Bức tranh kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm - Sẵn sàng tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng cuối năm
Theo Tổng cục Thống kê, GDP nửa đầu năm 2024 tăng 6,42% - chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024.
- 04-07-2024Việt Nam đề nghị với "ông lớn" EU, tiến tới top 5 cường quốc đóng tàu: Hầu bao sắp mở để loạt tàu ra biển
- 04-07-2024Nợ thuế vài trăm nghìn bị cấm xuất cảnh: Có hợp lý?
- 04-07-2024"Ông lớn" top đầu châu Á tiếp sức cho tuyến cao tốc dài 26,6km ở Việt Nam bằng thỏa thuận 4.800 tỷ đồng
GDP quý II tăng 6,93%
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê cho biết tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2024 tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng ước đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 7,99% của quý II/2022 trong giai đoạn 2020-2024.
Tính chung GDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,38%, đóng góp 5,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,51%, đóng góp 44,28%; khu vực dịch vụ tăng 6,64%, đóng góp 49,76%.
Về cơ cấu nền kinh tế sáu tháng đầu năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,55%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,44%; khu vực dịch vụ chiếm 43,35%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,66%.
Sản xuất công nghiệp - một trong động lực quan trọng của nền kinh tế, giá trị tăng thêm toàn ngành 6 tháng đầu năm ước tính tăng đến 7,54% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp sáu tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 56 địa phương.
“Kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục xu hướng tích cực, quý sau tốt hơn quý trước; các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo. Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế ADB, OECD, IMF, WB… đều dự báo tích cực về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024”, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết.
Gần 120.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động
Đà phục hồi của nền kinh tế tiếp tục thể hiện rõ nét khi theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2024, cả nước có gần 119.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó có đến 80.500 doanh nghiệp thành lập mới. Tính chung bình quân một tháng có 19.900 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Trong chiều ngược lại, cả nước có 110.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Bình quân một tháng có gần 18.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
“Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2024 cho thấy có 37,4% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý I/2024. Dự kiến quý III/2024, có 40,7% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II/2024”, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết.
Thêm một tín hiệu tích cực cho nền kinh tế là, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm theo giá hiện hành ước đạt 3,098 triệu tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, sức mua của nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi sau COVID-19.
Du lịch cũng là một điểm sáng khác của nền kinh tế khi khách quốc tế đến Việt Nam tháng 6/2024 đạt hơn 1,2 triệu lượt người, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 8,8 triệu lượt người, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra COVID-19.
Bên cạnh đó, bất chấp những tác động tiêu cực của kinh tế thế giới, cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm của Việt Nam vẫn đạt mức xuất siêu lên tới 11,63 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 190,08 tỷ USD (tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước), kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 178,45 tỷ USD (tăng 17% so với cùng kỳ năm trước). Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 54,3 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 67 tỷ USD.
Ngoài ra, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục chứng minh sự “hấp dẫn” với nhà đầu tư nước ngoài. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/6/2024 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,19 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam sáu tháng đầu năm 2024 ước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.
“Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của sáu tháng đầu năm trong 5 năm qua”, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương thông tin.
Bên cạnh việc duy trì tốc độ tăng trưởng, bà Hương cũng cho biết các cân đối vĩ mô khác của nền kinh tế vẫn tiếp tục được đảm bảo. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,75%.
Sẵn sàng tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng cuối năm
Đánh giá về kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Đức Tâm, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong bối cảnh còn nhiều thách thức, nền kinh tế vẫn đạt được những kết quả tích cực dưới sự điều hành của Chính phủ. Theo đó, tăng trưởng tiếp tục được thúc đẩy trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân chỉ ra, những động lực quan trọng cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm nay; đó là Việt Nam tiếp tục tập trung nguồn lực để ưu tiên đầu tư các dự án lớn, đặc biệt là dự án đường cao tốc, trọng điểm, liên vùng, hạ tầng năng lượng. Ví dụ như: vượt thu ngân sách trung ương năm 2023 cho chi đầu tư phát triển khoảng 27.000 tỷ đồng, Chính phủ đã dành khoảng 20.000 tỷ đồng cho các dự án trọng điểm, liên vùng.
Bên cạnh đó, công tác hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đạt nhiều kết quả rõ nét.
"Việc triển khai hiệu quả các chính sách này kỳ vọng sẽ là bước đột phá về thể chế, khơi thông các điểm nghẽn về nguồn lực cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng năm 2024 và các năm tiếp theo", ông Tâm cho biết.
Dự báo về kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm, theo đánh giá trong báo cáo triển vọng đầu tư nửa cuối năm do Khối Dịch vụ Private Banking Toàn cầu HSBC vừa phát hành, Việt Nam đang sẵn sàng tăng trưởng mạnh mẽ nửa cuối năm nhờ chu kỳ điện tử toàn cầu phục hồi và FDI tiếp tục tích cực. Theo nhóm nghiên cứu, Việt Nam tiếp tục lộ trình phục hồi thúc đẩy bởi chu kỳ điện tử toàn cầu.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) gần nhất tiếp tục cho thấy sản xuất mở rộng. Trong đó, đáng chú ý là xuất khẩu điện tử đang rất tốt. Tháng trước, điện tử tiêu dùng dẫn đầu, đóng góp 60% tăng trưởng xuất khẩu.
"Ở ASEAN, Singapore, Malaysia và Việt Nam đang củng cố vị thế dẫn đầu trong ngành điện tử", James Cheo, Giám đốc đầu tư khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ của Khối Dịch vụ ngân hàng và Quản lý tài sản chuyên biệt toàn cầu HSBC nói.
Đồng thời, triển vọng đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đang ổn nhờ sức hấp dẫn của Việt Nam trong vai trò một điểm đến cho đầu tư. Trong khi chi tiêu trong nước cho thấy một bức tranh đa chiều, du lịch đang cho thấy phong độ phục hồi và nhiều khả năng đạt được mục tiêu 17-18 triệu lượt khách trong năm nay.
VTV