BRICS và bài toán mở rộng
Các thành viên BRICS vẫn chưa thống nhất về vấn đề kết nạp thêm thành viên trong bối cảnh 22 nước chính thức đăng ký gia nhập khối này.
- 19-08-2023Năm thành viên BRICS nắm giữ chìa khóa quan trọng vượt mặt G7, sức mạnh tương lai có thể gây bão
- 19-08-2023Tiềm lực cực 'khủng' của nước chủ nhà hội nghị BRICS: Sức mạnh số 3 khu vực, nắm kho báu đủ sức làm 'rung chuyển' thế giới
- 19-08-2023SCMP: BRICS có sức mạnh thay đổi trật tự thế giới nhưng đối mặt rủi ro lớn bởi 1 thực tế về Trung Quốc
Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm 20-8 lên đường đến Nam Phi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh của nhóm BRICS (gồm 5 thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) giữa lúc có phỏng đoán Jakarta có thể gia nhập khối này.
Phát biểu trước thềm chuyến đi, ông Widodo cho biết chính phủ ông vẫn chưa quyết định về vấn đề nói trên. Theo Nam Phi, trong số hơn 40 quốc gia quan tâm đến việc gia nhập BRICS có những cái tên đáng chú ý như Indonesia, Ả Rập Saudi, Iran, Ai Cập, Argentina…
BRICS chính thức ra đời năm 2009, hiện chiếm hơn 40% dân số và 26% kinh tế thế giới. Khối này được xem là đối trọng của các diễn đàn ngoại giao truyền thống, như G7 (Nhóm các nước công nghiệp phát triển).
Sức nặng về ảnh hưởng và kinh tế của BRICS khiến nhiều nước muốn tham gia. Hiện có 22 nước chính thức đăng ký gia nhập khối này. Vì thế, theo Reuters, vấn đề mở rộng dự kiến là một nội dung thảo luận chính khi các nhà lãnh đạo BRICS nhóm họp tại thủ đô Johannesburg - Nam Phi từ ngày 22 đến 24-8.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đầu tháng này cho rằng đây là vấn đề quan trọng bởi ngày càng nhiều quốc gia đưa ra tuyên bố về ý định tham gia khối.
Các đại biểu tại Hội nghị Iran và BRICS, diễn ra ở thủ đô Tehran hôm 8-8 Ảnh: REUTERS
Dù vậy, các thành viên nhóm vẫn chưa thống nhất về vấn đề này, trong đó có tiêu chí kết nạp. Trung Quốc ủng hộ việc mở rộng BRICS trong bối cảnh nước này tìm cách mở rộng ảnh hưởng để cạnh tranh với Mỹ về thương mại và địa chính trị.
Nga và Nam Phi cũng muốn BRICS kết nạp thêm thành viên mới. Trong khi đó, theo Reuters, Brazil lo ngại việc mở rộng có thể làm giảm bớt ảnh hưởng của các thành viên hiện nay. Riêng Ấn Độ chưa đưa ra quyết định cuối cùng.
Một nội dung thảo luận quan trọng khác là cải thiện quan hệ kinh tế giữa các thành viên. Các nhà lãnh đạo dự kiến bàn về cơ hội thương mại và đầu tư trong các lĩnh vực, từ năng lượng, phát triển hạ tầng, kinh tế số, thị trường việc làm…
Hội nghị dự kiến còn thảo luận các phương thức thúc đẩy huy động vốn và cho vay bằng đồng nội tệ trong Ngân hàng Phát triển mới (NDB, còn gọi là ngân hàng BRICS). Bộ trưởng Bộ Tài chính Nam Phi Enoch Godongwana cho rằng việc sử dụng đồng nội tệ sẽ giúp giảm tác động rủi ro của biến động ngoại hối.
Tuy nhiên, theo giới chức nước chủ nhà, các nhà lãnh đạo BRICS sẽ không bàn về đề xuất đồng tiền chung của khối được Brazil đưa ra vào đầu năm nay. Thay vào đó, hội nghị lần này có thể là nơi giúp thu hút thêm thành viên cho NDB.
Honduras, Algeria, Zimbabwe và Ả Rập Saudi hiện quan tâm đến việc gia nhập NDB. Trước đó, ngân hàng này đã có thêm các thành viên Bangladesh, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ai Cập từ năm 2021.
Trong ngày cuối cùng của hội nghị, theo kế hoạch, các nhà lãnh đạo BRICS sẽ hội đàm với lãnh đạo đến từ các quốc gia khác. Bộ trưởng Ngoại giao Nam Phi Naledi Pandor cho biết nước chủ nhà đã gửi lời mời đến 67 nhà lãnh đạo trên thế giới.
Theo Bộ trưởng Pandor, hội nghị năm nay chú trọng đến mối quan hệ hợp tác giữa BRICS và châu Phi. Các đối tác của BRICS đang muốn thăm dò cơ hội hợp tác tiềm tàng từ Khu vực thương mại tự do châu Phi.
Người lao động