Các Bộ “nghiện” kiểm tra, kiểm dịch rồi nên khó cai
TS Nguyễn Đình Cung ví con: “Các Bộ hiện nay đang “nghiện” kiểm tra, kiểm dịch vì việc này hấp dẫn lắm. Mà đã nghiện rồi thì khó cai” sau khi nghe đại diện DN "kể khổ".
-
Người dân, DN đóng góp nguồn tài chính cho các quỹ ngoài ngân sách gần như không biết chi tiết việc sử dụng, chi tiêu các quỹ ra sao
Văn phòng Chính phủ phối hợp với Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) và Tổ chức Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết 19/2016 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia vào sáng nay 18-5 tại Hà Nội.
Ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch - Tổng thư ký hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết theo Thông tư 32/TT-BCT và hiện nay đã sửa đổi thành Thông tư 37/TT-BCT, doanh nghiệp dệt may nhập vải về làm nguyên liệu sản xuất đều phải chịu phí 2,035 triệu đồng/lần giám định formaldehyt, bất kể là hàng hóa chỉ nhập từ vài nhà cung cấp quen thuộc ở nước ngoài.
Sau rất nhiều kiến nghị, Bộ Công Thương sửa đổi Thông tư 32, ban hành Thông tư 37 nhưng lại theo hướng gây khó khăn hơn khi yêu cầu kể cả lô hàng nhỏ, lẻ cũng phải giám định. Cho nên khi nhập chỉ 5 m vải mẫu, có giá trị 5-10USD/lô hàng cũng phải trả phí kiểm định 2,035 triệu đồng (tương đương 100 USD), tức là gấp 10 lần giá trị lô hàng.
Ông Nguyễn Sơn, Phó chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, cũng cho biết mỗi container bông nguyên liệu nhập khẩu đều phải kiểm dịch thực vật với chi phí 1 triệu đồng/mẫu, thời gian kéo dài khoảng 2,5 ngày. Nhiều khi doanh nghiệp phải chờ cả tuần mới có kết quả, làm phát sinh thêm chi phí kho bãi vì cảng chỉ miễn phí kho bãi trong 5 ngày. “Chúng tôi được biết năm ngoái, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có dự thảo quy định bông nhập về phải được kiểm tra nguy cơ dịch hại.
Quy định như hiện nay chúng tôi đã thấy sợ hãi, nếu áp dụng như dự thảo thì thực sự kinh hoàng” - ông Sơn nói. Với quy định hiện hành, số tiền doanh nghiệp phải trả cho kiểm dịch thực vật đối với bông nguyên liệu nhập về làm hàng xuất khẩu đã lên đến 17-18 tỉ đồng.
Trước phản ánh của doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cho rằng: “Các Bộ hiện nay đang “nghiện” kiểm tra, kiểm dịch vì việc này hấp dẫn lắm. Mà đã nghiện rồi thì khó cai”.
Từng giữ chức Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam, cho biết để cải thiện tình trạng này cần có quyết tâm rất lớn của người đứng đầu. “Khi còn làm Cục trưởng, tôi đả phá thói mời doanh nghiệp đến làm việc. Chuyên viên ngồi một bên, doanh nghiệp ngồi một bên, hết giờ mới ngồi đối diện với nhau như chợ vỡ ở cơ quan.
Tôi đã đề nghị Bộ trưởng phải làm ở cấp độ 4 là không cho chuyên viên tiếp xúc với doanh nghiệp. Không tổ chức hội thảo mà phải làm trực tuyến. Nhưng tôi biết họ vẫn có cách tiếp xúc bằng nhiều cách khác song nó cũng giảm đi. Còn nếu vẫn làm theo cách cũ thì không thể cai nghiện được” - ông Trung chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, vấn đề gây rào cản ở Việt Nam nằm ở các Bộ, nếu Bộ trưởng không thay đổi thì không giải quyết được. Cách quản lý không thân thiện đầy rẫy tiền kiểm, xin cho. Hy vọng với tinh thần quyết liệt cải cách của bộ máy Chính phủ mới, môi trường kinh doanh Việt Nam sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ trong thời gian tới.
Người Lao động