BVSC: Với Việt Nam, năm 2020 khác xa năm 2008, mọi thứ đã tốt hơn rất nhiều
Sự khác biệt giữa năm 2007, 2008 với năm 2020 có thể nhìn thấy ở rất nhiều chỉ số vĩ mô, sự vận hành của nền kinh tế, của thị trường. Năm 2007 tăng trưởng tín dụng lên tới trên 50%, nhưng ngay sau đó nửa đầu năm 2008 Chính phủ lại phải thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát. Còn những năm gần đây, tăng trưởng tín dụng luôn được kiểm soát ở mức quanh 14%, các chỉ số vĩ mô khác như lạm phát, tỷ giá, mặt bằng lãi suất trong tầm kiểm soát và ở mức thấp.
Báo cáo mới đây của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, tuy đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức nhưng so với năm 2008, mọi thứ đã tốt hơn rất nhiều, và năm 2020 cũng khác xa năm 2008.
Theo BVSC, so sánh các chỉ số kinh tế vĩ mô năm 2008 và 2020 có thể thấy hiện kinh tế Việt Nam đang có sự ổn định, vững chãi hơn nhiều so với năm 2008. Thị trường chứng khoán hiện vẫn duy trì sự ổn định và có sự hấp dẫn hơn so với các kênh tiền gửi, trái phiếu. Mặt bằng lãi suất tiền gửi, lợi suất trái phiếu hiện nay đang không hấp dẫn, và không có lợi thế hẳn so với kênh đầu tư chứng khoán. Đây là khác biệt lớn so với năm 2008, điều này giúp dòng tiền vẫn có thể duy trì trong thị trường chứng khoán.
Sự khác biệt giữa năm 2007, 2008 với năm 2020 có thể nhìn thấy ở rất nhiều chỉ số vĩ mô, sự vận hành của nền kinh tế, của thị trường. Năm 2007 tăng trưởng tín dụng lên tới trên 50%, nhưng ngay sau đó nửa đầu năm 2008 Chính phủ lại phải thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát. Lạm phát năm 2007 lên tới 12,63%, và có những tháng năm 2008 chỉ số lạm phát yoy lên tới trên 20%. Năm 2008, chỉ riêng lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn lên tới 15%/năm, lãi suất cơ bản (để tham chiếu lãi suất cho vay) cũng đã 14%/năm, mặt bằng lãi suất huy động thực tế duy trì ở mức cao, lợi suất trái phiếu 2 năm và 5 năm nhiều thời điểm lên tới trên 20%.
Còn những năm gần đây, tăng trưởng tín dụng luôn được kiểm soát ở mức quanh 14%, các chỉ số vĩ mô khác như lạm phát, tỷ giá, mặt bằng lãi suất trong tầm kiểm soát và ở mức thấp. Thanh khoản hệ thống ngân hàng cũng ở trạng thái dồi dào. Bên cạnh đó, so với năm 2008, các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ năm 2020 thông qua gói giảm lãi vay, giãn nợ cho doanh nghiệp; giãn thuế, giảm tiền thuê đất; gói an sinh xã hội; gói giảm giá xăng dầu, giá điện... cũng đang được thực hiện kịp thời và đúng đối tượng hơn. Thậm chí, nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, chúng tôi cho rằng Chính phủ vẫn còn ít nhiều dư địa để thực hiện thêm các gói chính sách hỗ trợ nền kinh tế khi cần thiết.
Nhìn lại bối cảnh kinh tế, thị trường chứng khoán năm 2008, so sánh với 2020 hiện nay để nhận thấy thị trường chứng khoán năm nay sẽ diễn biến ổn định hơn nhiều, những cú sốc giảm do tin tức dịch bệnh, do giải chấp chỉ là những diễn biến trong ngắn hạn.
Sự ổn định hệ thống ngân hàng, của chỉ số vĩ mô, sức khỏe của các doanh nghiệp, và sự hấp dẫn về định giá của thị trường chứng khoán là cơ sở để tin rằng thị trường chứng khoán sẽ diễn biến ổn định trở lại và không còn giảm sốc như thời gian qua.
Diễn biến ngắn hạn của thị trường vẫn chịu tác động lớn của các kịch bản, thời gian kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là mặc dù bối cảnh vĩ mô năm 2020 về cơ bản ở trạng thái ổn định và tích cực hơn so với năm 2008 nhưng quy mô nợ lại đang ở mức lớn hơn nhiều, thể hiện qua tổng dư nợ tín dụng/GDP đã đạt 130% hay quy mô thị trường TPDN liên tục gia tăng trong 3 năm gần đây. Trên cơ sở đó, nếu dịch bệnh kéo dài, đây có thể sẽ là một trong những rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế cũng như TTCK trong năm 2020.
Một trong những rủi ro lớn nhất mà nền kinh tế phải đối mặt là rủi ro gia tăng nợ xấu. Theo đánh giá sơ bộ của NHNN thì dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng khoảng 2 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng.
Trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn và được kiểm soát trong quý II, tỷ lệ này sẽ ở mức gần 4% vào cuối quý II và 3,7% cuối năm 2020 và còn có thể cao hơn, dẫn tới ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD và khả năng phục hồi của các TCTD yếu kém.
BVSC cho biết, tính từ năm 2012 đến năm 2019, GDP đầu người của Việt Nam tăng từ 1.150 USD/người lên 2.760/người, tăng khoảng 2,5 lần, tuy nhiên tốc độ vay cá nhân trong dư nợ tín dụng lại tăng khá nhanh – tăng 6,2 lần (trong mẫu 20 ngân hàng, có tổng dư nợ chiếm khoảng 65% dư nợ các ngân hàng). Tỷ lệ dư nợ cho vay cá nhân của mẫu này đang cho thấy dư nợ cho vay cá nhân khá lớn, chiếm tỷ trọng trên 40% dư nợ tín dụng.
Có thể nhận thấy, tốc độ vay cá nhân tăng nhanh một mặt đã góp phần làm tăng hiệu quả cho các ngân hàng, nhưng trong bối cảnh rủi ro dịch bệnh (nếu kéo dài) lại tiềm ẩn rủi ro. Tuy nhiên, ở quy mô hiện nay có thể rủi ro này chưa cao, một phần do tỷ trọng cho vay cá nhân còn thấp và do tập quán tiết kiệm của các hộ gia đình trong nhiều năm nên lượng tài sản tích lũy còn lớn.
Bên cạnh đó là rủi ro từ trái phiếu doanh nghiệp. Trong năm 2017 giá trị trái phiếu doanh nghiệp được phát hành là 115 ngàn tỷ, 2018 là 224 ngàn tỷ và 2019 là 296,71 ngàn tỷ. Trái phiếu của các ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, năm 2019 là 41%, các ngành Bất động sản, Dịch vụ tiêu dùng, Công nghiệp... chiếm 59% giá trị trái phiếu còn lại.
Tính đến đầu tháng 4 năm 2020, giá trị trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành là 37,2 ngàn tỷ đồng, trong đó ngành Bất động sản, xây dựng tiếp tục chiếm tỷ trọng trên 35% tổng giá trị phát hành. Với việc giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành tăng mạnh trong 3 năm gần đây, rủi ro từ trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ xuất hiện trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt nếu rủi ro dịch bệnh kéo dài sẽ khiến đòi hỏi về lợi suất của trái phiếu doanh nghiệp sẽ tăng tạo thêm áp lực cho nhà phát hành.
Nhịp sống kinh tế
Sự kiện: Giảm đau kinh tế
Xem tất cả >>- Nhân lúc giá dầu "rẻ như cho", TQ đã quyết định làm điều này: Cao thủ không bằng... tranh thủ?
- "Lột xác" căn studio ngoạn mục chỉ với 45 triệu đồng sau 1 tuần
- Thỏa thuận 600 triệu USD rơi vào cảnh "ngàn cân treo sợi tóc" sau vụ đụng độ biên giới Trung - Ấn
- PVFCCo vượt qua nhiều thách thức giữ vững vị thế đầu ngành
- Doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng công nghệ số để duy trì hoạt động trong mùa dịch Covid-19