GDP thực tế, cao hơn mức 5,3% GDP dự toán được Quốc hội thông qua. Trầm trọng hơn, số bội chi đã lớn hơn 910 tỷ đồng so với con số chi cho đầu tư phát triển, vi phạm nguyên tắc cơ bản của cân đối ngân sách quốc gia theo Luật Ngân sách hiện hành.

Trước đó, năm 2013, bội chi ở mức 6,6% GDP. Và năm 2015, Bộ Tài chính mới đây báo cáo bội chi ở ngưỡng 6,11% GDP.

Trong 5 năm 2011-2015, có tới 3 năm bội chi trên 6% GDP thì có thể khẳng định, mục tiêu giảm bội chi xuống 4,5% GDP ở giai đoạn này của Chính phủ là thất bại. Việc giảm bội chi năm 2016 xuống 4,95% GDP và giai đoạn 2016-2020% là 4% GDP sẽ vô cùng khó khăn.

Một kịch bản liên tục được lặp lại là Nghị quyết Quốc hội thông qua dự toán ngân sách với những con số mục tiêu cụ thể. Nhưng đến khi Chính phủ báo cáo bước đầu là số khác và sau 1 năm rưỡi khi quyết toán và kiểm toán, số bội chi đã vọt lên khác biệt.

Lý do chủ chốt thường được nhấn mạnh đến là việc tăng giải ngân hàng chục nghìn tỷ ODA nằm ngoài dự toán chi nhưng lý do chi thường xuyên - lĩnh vực ngốn nhiều tiền Nhà nước nhất, còn tuỳ tiện, lãng phí vẫn chưa được nhắc tới đầy đủ.

Mới đây, chỉ đạo hội nghị sơ kết của Bộ Tài chính hôm 2/7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu: "Phải liệu cơm gắp mắm mà giảm chi. Ngân sách khó khăn, địa phương hụt thu, trung ương không có đâu mà bù".

Thế nhưng, Bộ Tài chính, cơ quan gác cửa việc thu- chi, cân đối ngân sách dường như đang trở nên khó khăn khi việc vi phạm luật Ngân sách diễn ra ở hầu khắp các bộ ngành, cơ quan trung ương, địa phương và chưa cá nhân, tổ chức nào bị xử lý.

Năm nào, bội chi cũng vượt ngưỡng, vượt dự toán Quốc hội cho phép với nhiều lý do và khả năng năm 2016 này cũng tương tự. Chính bởi vậy, nợ công khó kiểm soát và Quốc hội thì đứng trước việc đã rồi.

Theo Phạm Huyền

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên