Bữa ăn đắt đỏ tại nhà hàng sao Michelin duy nhất ở TP.HCM khiến khách Tây cũng phải choáng ngợp: Chả giò, bún chả, bánh mì... bỗng hóa thành món ăn thượng lưu
Nữ du khách nước ngoài nhận xét, bữa ăn hết 2,2 triệu đồng cho 10 món tại nhà hàng sao Michelin là bữa ăn đắt đỏ nhất ở TP.HCM.
- 29-07-2023Khách sạn BLACKPINK lưu trú: Giá phòng lên tới 100 triệu đồng/đêm, có tới 3 nhà hàng lọt vào danh sách của Michelin
- 21-06-2023Giải thưởng Michelin và cơ hội nâng tầm ẩm thực Hà Nội
- 18-06-2023Nhiều quán ăn nhận giải Michelin đông khách nhưng cam kết không tăng giá
Mới đây, phóng viên Jennifer Johnston của tờ New Zealand Herald đã thực hiện chuyến du hành mùa xuân ở châu Á kéo dài 17 ngày trên du thuyền. Đặc biệt, trong ngày thứ 15, con tàu chầm chậm xuôi dòng sông Sài Gòn và cuối cùng cập bến TP.HCM. Du khách có hai đêm tại thành phố đông dân nhất Việt Nam và tha hồ khám phá ẩm thực ở nơi này.
Jennifer được gợi ý dùng bữa tối tại Anan Saigon, nhà hàng một sao Michelin duy nhất tại TPHCM trong cẩm nang Michelin Guide năm 2023. Ngay cái tên Anan đã khiến Jennifer thích thú vì biết ý nghĩa của nó chính là "ăn" trong tiếng Việt.
"Vào một buổi sớm, du thuyền của chúng tôi chầm chậm xuôi dòng rồi cuối cùng cập bến ở TPHCM. Trước khi xuống tàu, tôi cùng Argot, một người bạn đồng hành đã thảo luận chuyện dùng bữa tại một nhà hàng duy nhất đạt sao Michelin tại thành phố này. Đây cũng là nhà hàng lọt trong danh sách 50 nhà hàng tốt nhất châu Á vào năm 2021 và 2023", Jennifer hào hứng cho biết.
Đặc biệt, khi nghe câu chuyện về đầu bếp Peter Cường mở ra nhà hàng này ra sao, Jennifer bắt ngay chuyến taxi đến Chợ Cũ trên đường Tôn Thất Đạm.
Peter từ bỏ công việc tại ngân hàng ở Mỹ và theo đuổi tình yêu, niềm đam mê ẩm thực của mình. Anh học nấu ăn kiểu Pháp tại trường dạy nấu ăn Le Cordon Bleu ở Paris. Sau khi làm việc tại các nhà hàng ở nước ngoài và điều hành hai nhà hàng ở Hồng Kông, Peter trở lại Việt Nam vào năm 2017.
Ký ức tuổi thơ của anh được bao quanh bởi thức ăn. Mẹ anh có một tiệm mì nhỏ trong phòng khách và những sáng tạo của anh được lấy cảm hứng từ mẹ và nền văn hóa ẩm thực đường phố sôi động của Việt Nam. Đồng thời bổ sung thêm các kỹ thuật ẩm thực Pháp từ khóa đào tạo Le Cordon Bleu.
Xuống xe, nữ du khách đặt chân lên một vỉa hè mấp mô, rác vương vãi. Một con mèo màu gừng chạy vụt qua, trốn dưới một trong những quầy hàng nghiêng ngả trong chợ. Ngay khi cô đang tự hỏi nhà hàng được gắn sao Michelin này ở đâu, bạn đồng hành của Jennifer ồ lên và chỉ về phía một tấm biển gắn đèn neon vàng trên tòa nhà 6 tầng vừa cao vừa hẹp. Và họ bước qua con phố nhốn nháo để tiến vào nhà hàng.
Tại đây, 2 vị khách quyết định chọn thực đơn đặc biệt của đầu bếp với 10 món. Khi người phục vụ mỉm cười, lặng lẽ đặt từng đĩa đồ ăn trước mặt, vị khách New Zealand chỉ mải tập trung vào cách trình bày hiện đại của đầu bếp. Với cô, mỗi món giống như một tác phẩm nghệ thuật.
"Hương vị thật tuyệt vời", nữ du khách bày tỏ.
Họ còn được đích thân đầu bếp Peter Cường Franklin ghé thăm bàn, hướng dẫn cách thưởng thức món bún chả Bourdain. Đây là món thứ 5 trong thực đơn 10 món.
"Đây là phiên bản 'ăn một miếng, uống một ly' của món bún chả nổi tiếng của chúng tôi. Hãy ăn hết một lần, và khi bạn nhai, tất cả hương vị sẽ lan tỏa", ông mô tả.
Khác với món bún chả thường thấy ở các cửa tiệm bình dân, món cao cấp phục vụ tại nhà hàng gồm rau thơm, nem rán, bún, dưa góp và miếng chả nướng. Tất cả được trình bày trên một chiếc đĩa, để khách chỉ cần ăn một lần.
"Món này chỉ ăn một miếng duy nhất. Khi nhai, tất cả hương vị kết cấu sẽ được giải phóng", vị đầu bếp gốc Việt giải thích.
Cũng trong cuộc gặp gỡ, đầu bếp Peter Cường Franklin cho biết: "Anan là nhà hàng Việt Nam hiện đại nhưng đồng thời cũng có nền tảng lịch sử và truyền thống. Mọi người thường hỏi tại sao tôi chọn mở Anan ở khu chợ địa phương thay vì khách sạn 5 sao. Bởi chợ là nơi cung cấp các nguyên liệu tươi ngon của địa phương nhưng cũng là nguồn cảm hứng cho ẩm thực ở Anan", ông giải thích.
"Khi ẩm thực và xã hội hiện đại hóa, chúng ta không được đánh mất nền văn hóa truyền thống của mình. Nguồn gốc lịch sử sâu sắc của chợ chợ Cũ nhắc nhở tôi và nhóm của mình phải chế biến những món ăn đích thực mà mọi người thích ăn, bám sát cuộc sống thực và quan trọng nhất là đừng quên cội nguồn của mình", ông nói thêm.
Vào tháng 11/2023, Peter cũng mở Pot Au Pho ở tầng 3 phía trên Anan. Điều này báo trước nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ để nâng món phở, món ăn dân tộc của Việt Nam, lên một tầm cao mới. Đó cũng là lời tri ân đến quán bún truyền thống của mẹ anh ở Đà Lạt xưa kia.
Sau khi lần lượt thưởng thức hết tất cả món ăn trong thực đơn 10 món, mỗi vị khách chi trả khoảng 2,2 triệu đồng (150 đôla New Zealand).
"Đây là bữa ăn đắt nhất của chúng tôi ở TPHCM tại nhà hàng gắn sao Michelin. Nhưng với tôi, bữa ăn này lại rất rẻ bởi xứng đáng với những trải nghiệm vượt ngoài mong đợi", cây bút của New Zealan Heard nhận xét.
Điều này nhận được sự tán đồng của người bạn đồng hành cùng Jennifer. Cô cho rằng bữa ăn là "sự kết hợp hoàn hảo giữa Đông và Tây. Mỗi món ăn mang tới cảm giác thú vị ở tầm cao mới khiến thực khách bất ngờ".
Được biết, nhà hàng đã trở thành điểm đến quen thuộc với nhiều vị khách nước ngoài muốn trải nghiệm ẩm thực Việt theo kiểu biến tấu cao cấp.
Trước đó, anh Joshua Zukas, một du khách người Mỹ từng chia sẻ trải nghiệm ăn phở bò giá 2,4 triệu đồng tại đây. Khác với những bát phở bình dân thường thấy trên đường phố, với mức giá 100 USD, thực khách được thưởng thức 2 ly mojito, 2 quả cầu phở phân tử, 2 miếng bánh mì Việt Nam và một tô phở.
Chỉ riêng món phở được đựng trong chiếc bát sâu lòng với 6 loại thịt bò khác nhau gồm cả tủy bò và xúc xích tự làm, hòa quyện trong phần nước dùng đậm đà. Ngoài ra, thực khách còn được phục vụ thêm bò Wagyu sống.
Dù thưởng thức tô phở đắt tiền với nhiều trải nghiệm mới lạ, nhưng vị khách Mỹ vẫn bày tỏ niềm yêu thích với bát phở truyền thống của người Việt.
Theo New Zealand Herald
nld.com.vn