MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vào nghề với KPI 20 tỷ huy động và 36 tỷ cho vay, tôi đã suýt bỏ việc từ tháng thứ 2

23-08-2017 - 15:07 PM | Tài chính - ngân hàng

Sau 7 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng, tôi bắt đầu rẽ ngang sang ngành ngân hàng với chỉ tiêu ban đầu mà sau này mỗi khi nghĩ lại tôi vẫn vã mồ hôi.

LTS: Từ nay đến 30/9/2017, CafeF phối hợp với Báo điện tử Trí thức trẻ tổ chức cuộc thi viết "Nghề Tài chính - Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang" nhằm tôn vinh những giá trị đẹp mà nghề đem lại, phê phán những điều chưa đẹp đồng thời truyền cảm hứng cho những người mới vào nghề.

Dưới đây là bài dự thi của độc giả Hoàng Anh Đức, cựu Giám đốc Trung tâm Khách hàng doanh nghiệp - Khối khách hàng Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng VPBank.

----------------------

Tôi vào làm ngân hàng hết sức tình cờ khi tuổi đời đã quá 30 và có 7 năm gắn bó với lĩnh vực xây dựng, quản lý dự án và quản lý đầu tư. Công ty tôi làm việc là một Tổng công ty khá lớn trong lĩnh vực Xây dựng và Xuất nhập khẩu. Những tưởng tôi cứ làm việc ổn định như vậy cho đến khi già đi và về hưu như bao thế hệ trước đó. Công việc tại đây khá ổn định, thu nhập và lương thưởng cũng như các chính sách đãi ngộ không thật cao nhưng ở mức kha khá so với mặt bằng chung của xã hội. Thế rồi đùng một cái tôi bỏ ngang rồi sang làm ngân hàng.

Còn nhớ hồi năm 2011, một số ngân hàng thương mại đổi mới mô hình và phân tách thành các Khối, Bộ phận chuyên doanh riêng biệt. Theo đó, bộ phận phê duyệt và mảng bán hàng (sales) được chuyên môn hóa cao nhất. Tôi được anh bạn giới thiệu và trúng tuyển làm giám đốc quan hệ khách hàng tại Chi nhánh mới thành lập của Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank). Ngân hàng kỳ vọng với kinh nghiệm làm việc, các mối quan hệ sẵn có tôi sẽ lôi kéo về cho họ những khách hàng mục tiêu tốt nhất theo phân khúc ấn định. Các công việc xử lý hậu kỳ sẽ được hỗ trợ tối đa bởi bộ phận dịch vụ tín dụng. Đó cũng là lý do ngân hàng tuyển dụng người ngoài ngành như chúng tôi.

Thoạt tiên, chức danh và mô tả công việc làm tôi háo hức. Cái danh từ giám đốc ấn định sẵn trong đầu tôi – vốn dĩ đang làm việc trong một cơ quan nhà nước nắm quyền kiểm soát nó rất to lớn và quyền lực. Chỉ đến khi kết thúc khóa đào tạo hội nhập và trở về chi nhánh làm việc tôi mới thực sự bẽ bàng và thấy thất vọng khi hiểu rõ hơn công việc và vị trí của mình. Tôi là giám đốc nhưng không có nhân viên nào cả, các bộ phận hỗ trợ chỉ làm việc của họ và dưới quyền giám đốc chi nhánh mà thôi.

Không giống như các bạn trẻ khác, tôi hầu như không biết một thuật ngữ, cách sử dụng các phần mềm và mối quan hệ nội bộ nào từ ngân hàng. Chỉ tiêu của tôi lúc ấy khá cao, 20 tỷ huy động và 36 tỷ dư nợ/một tháng chưa kể các chỉ tiêu phụ khác – giám đốc quan hệ khách hàng mà. Con số tham vọng này nó kinh khủng đến mức mà sau này cứ nghĩ tới là tôi lại vã mồ hôi. Tôi chỉ có 2 tháng thử thách.

Thời gian đầu tôi lao đi gặp gỡ và chào mời tất cả những mối quan hệ mà tôi quen thân và có ảnh hưởng. Theo cách cũ, của những đối tác trong quan hệ nhà nước, tôi lao đi nhậu nhẹt, hẹn hò và gặp gỡ. Liên tục và liên tục. Nhưng hầu như không mang lại một kết quả đáng kể nào ngoài chút ít tiền gửi ủng hộ từ những người thân quen. Vị thế giờ đây đã khác, những nhà thầu tôi quản lý xưa kia trên cương vị của Ban quản lý dự án/Chủ đầu tư giờ thì giờ đây tôi là người đi bán sản phẩm và thuyết phục họ sử dụng.

Sau hai tháng, rồi đến ba tháng kết quả của tôi thật bi bét. Tôi thấy hoảng loạn và bế tắc thật sự. Ở chi nhánh chẳng có việc gì để làm, ra ngoài đường không biết nên tiếp tục gặp ai và làm thế nào để lôi kéo họ về với mình. Tôi không mang được đồng lương nào về nhà, chưa kể phải xin thêm tiền của mẹ để đầu tư cho công việc ngày càng mịt mờ. Tôi vật vờ và cô đơn hệt như một anh bán hàng đa cấp bảnh chọe nhưng trống rỗng. Tín dụng và dịch vụ ngân hàng là một sản phẩm đặc biệt, nó thực sự là một chu trình từ lúc tiếp cận cho đến khi phê duyệt, giải ngân và quản lý khoản vay. Làm tốt tất cả chưa đảm bảo bạn đã hoàn thành bởi còn hoạt động kinh doanh của khách hàng, thị trường và các yếu tố cạnh tranh của ngân hàng khác bởi các hunter chuyên nghiệp hơn mình. Có những lúc tôi đã nghĩ tới việc từ bỏ và nói thật với gia đình mình rồi tìm một công việc khác phù hợp hơn.

Thế rồi, có những tình bạn nảy sinh trong môi trường mới, những người bạn tâm giao xưa cũ luôn bên tôi và chia sẻ đã giúp tôi bình tâm lại. Người ta làm được, rồi tôi sẽ làm được. Tôi không chạy búa xua nữa mà ngồi lại dành thời gian nghiên cứu thật kỹ sản phẩm, chính sách của ngân hàng mình, của cả đối thủ cạnh tranh. Hỏi tất cả những gì mà tôi chưa hiểu về hệ thống, về kinh nghiệm của những người xung quanh kể cả từ nhân viên giao dịch hay từ chính khách hàng, đối tác của tôi. Tôi có chút ưu điểm là ham học hỏi và kiên nhẫn lắng nghe.

Không còn như chú gà con lang thang một mình, gặp bất cứ thứ gì cũng mổ mà hầu như toàn thứ không ăn được. Tôi đã làm việc theo nhóm, phân tích, sàng lọc và lên kế hoạch hành động chi tiết cho việc tiếp cận bán hàng của mình. Bắt đầu từ các giao dịch đơn giản như mở tài khoản, giao dịch thanh toán, mua bán ngoại tệ, tiền gửi, sau đó thì lấn dần sang các sản phẩm khác. Data khách hàng của tôi ngày một dày lên. Kinh nghiệm quản lý các nhà thầu ở các lĩnh vực khác nhau giúp tôi có cái nhìn sâu hơn so với đồng nghiệp về họ, sự tận tâm và trao đổi gần gũi giúp tôi hiểu các nguyện vọng cũng như những vướng mắc mà họ gặp phải. Điều đó ngày càng giúp tôi có những giải pháp cho khách hàng phù hợp với chính sách của ngân hàng mình và thuyết phục cấp trên cũng như bộ phận phê duyệt một cách trơn tru hơn. Tôi được nhiều khách hàng tin tưởng, coi như một nhân viên tư vấn của riêng họ và không ngần ngại giới thiệu thêm cho tôi những quan hệ mới.

Mỗi một công ty đều ít nhất có vài ba đối tác chiến lược, mỗi một người đều có vài ba người bạn thân thiết. Nếu bạn thân thiết được với công ty và chủ sở hữu bạn sẽ được giới thiệu nhanh chóng và hiệu quả tới những đối tượng này mà nếu chỉ gọi điện hay tự thân bạn sẽ vô cùng khó khăn khi tiếp cận. Tôi ngày càng làm tốt hơn và chính thức thành một nhân viên ngân hàng sau 6 tháng đầu tiên. Tôi cũng bắt đầu yêu thích nghề bank.

6 tháng sau nữa, tôi thăng tiến rất nhanh, thành trưởng nhóm rồi trưởng bộ phận (không như chức danh giám đốc hão ban đầu). Lúc này tôi nhận ra rằng, nghề bank nghiệt ngã và thải hồi liên tục nhưng cũng sòng phẳng khi bạn đạt được kết quả bằng sự tận tâm của mình.

Năm 2013, tôi chuyển sang VPBank. Tôi trở thành Phó giám đốc chi nhánh rồi Giám đốc trung tâm khách hàng doanh nghiệp sau đúng 2 năm vào nghề. Đây có lẽ cũng là một kỷ lục và phần thưởng cho sự nỗ lực không mệt mỏi của mình. Lúc này, tôi đã là giám đốc thật sự chứ không còn là giám đốc quan hệ như xưa. Áp lực và trách nhiệm lớn hơn rất nhiều. Tôi phải quản lý và chịu trách nhiệm về hoạt động của cả một đơn vị kinh doanh, về mọi hoạt động của các nhân viên. Thử thách lại bắt đầu và còn sâu nặng hơn trước biết bao.

Dân bank là chúa hay nhảy việc. Tôi cũng nghe nhiều người than phiền về đủ thứ khó khăn họ gặp phải: sếp không ủng hộ, khách hàng khó khăn, bị cạnh tranh, chính sách hỗ trợ của ngân hàng không có. Rất nhiều lý do. Tôi không có được sự hỗ trợ hay dìu dắt đặc biệt tốt từ sếp của mình nhưng tôi tự hứa sẽ trở thành một sếp tốt. Tôi gần gũi và chia sẻ với nhân viên của mình nhiều hơn, kể cả về cuộc sống và công việc. Tôi luôn song hành cùng họ và chưa bao giờ tôi thôi học hỏi từ mọi người xung quanh, kể cả nhân viên của mình. Trung tâm tôi quản lý nhiều nhân viên trẻ và hoàn cảnh khác nhau nhưng khá gắn kết và ổn định về nhân sự tương đối tốt so với tình hình chung của ngành.

Chúng tôi chứng minh được một điều, có thể bạn không có mọi thứ tốt nhất trong tay nhưng thái độ và quyết tâm làm việc bền bỉ, đoàn kết bạn vẫn có thể thành công cùng với nhau. Trung tâm tôi được nhiều giải thưởng về lợi nhuận, bán tốt các sản phẩm lõi của ngân hàng và hoàn thành khá và tốt các chỉ tiêu nhiều năm sau đó. Chúng tôi cùng nhau đi qua nhiều khó khăn mà để lại những kỷ niệm đẹp đẽ về thời gian làm việc cùng. Tôi chưa bao giờ ngừng nhớ và biết ơn họ cũng như quãng thời gian này.

Một thời gian dài làm việc tôi cũng nhận ra rằng, nghề bank quá nhiều cám dỗ và hiểm nguy, khi thành công ấy là lúc chúng ta phải cẩn trọng nhất. Những hào nhoáng, những thành công và sự lôi cuốn của vật chất và tiện nghi khiến bất kỳ ai cũng nảy sinh ham muốn mà nếu không nhìn lại tương quan bản thân mình bạn sẽ lạc lối. Bạn phải có kiến thức tương đối rộng về cách ngành nghề khác nhau và những đặc thù của nó. Bạn hiểu sâu và tuân thủ những nguyên tắc, quy trình mà ngân hàng đã đưa ra. Chỉ cần sơ sểnh hay lòng tham trỗi dậy bạn sẽ trả giá. Tôi chứng kiến rất nhiều những đổ vỡ của các đồng nghiệp với đủ thứ liên quan: vay nặng lãi, đáo hạn, đòi hỏi bắt chẹt khách hàng, lạm dụng nghề nghiệp và nhiều thứ khác nữa. Cuối cùng, họ chẳng còn gì, chưa kể những đổ vỡ trong chính họ mà không hàn gắn được nữa, đó là mất mát lớn nhất, mất đi bản thể của chính mình.

Nghề bank thực sự cũng như bao nghề khác, bạn làm công ăn lương và phải hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đừng bao giờ kỳ vọng bạn sẽ giàu lên nhanh chóng hay thấy sự xa hoa của xã hội mà chộn rộn lên. Phù hoa cả đấy. Bạn phải tìm ra giá trị cốt lõi của mình, của đời sống để làm kim chỉ nam cho hoạt động nghề nghiệp, nhất là nghề tài chính –ngân hàng, điều này thực sự quan trọng.

Tôi không đủ sức theo trọn vẹn dấu vết và vòng quay của đồng tiền để rút ra các kết luận hay chỉ dẫn về nó. Nhưng nghề bank (tài chính - ngân hàng) với tôi như một tấm hộ chiếu ưu tiên cho phép tôi nhập cảnh vào nhiều cuộc đời khác nhau, được chứng kiến nhiều thăng trầm, vinh quang, bi kịch và đắng cay. Để rồi, tôi thấy yêu cuộc sống này hơn bao giờ hết. Từng phút giây, dẫu có những lúc thật gian lao và nhọc nhằn.

Đức H.A (Cựu GĐ Trung tâm khách hàng DN khối SME VPBank)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên