MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Business Times: Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì trước ngưỡng cửa RCEP?

Hiệp định RCEP dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm tới. Do vậy, để tận dụng triệt để tiềm năng của hiệp định, các doanh nghiệp cần lập kế hoạch về những tác động của RCEP đến hoạt động kinh doanh ngay từ bây giờ.

Theo The Business Times (Singapore), sau 31 vòng đàm phán kéo dài trong gần một thập kỷ, Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) đã chính thức được ký kết vào ngày 15/11. RCEP là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, mở ra kỷ nguyên mới về thương mại và đầu tư, giúp tăng khả năng ứng phó với bất định trên thị trường đối với 10 quốc gia thành viên của ASEAN và các đối tác đối thoại: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand.

Đặc biệt, đây là hiệp định với thị trường chiếm 30% dân số thế giới, chiếm khoảng 29% GDP toàn cầu và gần 28% thương mại toàn cầu. Bên cạnh việc loại bỏ thuế quan và hạn ngạch đối với 65% hàng hóa giao dịch trong khu vực, hiệp định còn bao gồm một số điều khoản được điều chỉnh để phù hợp với từng thị trường. Ví dụ, hiệp định không có các tiêu chuẩn thống nhất về lao động và môi trường, nhằm đảm bảo sự đa dạng trong từng thị trường quốc gia thành viên.

RCEP và những lợi ích lớn hơn cho khu vực

Hiệp định RCEP sẽ ngăn chặn xu hướng bảo hộ mậu dịch đang gia tăng trong năm nay, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp và các quốc gia nối lại chuỗi cung ứng giai đoạn hậu Covid-19. RCEP không chỉ duy trì dòng chảy thương mại cởi mở mà còn tăng cường hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản - những quốc gia có ảnh hưởng lớn đến toàn cầu trong các ngành công nghiệp điện tử, ô tô, dệt may. Việc có tất cả các thị trường này trong một hiệp định thương mại sẽ giúp ASEAN duy trì chuỗi cung ứng, đặc biệt đối với các lĩnh vực kể trên.

Trong 20 năm, đầu tư nước ngoài được đánh giá là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng sản xuất, cơ sở hạ tầng và xuất khẩu của ASEAN. Song, xu hướng này đã giảm dần trong vài năm qua và gần như dừng lại trong năm nay do tác động của đại dịch Covid-19. Do vậy, hiệp định RCEP được kỳ vọng sẽ kích thích lại xu hướng đầu tư nước ngoài của khu vực.

Hiệp định RCEP sẽ giúp thúc đẩy cải cách các quy định quan trọng trong nước đối với các lĩnh vực như luật lao động, tự do hóa đầu tư, an ninh mạng, quy tắc dữ liệu xuyên biên giới và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Những cải cách này sẽ tạo ra động lực thương mại và đầu tư từ các thành viên đối tác, theo đó thúc đẩy tăng trưởng chuỗi cung ứng.

Thêm vào đó, RCEP cũng hợp lý hóa các thỏa thuận thương mại ưu đãi chồng chéo khác nhau mà hầu hết các thành viên RCEP đã có với nhau từ trước bằng những quy tắc thương mại chung. Điều này sẽ giúp giảm chi phí thương mại cho các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp phải chuẩn bị những gì?

Mặc dù việc ký kết RCEP là một bước ngoặt tích cực, nhưng sẽ cần một thời gian trước khi hiệp định được phê chuẩn và có hiệu lực. Dự kiến RCEP sẽ có hiệu lực vào năm sau, sau khi các bên hoàn tất thủ tục phê chuẩn trong nước.

Do vậy, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp cần đánh giá tác động dài hạn của RCEP trên con đường phục hồi hoạt động kinh doanh, từ đó đặt ra các kế hoạch cho tương lai. Các doanh nghiệp có thể xem xét các mối quan hệ thương mại hiện tại, xác định khoảng trống, tiềm năng lớn nhất để tạo các mối quan hệ mới và khai thác một số thị trường tiêu dùng phát triển nhanh nhất.

Các doanh nghiệp cũng cần xem xét các chuỗi cung ứng hiện tại, trong khu vực hoặc toàn cầu để đánh giá tác động của RCEP lên mô hình kinh doanh trong tương lai. Điều này không chỉ quan trọng đối với doanh nghiệp có trụ sở tại các thị trường thành viên mà còn đối với bất kỳ doanh nghiệp nào kinh doanh trong khu vực.

Cuối cùng, doanh nghiệp cần nắm chắc về RCEP và tác động về thuế quan đến từng nhóm hàng hóa, dịch vụ, sau đó đánh giá lại chiến lược và lợi thế cạnh tranh của mình.

Q.L

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên