Ca tử vong đầu tiên trên thế giới vì cúm H3N8 được ghi nhận ở Trung Quốc
Một phụ nữ ở Trung Quốc vừa tử vong vì cúm H3N8, một dạng cúm gia cầm mà đến nay mới chỉ gây bệnh cho ba người, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết ngày 12/4.
- 01-03-2023Cúm gia cầm khiến gần 60 triệu con gà chết ở Mỹ nhưng tại sao Trung Quốc lại lao đao?
- 07-12-2022Tại sao chúng ta hay bị cảm lạnh hoặc cúm vào mùa đông? Các nhà khoa học vừa có câu trả lời
- 26-10-2021Trung Quốc báo động biến chủng virus cúm gia cầm gây tử vong cao
- 21-09-2021Kỷ lục tồi tệ chính thức bị xô đổ: Covid-19 trở thành đại dịch chết chóc nhất lịch sử nước Mỹ, vượt cúm Tây Ban Nha năm 1918
Tất cả ba ca nhiễm cúm H3N8 ở người đều được ghi nhận ở Trung Quốc.
Ca bệnh đầu tiên được báo cáo vào tháng 4/2022 và xảy ra ở một cậu bé 4 tuổi tại tỉnh Hà Nam. Bệnh nhân này có thể nhiễm virus từ gà, vịt nuôi trong nhà. Ca bệnh thứ hai xảy ra một tháng sau đó ở cậu bé 5 tuổi, sống tại tỉnh Hồ Nam. Bệnh nhân trước đó đã tới chợ buôn bán gia cầm, mặc dù không chạm trực tiếp vào gia cầm. Bệnh tình của ca bệnh đầu tiên trở nên nghiêm trọng và được đưa vào phòng chăm sóc y tế đặc biệt, trong khi cậu bé nhiễm cúm H3N8 thứ hai chỉ mắc cúm nhẹ. Cả hai cậu bé này đều đã hồi phục.
Ca mắc cúm H3N8 mới ghi nhận gần đây được phát hiện ở một phụ nữ 56 tuổi, sống tại tỉnh Quảng Đông. Người phụ nữ này xuất hiện triệu chứng cúm đầu tiên ngày 22/2. Bệnh nhân nhập viện vì viêm phổi nặng ngày 3/3 và tử vong ngày 16/3 vừa qua.
Theo WHO, người phụ nữ này có nhiều bệnh nền và phơi nhiễm với cúm gia cầm trước đó trong bối cảnh có các loài chim hoang dã sống gần nhà. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã thu thập mẫu tại nhà của bệnh nhân cũng như khu chợ gần đó và phát hiện các mẫu thu thập được dương tính với chủng cúm A, một chủng cúm gia cầm thuộc biến thể phụ H3N8.
Tính đến nay, vẫn chưa có bằng chứng về việc lây nhiễm cúm H3N8 từ người sang người.
WHO cho biết: “Thông tin dịch tễ học và virus học gợi ý rằng virus cúm gia cầm H3N8 không có khả năng lây truyền từ người sang người. Những đánh giá gần đây cũng cho thấy khả năng lây truyền từ người sang người là rất thấp. Mặc dù vậy, do virus luôn tiến hóa, điều quan trọng là phải tiếp tục theo dõi H3N8 để phát hiện những biến đổi có thể làm cho nó trở nên nguy hiểm hơn với sức khỏe con người”.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ, virus H3N8 được phát hiện đầu tiên ở các loài chim hoang dã vào những năm 1960 và được phát hiện ở các loài gia cầm tại Trung Quốc, cũng như ở một số loài động vật khác, trong đó có hải cẩu. Cho tới nay, chưa có ca mắc H3N8 ở người được phát hiện tại Mỹ và các nơi khác trên thế giới.
Tiền phong