MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bước đột phá trong phòng, chống tham nhũng

03-09-2022 - 07:19 AM | Xã hội

Việc 3 lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước bị kỷ luật thời gian qua do có sai phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm toán được đánh giá là bước đột phá mới trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay chính trong các cơ quan chống tham nhũng, tiêu cực. Đây cũng là bước tiến mới trong kiểm soát quyền lực nhà nước.

Thanh tra, kiểm toán phải trong sạch

Thực tế, tình trạng thanh tra, kiểm toán vào cuộc nhưng không phát hiện ra sai phạm, chỉ đến khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra vào cuộc thì vi phạm mới “lộ sáng”. Điển hình nhất là việc có đến 11 đoàn thanh, kiểm tra vào nhưng không phát hiện sai phạm ở Vinashin những năm trước, gây bức xúc trong dư luận.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, việc xử lý nghiêm minh trách nhiệm của các cán bộ trong hoạt động thanh tra, kiểm toán khi thực hành công vụ là cấp thiết. Qua đó, không chỉ góp phần răn đe, phòng ngừa vi phạm mà còn nâng cao ý thức, trách nhiệm thực thi công vụ của các cơ quan thanh tra, kiểm toán.

Bước đột phá trong phòng, chống tham nhũng - Ảnh 1.

Vụ Việt Á khiến Bộ trưởng Bộ Y tế và nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN bị kỷ luật khai trừ Đảng, bị khởi tố bắt giam. Ảnh: PV

Bước đột phá trong phòng, chống tham nhũng - Ảnh 2.

Theo ông, để bảo đảm tính đúng đắn trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải trong sạch, có bản lĩnh, không bị “những viên đạn bọc tiền xuyên thủng”. Ông Sửu kể, trước đây cũng từng có tình trạng, một vụ việc nhưng có 7- 8 đoàn thanh tra, kiểm toán, từ Trung ương đến địa phương vào cuộc mà vẫn không phát hiện ra sai phạm. Chỉ đến khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc mới làm rõ được vi phạm.

“Đi rất đông, rất nhiều đoàn vào, nhưng không xem xét đến nơi, đến chốn, không chỉ ra được vi phạm. Với những trường hợp như thế, không dính dáng đến tham nhũng, tiêu cực thì cũng do né tránh, không dám làm”, ông Ngô Văn Sửu nói.

Trường hợp, kết luận thanh tra, kiểm toán không chỉ ra được vi phạm thì phải đặt câu hỏi về tính khách quan, thậm chí có hay không “che chắn” cho vi phạm. “Nếu sau này phát hiện ra vi phạm phải xử lý nghiêm minh các đoàn thanh tra, kiểm toán trước đó theo đúng tinh thần như Tổng Bí thư đã nhiều lần nói: “Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong chính lực lượng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Có như thế mới tạo ra sự răn đe, nâng cao trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ”, ông Sửu nói.

Lãnh đạo bị kỷ luật thì nói ai nghe

Nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là quyết định đúng đắn, tạo sự đồng bộ, khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là việc bố trí nhân sự tham gia vào Ban Chỉ đạo ở các địa phương phải là những người trung thực, gương mẫu, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Dẫn ví dụ ở Ninh Bình, có cán bộ mới bị kỷ luật cảnh cáo nhưng lại vẫn được phân công làm Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, ông Sửu đề nghị các cơ quan Trung ương cần theo dõi và kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc phân công cán bộ.

“Đang bị kỷ luật cảnh cáo mà lại được phân công ngồi vào đó thì chỉ đạo được ai, làm sao mà chống tham nhũng, tiêu cực được”, ông Sửu nói.

Ba lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ bị kỷ luật

Liên quan đến những vi phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên nhiệm kỳ 2015- 2020, trong việc quản lý sử dụng đất đai, tài sản nhà nước…, tại kỳ họp thứ 17, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định kỷ luật khiển trách Nguyễn Quang Thành, nguyên Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Về những vi phạm trong quản lý đất đai ở Bình Thuận, tại kỳ họp thứ 14, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định kỷ luật khiển trách ông Đặng Công Huẩn, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ và ông Vũ Văn Họa, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước vì đã vi phạm trong chỉ đạo thanh tra, giải quyết tố cáo và kiểm toán tại tỉnh Bình Thuận.

Theo Văn Ki

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên