BOT Cầu Thái Hà (BOT): Quý 2 báo lỗ thêm 24 tỷ đồng
Mục tiêu kinh doanh năm 2020 của BOT Cầu Thái Hà (BOT) là lãi 12 tỷ đồng và có kế hoạch kinh doanh quặng sắt để mang về lợi nhuận cho công ty.
Công ty cổ phần BOT Cầu Thái Hà (UpCOM: BOT) đã công bố BCTC quý 2/2020 và lũy kế 6 tháng đầu năm 2020.
Theo đó riêng quý 2 doanh thu thuần chỉ đạt 5,3 tỷ đồng giảm 16% so với cùng kỳ, giá vốn hàng bán chỉ là 2,2 tỷ đồng nên BOT có lãi gộp 3 tỷ đồng thay vì lỗ gộp gần 15 tỷ đồng như trong quý 2/2019. BOT Cầu Thái Hà vẫn phải chi trả tới 26,7 tỷ đồng chi phí tài chính nên kết quả LNST âm gần 24 tỷ đồng giảm đáng kể so với khoản lỗ 42,2 tỷ đồng trong quý 2/2019.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, BOT thực hiện được 12,6 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 17,7% so với cùng kỳ, gánh nặng chi phí tài chính là nguyên nhân khiến BOT lỗ ròng 46 tỷ đồng trong khi nửa đầu năm 2020 cũng báo lỗ 85,7 tỷ đồng.
Sau khi kết thúc năm 2019 với 24 tỷ đồng doanh thu và lỗ ròng 170 tỷ đồng, sang năm 2020 BOT đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 615 tỷ đồng cao gấp 26 lần thực hiện 2019 và đặt mục tiêu có lãi 12 tỷ đồng. Công ty cho biết ngoài thực hiện thu phí tại dự án BOT Cầu Thái Hà, công ty triển khai hoạt động kinh doanh quặng sắt phục vụ sản xuất trong nước nhằm mang lại doanh thu và lợi nhuận về cho công ty tuy nhiên đến thời điểm này đã đi hết nửa năm tài chính và tình hình kinh doanh của BOT Cầu Thái Hà vẫn chưa thấy sáng sủa.
Trên BCTC công ty ghi nhận, tổng nợ phải trả đến 30/6/2020 là 1.093 tỷ đồng, trong đó có 76 tỷ đồng vay nợ thuê tài chính ngắn hạn và 1.017 tỷ đồng vay nợ thuê tài chính dài hạn của Vietinbank chi nhánh Hà Nam.
CTCP BOT Cầu Thái Hà là doanh nghiệp được thành lập do liên doanh góp vốn từ 3 nhà đầu tư là Công ty TNHH Tiến Đại Phát – CTCP Tư vấn và Xây dựng Phú Xuân – CTCP Đầu tư và XNK Bình Minh để đầu tư xây dựng dự án công trình cầu vượt Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối 2 tỉnh Thái Bình và Hà Nam với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Công ty thành lập năm 2014. Dự án có tổng mức đầu tư 1.709 tỷ đồng, thử nghiệm thu phí từ tháng 5/2018 và chính thức thu phí từ ngày 10/2/2019.
Công ty đưa cổ phiếu lên sàn giữa tháng 2/2019 ngay khi cầu Thái Hà chính thức thu phí với giá tham chiếu 10.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu BOT đã có 10 phiên tăng trần liên tiếp, và đạt đỉnh ở mức 58.600 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên sau đó đà tăng đã dừng lại, duy trì giao dịch quanh mức 54.000 đến 56.000 đồng/cổ phiếu trong thời gian dài. Hiện BOT giao dịch quanh mức 51.500 đồng/cổ phiếu.
Nhịp sống kinh tế
Tin tức sự kiện về: Công ty cổ phần Cao su Việt Nam
Xem tất cả >>- KQKD quý 2 doanh nghiệp ngành bảo hiểm: Bất ngờ với loạt doanh nghiệp lãi tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ
- Ảnh hưởng dịch bệnh, 6 tháng đầu năm vẫn có 78% số doanh nghiệp trên HNX kinh doanh có lãi
- Tổng công ty Đường sắt lỗ trước thuế 300 tỷ đồng trong nửa đầu năm
- KQKD ngành thép quý 2: Bất chấp dịch bệnh, vẫn còn những doanh nghiệp lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ
- BVSC: Lực đỡ lợi nhuận quý 2 cho toàn thị trường đến từ nhóm ngành tài chính