Bưởi đặc sản Phúc Trạch khó đầu ra, dân thấp thỏm lo bão đổ bộ
Trước diễn biến mưa bão phức tạp, người trồng bưởi đặc sản Phúc Trạch ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đứng ngồi không yên khi hàng nghìn tấn bưởi đang trên cây chưa thu hoạch.
- 31-08-2021Đưa đặc sản nức tiếng na Chi Lăng, bưởi Phúc Trạch lên sàn thương mại điện tử
- 05-09-20191.200 ha bưởi Phúc Trạch ngập lũ, xót xa trăm tỷ dần thối rụng
Vừa mới trải qua trận mưa trong đêm, nhưng khu vườn trồng bưởi Phúc Trạch của ông Phạm Quang Thọ (trú thôn Kim Sơn, xã Hương Trạch, huyện Hương Khê) nước đã đọng thành từng vũng. Ông Thọ trồng 130 gốc bưởi, nhưng năm nay chỉ có 100 gốc ra quả, ước lượng đạt hơn 3.500 quả.
Như các năm trước, đến thời điểm này bưởi trong vườn đã bán gần hết, nhưng đến nay chỉ mới bán được 1.500 quả, còn hơn 2.000 quả chưa thu hoạch do không có người mua.
Khu vườn trồng bưởi của gia đình ông Thọ đọng nhiều vũng nước sau trận mưa lớn.
“1.500 quả bưởi đã bán cũng chưa thu lại tiền. Giờ còn hơn 2.000 quả, đa phần quả to, đẹp nhưng chưa có khách mua, vì thực tế năm nay do ảnh hưởng của dịch nên tiêu thụ kém. Vườn này ước tính thu về khoảng 60 triệu đồng, nhưng sợ bão, lũ đến không kịp thu hoạch lại rụng, thối”, ông Thọ nói. |
Mấy ngày nay, nghe đài dự báo bão sẽ ảnh hưởng đến Hà Tĩnh gây mưa lớn, ông Thọ thấp thỏm đứng ngồi không yên khi số bưởi còn lại vẫn chưa bán hết. Người đàn ông tính phương án chặt sẵn các cọc tre, thân cây để ra chống những cành bưởi thấp, tránh ngập nước lũ, trường hợp bất khả kháng sẽ thu hái đưa vào nhà. Nhưng cũng lo sợ vì có năm nước lũ dâng cao đến 7m.
Vì để phòng bưởi bị ngập lụt, ông Thọ đã dùng những cọc tre chống các cành bưởi thấp lên cao. |
Ông Thọ cho biết, vùng đất này năm nào cũng hứng chịu lũ lụt, lũ nhỏ thì nước ngập hơn 1m, lớn thì chạm nóc nhà. Bởi thôn Kim Sơn nằm sát bên thượng nguồn sông Ngàn Sâu, hạ du thuỷ điện Hố Hô, nên mỗi lần xả lũ nước ngập sâu. |
Nhớ lại năm 2019, ông Thọ nói, trận lũ lụt khiến gia đình mất hàng chục triệu do bưởi rụng, thối mất hơn 1.000 quả.
“Năm đó mất trắng hơn 50%. Quả bưởi nếu ngâm nước lũ là thối, rụng luôn. Còn cây bưởi nếu nước lũ ngâm 3 ngày cũng chết. Ở xóm giờ nhiều nhà bưởi đầy vườn nhưng cũng chưa bán được nên cũng đang lo khi mưa bão tới. Giờ chỉ cầu mong bão không ảnh hưởng, vì dân nơi đây phụ thuộc vào bưởi là chính”, ông Thọ chia sẻ.
Mấy ngày nay ông Thọ thấp thỏm lo âu khi hơn 2.000 quả bưởi chưa tiêu thụ được trước mùa mưa bão. |
Vùng trồng bưởi ở thôn Phú Lễ (xã Hương Trạch) được xem là vùng thấp trũng, nguy cơ ngập úng cao nhất xã. Những ngày này, vợ chồng ông Nguyễn Hữu Hải cùng nhau ra vườn thu hoạch bưởi Phúc Trạch để gửi ra Vinh, Hà Nội bán. Vì nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 nên việc gửi hàng hoá khó khăn, chi phí gửi cao nên bưởi khó tiêu thụ. |
Ông Hải chia sẻ, ở vùng bưởi Phú Lễ mới tiêu thụ được ít, đây lại là vùng thấp, năm nào cũng hứng chịu lũ lụt nên dân rất lo sợ. Gia đình ông trồng 300 gốc, năm nay sản lượng đạt gần 10 vạn quả. Nhưng đến nay mới tiêu thụ được hơn 60%, số còn lại đang trên cây và bán dần.
Nhiều khu vườn chỉ mới sau trận mưa nước đọng thành từng vũng. |
Khu trồng bưởi ở thôn Phú Lễ hàng tấn bưởi chưa được thu hoạch. |
Ông Hải kể, năm 2017 gia đình thiệt hại nặng nhất, bưởi hàng nghìn quả bị rụng tả tơi sau khi bão đi qua. Mấy năm qua có những trận lũ lụt lớn cũng khiến nhiều hộ dân mất hàng chục triệu đồng do bưởi bị thối do ngập úng.
“Như vùng này, gia đình tôi là bán được nhiều nhất vì bán trên mạng và khách quen lâu năm đặt. Bưởi năm nay được mùa, giá vẫn không giảm nhưng thị trường tiêu thụ giảm vì khó vận chuyển. Người trồng bưởi rất vất vả, lo chăm bón, đầu ra, nay lại thêm nỗi lo mùa mưa lũ”, ông Hải chia sẻ.
Gia đình ông Hải đang lo lắng trước mưa bão khi còn hơn 3.000 quả bưởi chưa thu hoạch. |
Còn gia đình bà Trần Thị Lường (trú xã Hương Trạch) hiện nay còn hơn 1.000 quả bưởi chưa thu hoạch. Hầu như năm nào vườn bưởi nước lũ cũng ngập hơn 1m, như những năm trước sẽ thu hái dần, nhưng đợt này khó tiêu thụ vì thế bà cũng không dám hái cất trong nhà. Bởi lo sợ nếu để lâu quá, không có người mua, bưởi sẽ mất giá.
“Giờ không dám hái cất vào nhà vì nếu để lâu sẽ khó bán. Tôi chỉ mong không ảnh hưởng của bão, lũ cho người dân đỡ khổ, chứ cảnh hái bưởi chạy lũ dân đây khiếp sợ”, bà Lường chia sẻ.
Bà Lường đang dùng cọc gỗ để chống bưởi lên cao phòng ngập lụt. |
Trao đổi với Tiền Phong, ông Cao Quốc Hội - Chủ tịch UBND xã Hương Trạch, huyện Hương Khê cho biết, tổng sản lượng bưởi Phúc Trạch trên toàn xã là 4.700 tấn, hiện tại mới tiêu thụ được 2.100 tấn, còn lại 2.600 tấn do ảnh hưởng của dịch nên tiêu thụ khó.
“Nếu như những năm trước thì tầm này bưởi không có mà bán, nhưng đến nay toàn xã mới tiêu thụ được gần 50%. Địa phương đang tập trung tuyên truyền cho bà con, chỗ nào ẩm, thấp, nguy cơ ngập úng thì giúp đỡ, tiêu thụ nếu cần thiết thì cắt về cất giữ để tránh bị thiệt hại”, ông Hội cho biết.
Tiền Phong