Cá tra Việt Nam đi đâu khi Mỹ đánh thuế cao nhất lịch sử?
Bộ Công Thương phối hợp với các bộ ngành, hiệp hội, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra, xem xét tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để khiếu kiện lên Tòa án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ trong thời gian sớm nhất.
- 23-03-2018Infographic: Mỹ áp thuế “khủng”, DN cá tra Việt lo mất thị trường
- 22-03-2018Tương lai ngành cá tra xuất khẩu đang nằm trong tay chính các doanh nghiệp
- 22-03-2018“Cơn bão” áp thuế của Mỹ nối dài khó khăn của doanh nghiệp cá tra Việt
Mới đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) biện pháp chống bán phá giá cá tra-basa của Việt Nam. Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra-basa của Việt Nam sẽ bị áp dụng mức thuế chống bán phá giá từ 2,39 Đô la Mỹ/kg - 7,74 Đô la Mỹ/kg.
Ảnh minh họa
Liên quan đến việc này, Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, DOC đã có những điều chỉnh thiếu cơ sở pháp lý khi áp dụng mức thuế suất được tính theo các yếu tố bất lợi có sẵn trở thành mức thuế trung bình cho các công ty có mức thuế suất riêng rẽ không được xem xét hồ sơ. Đồng thời, bỏ qua các quy định thông thường khi đưa ra quyết định trong kết quả cuối cùng.
Điều này thể hiện sự không công bằng, trái với các quy định về luật chống bán phá giá thông thường. Bên cạnh đó, mang tính áp đặt và vô lý đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là một việc chưa có tiền lệ, thể hiện sự áp đặt chủ quan thiếu cơ sở của DOC trong quá trình xem xét.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, Bộ Công Thương (đầu mối là Cục Phòng vệ thương mại) chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là các hiệp hội ngành hàng (VASEP, VINAPA) cùng cộng đồng doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra, xem xét tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để khiếu kiện lên Tòa án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (CIT) trong thời gian sớm nhất nhằm bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, tăng cường gặp gỡ song phương, đa phương để trao đổi, đàm pháp về tình hình thương mại hai chiều.
Để hạn chế những bất lợi trước mắt đối với thị trường Hoa Kỳ, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra cần chủ động củng cố, gia tăng và chuyển hướng xuất khẩu cá tra sang các thị trường khác như: Trung Quốc, Braxin, Mexico, Colombia, ASEAN…
Các doanh nghiệp cũng cần nâng cấp điều kiện sản xuất để nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng tốt các quy định của nhà nhập khẩu. Đồng thời, tìm mọi cách để giảm giá thành, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao tỷ trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng để tránh sản xuất, chế biến các sản phẩm cùng loại quá nhiều dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam vào Hoa Kỳ đã có dấu hiệu suy giảm từ 22,3% (năm 2016) xuống còn 19% trong (năm 2017). Dự báo sẽ tiếp tục bị suy giảm trong thời gian tới do tác động cộng hưởng của các bất lợi xảy ra trong cùng thời điểm hiện nay. Đó là thuế chống bán phá giá và chương trình thanh tra cá da trơn của Hoa Kỳ.
Trong tháng 1/2018, thị phần thủy sản của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, chiếm 6,8% về lượng và 6% về trị giá nhập khẩu thủy sản của Hoa Kỳ.
Với kết quả này, Việt Nam đã giảm 4 bậc từ thứ 3 xuống thứ 7 trong nhóm thị trường cung cấp thuỷ sản lớn nhất cho thị trường Hoa Kỳ.
Nguyên nhân chính là do lượng cá tra và tôm xuất khẩu tới thị trường này giảm. Trong khi Ấn Độ, Chi Lê, Indonesia là những thị trường vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong tháng 1/2018.
Bên cạnh đó, việc cá tra Việt Nam bị cáo buộc và chịu thuế chống bán phá giá cao cũng như chưa được công nhận tương đương sẽ tác động xấu đến thương hiệu, hình ảnh và uy tín của cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế. Điều này sẽ tạo tiền đề và hiệu ứng khiến các thị trường khác sẽ có những nghi ngại và đặt ra nhiều rào cản thương mại khi nhập khẩu cá tra của Việt Nam.
Cùng với đó, việc này cũng tác động đến tâm lý và làm thay đổi chiến lược sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khi không đáp ứng được các yêu cầu của thị trường Hoa Kỳ thì sẽ chuyển hướng sang các thị trường dễ tính hơn. Đồng thời trình độ tay nghề công nhân giảm sút khi chế biến các sản phẩm đơn giản cho các thị trường có giá xuất khẩu thấp hơn, chỉ quan tâm đến tăng sản lượng để bù lại giá trị gia tăng mang lại không nhiều.
Infonet