Bữa tối buồn của EU với thực đơn "không Anh"
Không khí tại một hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu tối 28-6 sau sự kiện Brexit được mô tả rất ngột ngạt.
- 29-06-2016Brexit ảnh hưởng tới nước Mỹ như thế nào?
- 29-06-2016Đây là thị trường chứng khoán duy nhất trên thế giới thờ ơ với Brexit
- 29-06-2016Brexit có ý nghĩa như thế nào với các ngân hàng ở London?
Dù vậy, Ngoại trưởng Czech, ông Tomas Prouza, vẫn đùa một chút về thực đơn "không Anh" trong bữa tối cho các nhà lãnh đạo.
Tải lên mạng xã hội Twitter thực đơn gồm chim cút, salad, thăn thịt bê và rau mầm, ông Prouza lưu ý: "Không có đậu trong sốt cà chua hay bánh pudding tối nay".
Ít nhất vụ sắp xếp chỗ ngồi trong bữa tối không gây thêm lúng túng về mặt ngoại giao. Theo truyền thống, lãnh đạo các nước sẽ ngồi theo thứ tự của chủ tịch luân phiên EU. Mỗi quốc gia đảm đương công việc tại EU trong vòng 6 tháng dù quyền hạn thực tế không nhiều.
Theo trật tự này, Thủ tướng Anh David Cameron (lẽ ra Anh làm chủ tịch EU từ tháng 7 đến tháng 12-2017) ngồi giữa Thủ tướng Malta Joseph Muscat và Thủ tướng Estonia Taavi Roivas.
Ông Roivas viết trên Twitter rằng “bầu không khí tuy buồn nhưng mang tính xây dựng”. Tương tự, ông Muscat chia sẻ với đài Sky News: “Chúng tôi đã mất đi một thành viên trong gia đình”.
Trong một video tại hội nghị, Tổng thống Pháp Francois Hollande trông có vẻ nghiêm nghị. Sau đó, ông kéo tay Thủ tướng Cameron một cách thân thiện. Theo đài BBC, đó là một cử chỉ cảm động mang hàm ý: “Cậu bé nghịch ngợm ạ, tốt thôi, anh sẽ vượt qua nó”.
Ông Cameron chỉ được tham gia ngày họp đầu tiên 28-6. Sang ngày 29-6, lãnh đạo của 27 quốc gia còn lại nhóm họp để bàn về một tương lai không có Anh. Điều này chưa từng xảy ra trong hơn 40 năm qua.
Theo một báo cáo của Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại mà báo Independent đăng tải, ít nhất 34 cuộc trưng cầu dân ý khác có thể diễn ra trên khắp châu Âu vào những năm tới, giống sự kiện Brexit của Anh. Chủ đề của các cuộc trưng cầu bao gồm từ tư cách thành viên EU, chính sách khắc khổ cho đến hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn.
Báo cáo cũng lưu ý việc Anh rời khỏi EU có thể tạo nên một “cơn sóng thần chính trị” làm tê liệt EU. Susi Dennison, tác giả bản báo cáo, cho đài BBC biết: “Các đảng dân túy theo dõi những gì Đảng Vương quốc Anh độc lập (UKIP) đạt được và đang xem xét áp dụng tại quốc gia mình”.
Trên khắp châu Âu, phe “nổi dậy” đóng vai trò quan trọng trong 8 chính phủ quốc gia thành viên EU. Họ sử dụng các phương tiện truyền thông, gây áp lực lên công chúng, tác động về chính trị để buộc chính phủ trưng cầu dân ý về các vấn đề trước đó từng tranh luận.
Thủ lĩnh Đảng Mặt trận Quốc gia Pháp Marine Le Pen tuyên bố người dân Anh đã cho châu Âu và thế giới “một bài học sáng chói về dân chủ”, trong khi lãnh đạo Đảng Tự do Hà Lan Geert Wilders kêu gọi một cuộc bỏ phiếu Nexit (Hà Lan rời khỏi EU) sớm nhất có thể.
Tại Đức, thành viên Đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) Beatrix von Storch, cho biết bà đã “khóc vì vui sướng” khi nghe kết quả trưng cầu tại Anh.
Phong trào 5 sao của Ý cũng đang thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu về việc có nên giữ lại đồng Euro, trong khi Đan Mạch và Thụy Điển đều thể hiện sự quan tâm về động thái rời khỏi Liên minh châu Âu.
NLD