Tây Nguyên mùa… khô khát
Đỉnh điểm nắng hạn Tây Nguyên khiến hàng vạn hécta cây trồng héo rũ và chết khô, hàng vạn người thiếu nước sinh hoạt và hàng trăm trâu, bò chết do nắng hạn. Người dân khắp nơi chạy đua tìm nước cứu cây trồng, vật nuôi và sinh hoạt.
- 14-04-2016Nắng hạn bò ăn rác, chết hàng trăm con
- 13-04-2016Giá nước sinh hoạt vùng ven biển tăng nhanh do nắng hạn
- 10-04-2016Giá thực phẩm “nóng” theo nắng hạn
Gia súc, gia cầm chết khát
Nắng tháng Tư bỏng rát, con đường chạy thẳng đi huyện biên giới Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk hắt mùi nhựa đường nồng nặc. Hai bên đường là những bãi đất hoang, đồng nứt nẻ, cây cối chuyển màu vàng cháy. Những con bò gầy, mắt lờ đờ đang nhấm nháp vài lá xanh còn sót lại ở khóm tre, liếm những cục đất khô và tìm thức ăn trong đống rác. Người dân Ea Súp đang chịu hậu quả nặng nề do hạn hán. Hàng trăm trâu, bò chết, các loại gia súc, gia cầm khác cũng dở sống dở chết vì thiếu thức ăn và nguồn nước.
Lùa đàn bò gầy trơ xương từ cánh đồng khô đi tìm suối nước, ông Phạm Bạo thôn 13, xã Ia R’vê chua xót: “Đàn bò nhà tôi có 120 con lớn nhỏ, mấy tháng nay trời không mưa, đồng khô cháy, cỏ không mọc được, bò đói ăn khát nước nên kiệt sức”. Ông Bạo mua 2 tấn gạo, 3 tấn mì và hàng chục xe rơm để cứu đói, nhưng bò vẫn lăn ra chết. Chỉ trong thời gian ngắn, đàn bò của gia đình ông chết hơn 30 con, thiệt hại khoảng 300 triệu đồng. “Sống gần hết đời người ở xã vùng biên này, giờ mới thấy hạn hán khốc liệt đến thế. Đồng hoang, cỏ cháy, khe suối cạn khô, đàn bò đi rong từ sáng đến chiều bụng vẫn lép kẹp. Bò gầy trơ xương, muốn bán thu hồi chút vốn nhưng chẳng ai mua!”.
Ông Đoàn Minh Thuận, phó chủ tịch UBND xã Ia R’vê cho biết một tháng rưỡi nay hệ thống sông suối, hồ thủy lợi trên địa bàn xã khô cạn. Trâu, bò của các hộ dân trong xã cứ thế lăn đùng ra chết. Gia cầm cũng ngắc ngoải. Người dân phải đi mua rơm giá cao, xay gạo thành bột hòa với nước muối cho bò ăn thêm để đủ sức cầm cự, nhiều con bò yếu phải tiêm thuốc bổ, vitamin C mà vẫn không trụ được.
Cùng chung cảnh ngộ trâu, bò lăn đùng ra chết đang khiến người dân ở xã Ia Lốp như ngồi trên lửa. Gia đình anh Trịnh Quốc Hoàn ở thôn Vùng, xã Ia Lốp có 13 con bò thì chết 4 con. Lúc sống bán giá trên chục triệu/con nay tiếc của xẻ thịt mang đi bán rao vớt vát thêm đồng nào hay đồng đó.
Ia R’vê và Ia Lốp là hai xã có nền nhiệt cao hơn nơi khác. Mùa khô đất đai bị hoang hóa như sa mạc, cây trồng chết khô, cỏ cũng không mọc nổi. Diện tích đất nông nghiệp chủ yếu sản xuất một vụ, đất trồng lúa ít nên thức ăn cho đàn gia súc càng trở nên khan hiếm.
Bò tìm ăn ở bãi rác.
Theo ông Nguyễn Đình Toản, phó chủ tịch UBND huyện, nguyên nhân khiến trâu bò chết là do nắng nóng, nguồn thức ăn, nước uống cạn kiệt. Đến thời điểm này toàn huyện đã có khoảng 200 con trâu, bò chết, trong đó xã Ia Lốp gần 90 con, Ia R’vê hơn 60 con. Ngày 14/4, UBND huyện triệu tập cuộc họp khẩn cấp để tìm cách cứu đàn gia súc còn lại. Huyện thống nhất phương án vận động người dân di cư đàn gia súc đến các vùng gần suối còn nước và có thức ăn chăn thả. Đối với gia đình có trâu, bò chết do hạn hán, huyện sẽ đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ để ổn định cuộc sống.
Cây và người héo khô
Suối Cầu Ri ở xã Cư Mốt, huyện Ea H’leo (tỉnh Đắk Lắk) cạn từ lâu, may mắn còn một vũng nước đọng lại giữa dòng. Không đành nhìn rẫy cà phê chết héo, anh Nguyễn Tấn Thành, thôn 1 mang cuốc, xẻng đào vũng nước sâu hơn rồi ngày mấy lần nổ máy bơm nước về rẫy. Mỗi lần tưới chỉ được hơn chục cây cà phê. Tốn nhiều công sức là thế, nhưng anh Thành vẫn thấy mình còn may mắn hơn nhiều người dân khác chỉ còn biết ngửa mặt kêu trời chứ không tìm ra nước tưới.
Tính đến giữa tháng Tư, tỉnh Đắk Lắk có 25.136 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, 42.365 ha cây trồng bị hạn, trong đó 6.148 ha mất trắng, chủ yếu là cà phê, thiệt hại về cây trồng ước tính trên ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn nước chống hạn ngày càng cạn kiệt. Hiện nước các hồ chứa đã cạn hoặc nằm dưới mực nước chết, trong đó 168 hồ kiệt khô. Các sông, suối đã có nhiều đoạn phơi đáy. Cây trồng khô héo, người dân phải lọc nước phèn, nước nhiều tạp chất từ khe suối, hồ đập hoặc mua nước giá cao về dùng, có khi cả trăm nghìn đồng mới mua được một khối nước.
Ông Lê Viết Thuận, Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông cho biết: đến nay tỉnh có 22.559 ha cây trồng bị hạn, trong đó 22.315 cây công nghiệp, 2.440 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, trong đó 550 hộ phải mua nước dùng hàng ngày. Từ cuối tháng Ba, vài huyện lác đác có mưa đỡ phần nào tình trạng hạn hán, tuy nhiên 2 huyện bị hạn nặng nhất là Krông Nô và Cư Jút vẫn chang chang nắng xối. Thời gian tới dự báo vẫn không mưa thì thiệt hại do hạn hán sẽ còn tăng lên.
Tìm nước cứu dân
Khu vực cung cấp nước tập trung ở đầu xã Ea Sin, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk bất kể sáng, trưa, chiều, tối luôn có hàng đoàn người kéo nhau đến lấy nước về sinh hoạt. Mang chiếc can nhựa 20 lít đi lấy nước, bà H’Nay Mlô, 45 tuổi ở buôn Cư Kanh nói: “Trước đây, tôi phải đi bộ hàng cây số đến suối, tới đập Ea Truôl gùi nước về cho cả gia đình dùng, giờ chỉ cần ra đầu xã lấy nước, chúng tôi mừng lắm”.
Đào sâu lòng suối mót nước.
Xã Ea Sin có 3 công trình nước sinh hoạt nhưng bị nhiễm phèn nặng nên hàng ngày người dân phải vào các khe, suối cách hàng cây số lấy nước. Từ lâu hệ thống suối trên địa bàn xã Ea Sin không còn nước, 4 hồ chứa thì 3 hồ khô cạn cả tháng nay. Vì thế, với người dân xã Ea Sin, công trình nước sinh hoạt từ núi Cư Tao đưa vào sử dụng như là cứu cánh giữa mùa đại hạn.
Ông Nguyễn Đức Lĩnh, bí thư Đảng ủy xã Ea Sin kể: 2 năm trước, một công trình giao thông liên xã múc đất trên đỉnh núi Cư Tao tạo thành ao nhỏ, có mạch nước ngầm chảy quanh năm, người dân gần khu vực vẫn thường xuyên đến lấy nước về sinh hoạt. Khoảng nửa tháng trước, ông Lĩnh cùng một số cán bộ xã lên tận nơi khảo sát, quả nhiên đây đúng là mạch nước ngầm có trữ lượng lớn đủ cứu thoát cho dân trong vùng.
Núi Cư Tao, cách trung tâm xã khoảng 1km, nếu đào sâu thêm thành giếng và dùng đường ống đưa nước từ đỉnh núi về sẽ tiết kiệm được chi phí vận hành. Lãnh đạo xã lên huyện trình bày ý tưởng, huyện nghe xong phê duyệt ngay, giao kinh phí cho lãnh đạo địa phương nhanh chóng thực hiện nhằm giải quyết cấp bách vấn đề khát nước sinh hoạt cho dân. Mang hơn trăm triệu về đào giếng sâu hơn 10m, kéo ống dẫn nước về, mua hai bồn nước loại 3.000 lít đặt ở đầu xã cấp thời cung cấp nước cho dân. Nguồn nước đảm bảo vệ sinh, quản lý tập trung và người dân không phải đi xa. Vấn đề giải quyết cơn khát cho dân trong cơn đại hạn coi như tạm ổn.
Ông Phạm Vũ Tuấn, trưởng phòng Dự báo Đài khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên nhận định, những trận mưa vừa qua là trái mùa, xảy ra ở diện hẹp, lượng mưa không lớn, không giải quyết được vấn đề hạn hán khốc liệt đang diễn ra ở Tây Nguyên. Dự báo mùa mưa năm nay đến muộn khoảng 10 - 15 ngày. Tình hình hạn hán còn kéo dài đến giữa tháng Năm.
Tiền phong