Cà phê trong cơn đại hạn
Nông dân trồng cà phê không chỉ khốn đốn vì mất mùa, mà còn vì mất giá...
- 15-04-2016Tây Nguyên mùa cà phê “đắng”
- 12-04-2016Chặt bỏ hàng chục ha cà phê vì hạn
- 09-04-2016Thủ phủ Tây Nguyên: Cà phê hóa củi
Hàng loạt vườn cà phê ở Tây Nguyên đã chết khô sau nhiều tháng hạn hán, khiến người dân phải chặt bỏ “dù đứt từng khúc ruột”, trong bối cảnh giá cà phê triền miên ở mức thấp đã nhiều năm.
Hiện trên nhiều rẫy cà phê ở các khu vực tâm hạn của Tây Nguyên - được đánh giá là nghiêm trọng nhất 20 năm qua - người dân đã buông xuôi mặc khối tài sản cả trăm triệu đồng chết khô vì không có nước tưới.
Một gốc cà phê cần 400-700 lít nước một lần tưới và cả mùa khô cần 4-6 lần tưới nhưng nhiều vườn từ đầu năm đến nay mới chỉ tưới 1-2 lần. Tại những vùng tâm hạn, có vườn còn chưa được tưới lần nào, khiến cây cà phê chết hàng loạt.
Sản lượng sẽ chỉ còn 1 triệu tấn
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), hiện sản xuất cà phê đang chịu ảnh hưởng nặng do hạn hán tồi tệ nhất suốt ba thập kỷ qua. Thiếu nước, khô hạn đe dọa trên 165.000ha (gần 30% tổng diện tích trồng cà phê ở Tây Nguyên), trong đó, 40.000ha bị chết.
“Bình thường Tây Nguyên đã thiếu nước nhưng tình trạng năm nay trầm trọng hơn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động xuất khẩu cà phê. Dự kiến năm 2016, Việt Nam chỉ có 1 triệu tấn cà phê nhân để xuất khẩu, giảm 25% so với 2015. Lượng tồn kho trong dân không còn nhiều như các nguồn thông tin nước ngoài đã đưa”, ông Nguyễn Nam Hải - Phó chủ tịch Vicofa, nhấn mạnh.
Cách đây 3 năm trở về trước, mỗi năm Việt Nam thu hoạch và xuất khẩu 1,5-1,6 triệu tấn cà phê. Nhưng từ 2 năm trở lại đây, do hạn hán và tình trạng nhiều vườn già cỗi đã khiến sản lượng cà phê của nước ta liên tục sụt giảm.
Tại hội thảo “Giải pháp khoa học - công nghệ chống hạn và phát triển bền vững cà phê, hồ tiêu, điều vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, các chuyên gia đều cho rằng, các cơ quan chức năng cần có những chủ trương và giải pháp về thủy lợi cho sản xuất nông nghiệp ở khu vực này.
Trước mắt, cần chủ động tăng cường các giải pháp phòng và chống hạn nhằm bảo vệ sản xuất, như tiến hành nạo vét các tuyến kênh dẫn, đắp đập tạm để giữ nước, lắp đặt trạm bơm dã chiến để bơm nước từ sông suối, đào và khoan giếng để khai thác nước ngầm...
TS. Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên cho rằng, các tỉnh Tây Nguyên thiếu nghiêm trọng các công trình thuỷ lợi thâm canh cây cà phê nên hàng năm đến mùa khô, diện tích cà phê bị khô hạn ngày càng tăng. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt như hiện nay, các địa phương trong vùng cần tiếp tục đầu tư xây dựng thêm các công trình thủy lợi để chủ động nguồn nước phục vụ thâm canh cây cà phê.
Giá bán vẫn bấp bênh
Nông dân trồng cà phê không chỉ khốn đốn vì mất mùa, mà còn vì mất giá. Cho dù 2 tháng qua, giá cà phê trên thị trường nội địa đã tăng trở lại, nhưng vẫn ở mức thấp xa so với kỳ vọng.
Theo các đại lý kinh doanh cà phê, giá cà phê các đại lý mua vào từ nông dân dao động 33-35 ngàn đồng/kg, tăng từ 4-4,5 ngàn đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 2/2016.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam cũng nhân dịp giá tăng, đẩy mạnh xuất khẩu cà phê sang các nước. Giá cà phê Robusta xuất khẩu giao tại cảng Tp.HCM hiện đã tăng 11 USD, lên 1.493 USD/tấn so với đầu tháng 4/2016.
Chuyên gia nhận định, giá cà phê thế giới và Việt Nam thời gian gần đây đang tăng là do thời tiết khô hạn. Thế nhưng giá chỉ tăng chút đỉnh còn thị trường thì vẫn bình bình, chưa thực sự tăng tốc.
Trên thị trường thế giới, giá 2 sàn kỳ hạn London và New York đang đi những bước khó chịu nhất, giữa một bên là kỹ thuật đang rất bấp bênh, một bên là các yếu tố cung cầu, đặc biệt thời tiết nóng hạn tại Tây Nguyên Việt Nam.
Đóng cửa phiên cuối tuần 15/4, giá London đứng tại 1.552, tức còn 5 USD nữa mới vượt ngưỡng bình quân di động 200 ngày vừa qua.
Một số nhà phân tích cho rằng, thị trường cà phê nói chung đang vững với các yếu tố sau: thời tiết khô hạn tại các vùng trồng cà phê robusta Việt Nam và Brazil, nhu cầu mua hàng của rang xay vẫn còn cho robusta dù họ đòi trả giá trừ lùi rẻ hơn hiện nay.
Ngay cả về kỹ thuật, hai sàn kỳ hạn vẫn có những yếu tố tích cực nhưng lý do chưa “bung” là do dân kinh doanh tài chính tin rằng giá dầu thô sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến giá cà phê nên cần đợi.
Thị trường thế giới đã nhận thông điệp mất mùa do hạn hán từ Việt Nam, nhưng giá cà phê trên thị trường thế giới vẫn chưa thực sự tăng mạnh, khiến cả nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê ở nước ta vô cùng ngán ngẩm.
Người ta vẫn còn hy vọng từ nay đến khi mùa mưa về (không biết lúc nào), giá trong phiên trên sàn sẽ dao động mạnh. Tuy nhiên, có thể hướng sẽ có tăng nhưng khó kỳ vọng tăng cao. Nếu thực sự đến cuối tháng 5/2016 không mưa, bấy giờ giá kỳ hạn mới lấy đà tăng mạnh.
Nếu cuối tháng 4 hay đầu tháng 5/2016 mùa mưa về, biến động giá sẽ bất lợi do thị trường phải chỉnh lại theo thực tế của thời tiết xảy ra. Có nghĩa là, nếu có mưa, nông dân trồng cà phê sẽ mừng cho cây cà phê hết khát, nhưng khi đó sẽ hết hy vọng giá cà phê tăng đột biến.
Vneconomy