Hàng ngàn nông dân lo trắng tay, vỡ nợ vì hạn hán
Nắng nóng kéo dài trong nhiều tháng đã khiến hàng ngàn nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên rơi vào cảnh trắng tay, vỡ nợ khi lúa và hoa màu bị chết cháy do hạn hán.
- 09-05-2016Khô hạn có thể kéo dài đến tháng 9
- 04-05-2016208.800 héc ta lúa chết vì hạn hán và ngập mặn
- 03-05-2016Toàn bộ hoa màu tại Cà Mau chết khô vì hạn hán
Những ngày đầu tháng 5-2016, đi dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh nối liền các tỉnh Tây Nguyên không khó để bắt gặp hình ảnh những người nông dân đang miệt mài tìm nước để cứu cây trồng trước sự bao vây của hạn hán. Tại địa bàn huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk - nơi bị thiệt hại nặng nề của đợt nắng nóng kéo dài trong lịch sử hơn 40 năm qua cho thấy, đã có hàng trăm người dân lâm vào cảnh trắng tay, vỡ nợ vì hạn hán.
Đang loay hoay bên miệng giếng đã khô cạn, lão nông Nguyễn Văn Hải (52 tuổi, trú xã Đắk Sin) chua xót cho biết, gia đình có hơn 2ha cà phê thì đến nay đã bị chết cháy hơn một nửa.
“Hơn nửa đời người gắn với cây cà phê nhưng chưa khi nào thấy tình trạng hạn hán kéo dài như thế này. Để cứu vườn cây, gia đình tôi đã phải vay mượn hơn 40 triệu đồng để đào giếng, thuê nước tưới nhưng bây giờ cũng đành bất lực vì không kiếm đâu ra nước. Với tình trạng này, chắc vài tuần nữa thôi là vườn cà phê cũng chết sạch. Rồi đây, gia đình tôi không biết lấy đâu ra tiền để mà trả nợ”, ông Hải cho hay.
Không riêng gì gia đình ông Hải mà ở cái xã Đắk Sin này đã có hàng trăm hộ dân cũng đang lâm vào tình cảnh nợ nần chồng chất. Bà Nguyễn Thị Hương (43 tuổi) có hơn 1ha cà phê đang bị chết dần từng ngày. “Đến nay, gia đình đã đầu tư hơn 30 triệu đồng để khoan giếng, thuê nước tưới cứu vườn cây nhưng giờ cũng đành đứng nhìn vườn cây chết dần vì không còn nước để tưới”, bà Hương tâm sự.
Tương tự, tại địa bàn huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, hàng nghìn hộ nông dân cũng đang lâm vào cảnh lo sốt vó vì hạn hán.
Ngồi trên cánh đồng ngô hơn 2 tháng tuổi của gia đình, ông Trần Văn Tuấn (45 tuổi, trú xã Nam Đà) lo lắng: “Những năm trước, ngô trồng được gần 2 tháng đã tươi tốt. Nhưng do năm nay thiếu nước tưới, lại nắng hạn gay gắt nên vườn ngô chỉ èo uột, không trổ bắp được. Gia đình đã đầu tư hàng chục triệu đồng xuống vườn ngô nhưng với đà này chắc chắn sẽ mất trắng”.
Còn ông Nguyễn Văn Long (44 tuổi) có hơn 2 ha đất trồng mía khẳng định năm nay người trồng mía chắc chắn thua lỗ. “Các năm trước giá mía nguyên liệu bấp bênh, đầu vụ giá mía mới nhích lên chút ít, nông dân chưa kịp mừng thì gặp đại hạn. Một số hộ kêu thương lái đến bán mía non, nhưng không ai mua vì cây mía èo uột, không đủ tiêu chuẩn trữ lượng đường. Tiền bạc của gia đình có bao nhiêu đã đầu tư vào rẫy mía, nhưng nay thì trắng tay”.
Theo tìm hiểu được biết, ở nhiều vùng nông thôn các tỉnh Tây Nguyên hiện nay, nhiều gia đình đã phải cho con em xuống TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai... để làm thuê kiếm sống, lấy tiền trả nợ cho gia đình.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, tính đến đầu tháng 5, toàn vùng đã có trên 100.000ha cây trồng thiếu nước tưới.
Trong khi đó, hầu hết các công trình thủy lợi trên địa bàn Tây Nguyên, mực nước chỉ còn 20-40%; trên 7.100ha cây trồng đã phải dừng sản xuất do thiếu nước. Còn theo dự báo từ Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Tây Nguyên, nắng hạn vẫn còn kéo dài đến hết tháng 5 và tháng 6, theo đó sẽ có khoảng gần 170.000ha cây trồng bị ảnh hưởng nặng do nắng hạn, theo đó sẽ có khoảng 200.000 hộ dân bị thiếu đói.
Trong chuyến công tác, thị sát tình hình hạn hán ở Tây Nguyên mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Đến tận nơi mới thấy hạn hán nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân. Nếu không có biện pháp lâu dài thì trong tương lai người dân sẽ chịu thiệt hại rất lớn”.
Trước tình hình trên, Thủ tướng chỉ đạo, các địa phương phải có biện pháp khắc phục, giảm thiểu tổn thất do hạn hán và không được để dân đói, khát, dịch bệnh xảy ra... Đồng thời yêu cầu hệ thống ngân hàng thực hiện giãn nợ, khoanh các khoản vay cho người dân tập trung chống hạn. Trước mắt, sẽ đồng ý cấp mỗi tỉnh 500 tấn gạo để cứu đói cho người dân vùng hạn nặng.
Công an nhân dân