MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bứt phá mạnh liên tục, yếu tố nào sẽ giúp OCB duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận thời gian tới?

20-12-2021 - 13:58 PM | Tài chính - ngân hàng

Bứt phá mạnh liên tục, yếu tố nào sẽ giúp OCB duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận thời gian tới?

Giới phân tích cho rằng OCB còn dư địa tăng trưởng tốt trong dài hạn do có mô hình hoạt động mang tính năng động và hiệu quả cao. Bên cạnh đó, nguồn vốn chủ sở hữu dồi dào và chuyển đổi số mạnh mẽ là lợi thế giúp ngân hàng duy trì tốc độ tăng trưởng cao.

Trong quý 3, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng với lợi nhuận hợp nhất trước thuế vượt 1.100 tỷ đồng, tăng hơn 71% so với cùng kỳ. Với con số trên, OCB là một trong những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao nhất và bỏ xa mức bình quân toàn ngành (20%).

Lũy kế 9 tháng đầu năm, OCB lãi trước thuế 3.768 tỷ đồng, tăng 50% và thực hiện được 68,5% kế hoạch đề ra tại Đại hội cổ đông thường niên 2021.

Nguyên nhân chính giúp OCB đạt được kết quả tích cực này là do nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng cuối quý 3/2021 đạt 9,4%, giúp thu nhập từ lãi tăng trưởng gần 25% so với cùng kỳ 2020.

Ngoài ra, thu nhập ngoài lãi quý 3/2021 tăng ấn tượng 62,3% với sự hỗ trợ chủ yếu bởi khoản lãi lớn từ chứng khoán đầu tư.

Bên cạnh đó, việc áp dụng số hóa đã giúp ngân hàng giảm chi phí hoạt động và tăng chất lượng tài sản. Từ đó, góp phần giúp chi phí dự phòng rủi ro rín dụng giảm và chi phí tín dụng cũng hạ thấp, phản ánh qua tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm từ mức 2,15% của cùng kỳ năm ngoái về còn 1,51% vào cuối quý III.

Đà tăng trưởng sẽ tiếp tục nối dài

Trong tháng 11, OCB đã được Ngân hàng Nhà nước nới hạn mức tăng trưởng tín dụng từ 10% lên 15%. Điều này được kỳ vọng giúp ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới, qua đó hỗ trợ tích cực kết quả kinh doanh.

Năm 2021, ban lãnh đạo ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 25%. Nếu được NHNN phê duyệt, OCB sẽ có cơ hội rất lớn để bứt phá lợi nhuận trong quý 4.  

Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), tín dụng của OCB còn dư địa tăng trưởng tốt trong dài hạn do có mô hình hoạt động mang tính năng động và hiệu quả cao. Bên cạnh đó, nguồn vốn chủ sở hữu dồi dào từ lợi nhuận giữ lại cùng với quy mô tài sản còn tương đối nhỏ là một lợi thế giúp tốc độ tăng trưởng cao của tín dụng có thể duy trì được trong dài hạn.

''Quy mô tín dụng tăng nhanh là tiền đề cho sự tăng trưởng của lợi nhuận trong dài hạn'', VCBS đánh giá..

Bên cạnh đó, nhóm phân tích cũng nêu bật việc OCB đầu tư lớn vào hệ thống công nghệ lõi từ rất sớm và đã triển khai thành công hệ thống Open API từ cuối 2019. Open API giúp OCB làm chủ dữ liệu và xây dựng các sản phẩm kết nối với các đối tác tương đối dễ dàng. Ngân hàng cho biết sẽ đẩy mạnh ra mắt các sản phẩm mới đi kèm với chiến lược marketing mạnh mẽ hơn trong giai đoạn cuối năm 2021 và năm 2022.

VCBS cho rằng OCB đang cố gắng xây dựng hệ sinh thái các tiện ích xoay quanh ứng dụng OCB OMNI channel với triển vọng gia tăng lượng khách hàng trong tương lai. Nhóm phân tích kỳ vọng ngân hàng sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng tài sản tích cực và cải thiện chi phí vốn trong dài hạn khi tập khách hàng tăng lên.

Đồng quan điểm, SSI Research cho biết OCB đang đầu tư vào nhiều dự án, bao gồm xây dựng marketplace cho mảng vay thị trường mua nhà, quy trình phê duyệt tín dụng, chuyển đổi dữ liệu lên đám mây và nâng cấp core banking. Hệ thống core banking mới dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 12/2021 sẽ và được kỳ vọng sẽ cung cấp sản phẩm nhanh hơn và cũng như cải thiện hiệu suất hoạt động.

Ngoài ra, OCB cũng có kế hoạch phát hành 70 triệu cổ phiếu (5% vốn trước thực hiện) trong Q4/2021. Nếu phát hành thành công, SSI Research cho rằng ngân hàng sẽ có bộ đệm vốn tốt hơn giúp cải thiện tiềm năng tăng trưởng trong ngắn và trung hạn.

Đánh giá về triển vọng, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng OCB có thể duy trì tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) trên 4% vào cuối năm, được hỗ trợ bởi vị thế thanh khoản tốt, tỷ trọng tài sản thanh khoản cao và cơ cấu tài trợ nghiêng về các nguồn chi phí thấp. Bên cạnh đó, VDSC cũng đánh giá cao những thay đổi về chất lượng tài sản mà ngân hàng đang thực hiện nhằm đối mặt với các khoản nợ xấu gia tăng sắp tới.

Trong năm 2022 và trung hạn, nhóm phân tích cho rằng NIM sẽ duy trì ở mức cao hơn 4% do ngân hàng tận dụng các giấy tờ có giá phát hành trong thời kỳ lãi suất thấp hiện nay. Điều này cùng với đà tăng trưởng tín dụng cao, tỷ lệ cho vay có tài sản bảo đảm cao và thu nhập ngoài lãi mở rộng sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng kiểm soát chi phí tín dụng đồng thời duy trì tăng trưởng lợi nhuận cao.

Trên cơ sở đó, VDSC  dự báo lợi nhuận năm 2021 và 2022 lần lượt đạt 5.513 tỷ đồng (tăng trưởng 25%) và 7.115 tỷ đồng (tăng trưởng 29%).

Ảnh Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên