Các ngân hàng đồng loạt kêu khó xử lý nợ xấu
Theo các ngân hàng trên thực tế họ rất khó thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm do bên bảo đảm thường bất hợp tác, tìm cách tẩu tán tài sản hoặc chây ỳ, trì hoãn việc chuyển giao tài sản bảo đảm.
- 24-05-2017LS Trương Thanh Đức: Đa số nợ xấu đều có tài sản bảo đảm nhưng lại quá khó và chậm được xử lý để thu hồi
- 23-05-2017“Cần xử lý nợ xấu bằng hành động”
- 23-05-2017Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 2/2017 là 2,56%
- 23-05-2017Điểm nghẽn xử lý nợ xấu chính là tài sản đảm bảo
-
Trước mắt là cứu doanh nghiệp đã. Cứu được doanh nghiệp là đảm bảo được ổn định kinh tế
-
Hai năm tới Đà Nẵng sẽ bị âm nguồn thu
Hàng loạt ngân hàng kêu khó thu giữ tài sản đảm bảo
Theo VPBank, đại diện ngân hàng này cho biết hiện nay, với sự quá tải của hệ thống Tòa án đối với các hồ sơ khởi kiện thu hồi nợ của các TCTD thì một trong những biện pháp mạnh và hiệu quả đã được pháp luật trao cho các TCTD để thu hồi và xử lý nợ xấu là quyền được tổ chức thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ theo quy định tại Khoản 1 Điều 63 của Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm (đã được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012) với điều kiện là việc thu giữ tài sản bảo đảm này phải được tuân thủ đúng và đầy đủ quy định về việc thông báo trước cho chủ tài sản, UBND và Cơ quan Công an tại địa phương trước khi tiến hành việc thu giữ tài sản bảo đảm.
Tuy nhiên, hiện nay công tác tổ chức thu giữ tài sản bảo đảm của các TCTD hầu như không tự thực hiện được trên thực tế bởi có xung đột pháp luật do quyền thu giữ này chỉ được quy định tại một Nghị định của Chính phủ, trong khi đó lại vướng phải nhiều quy định khác về quyền sở hữu tài sản, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, quyền lợi của người tiêu dùng, hình thức và nội dung hợp đồng, thủ tục hành chính, trách nhiệm liên quan đến tài sản và giao dịch,… được quy định trong Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Công chứng,…
Trong thực tế, khi TCTD tiến hành việc thu giữ tài sản bảo đảm thì chủ tài sản, khách hàng thường chống đối rất quyết liệt, mà nếu không được sự hỗ trợ, phối hợp của Cơ quan Công an và chính quyền địa phương nơi có tài sản bảo đảm thì việc thu giữ hầu như không thực hiện được, chưa kể nếu tiến hành không chặt chẽ về thủ tục, khéo léo trong quá trình thu giữ thì nguy cơ có thể bị khép vào tội xâm phạm chỗ ở của công dân, cưỡng đoạt tài sản. Trong khi đó, việc đề nghị đại diện UBND và Công an phường, xã nơi có tài sản tham gia hỗ trợ công tác này gặp nhiều khó khăn bởi chưa nắm và hiểu rõ về quy định pháp luật của một số cán bộ công chức tại các cơ quan này.
Mặt khác, theo quy định thì cơ quan Công an chỉ có trách nhiệm giữ gìn an ninh, trật tự mà không có biện pháp hoặc chế tài để xử lý nếu bên giữ tài sản bảo đảm bất hợp tác, chây ỳ, trì hoãn không chuyển giao tài sản bảo đảm. Vì vậy, trên thực tế TCTD rất khó thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm do bên bảo đảm thường bất hợp tác, tìm cách tẩu tán tài sản hoặc chây ỳ, trì hoãn việc chuyển giao tài sản bảo đảm.
Thậm chí đến nay, theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017), thì Bộ luật dân sự dường như đã không quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý của TCTD mà theo đó TCTD chỉ còn cách tiến hành việc khởi kiện để xử lý tài sản bảo đảm thông qua con đường thi hành án. Điều này sẽ làm cho quá trình xử lý tài sản của TCTD bị kéo dài, thêm khó khăn và dung túng cho tâm lý “bội tín” của một bộ phận không nhỏ khách hàng.
Ngân hàng SHB cũng chỉ ra thực tế tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm là bất động sản mặc dù TCTD đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục, thông báo về xử lý tài sản bảo đảm theo quy định nhưng bên bảo đảm không hợp tác, cố tình chống đối (không di chuyển ra khỏi tài sản, không ký biên bản thu giữ tài sản, sử dụng người già, trẻ em, người có công với cách mạng …cố tình chiếm giữ tài sản bảo đảm thì TCTD không thể tiến hành thu giữ được tài sản bảo đảm trong trường hợp này. Giải pháp cuối cùng ở đây là TCTD phải nộp hồ sơ khởi kiện ra Tòa án và theo đuổi tiến trình tố tụng rất dài, tốn kém nhiều thời gian, chi phí để có thể xử lý được tài sản bảo đảm thu hồi nợ.
Bên cạnh đó, thực tiễn xử lý quyền đòi nợ của bên thế chấp thường nổi lên những khó khăn, vướng mắc như: Bên thế chấp, bên có nghĩa vụ nợ từ chối gặp bên nhận thế chấp quyền đòi nợ, từ chối cung cấp các tài liệu liên quan đến việc xác định công nợ đã thế chấp, số tiền đã thanh toán và số tiền còn phải thanh toán... Điều này gây rất nhiều khó khăn cho bên nhận thế chấp. Nếu không xác định được công nợ của bên thế chấp và bên có nghĩa vụ trả nợ thì ngay cả khi Tòa án tuyên bên nhận thế chấp được quyền xử lý quyền đòi nợ theo hợp đồng thế chấp vẫn không thu hồi được nợ.
Ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank chia sẻ, có tài sản nhưng để thu hồi được phải trên 7 năm, ngay cả sau khi có quyết định của tòa án thì thời gian thi hành án cũng lâu như một công ty ở Bình Dương phải 4 năm nay chưa thực hiện thi hành án. Có trường hợp khách hàng ở Nhà Trang vay hơn 1.000 tỷ đồng và giữ tài sản đảm bảo để cho thuê mỗi năm thu từ 70 – 100 tỷ đồng nhưng chây ì không chịu trả lại cho ngân hàng. Còn ngân hàng nộp đơn lên toà và đợi 18 tháng mới có phiên hoà giải đầu tiên.
“Khách hàng chây ì không chịu trả tài sản đảm bảo hơn 3 năm rồi, trong khi tài sản thì bị khấu hao, còn ngân hàng tìm được khách hàng mua lại tài sản đảm bảo nhưng không xử lý được. Với tình hình này, 5 năm nữa không biết ngân hàng có thu được 50% giá trị khoản vay hay không”, ông Thành cho hay.
Đại diện Techcombank cũng trần tình câu chuyện trong tháng 10/2016, ngân hàng đã tiến hành thu giữ 1 tài sản đảm bảo tại Hà Nội, đây là tài sản đảm bảo của khách hàng đã có nợ quá hạn hơn 2.000 ngày. Mặc dù NH đã làm đầy đủ các thủ tục để thu giữ tài sản đảm bảo (bao gồm cả việc gửi văn bản đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ) nhưng khi tiến hành thực hiện thu giữ, TCTD đã vấp phải sự chống đối quyết liệt từ chủ tài sản. Ngay cả khi tài sản đã thu giữ thành công, bán đấu giá thành công, hợp đồng đấu giá đã công chứng nhưng cơ quan chức năng thuộc UBND quận, huyện lại chủ trương không đồng ý tiến hành thủ tục sang tên cho người trúng đấu giá… Cá biệt, có không ít trường hợp đấu giá từ 2013 nhưng đến nay tài sản vẫn chưa được sang tên cho bên trúng giá.
Ngân hàng kiến nghị cần ưu tiên bảo vệ quyền lợi của chủ nợ thay vì con nợ
Các ngân hàng đều kiến nghị quan điểm xây dựng và thực thi pháp luật hiện nay cần phải được thay đổi, đó là phải ưu tiên trước hết bảo vệ quyền lợi của chủ nợ thay vì con nợ, tức bảo vệ quyền sở hữu trọn vẹn là đồng tiền cho vay, thay vì bảo vệ quyền sở hữu hạn chế là đồng tiền đi vay hay tài sản đã đưa vào bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ. Điều này cần phải được cụ thể hoá trong các quy định liên quan đến giao dịch bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm.
Về mặt xây dựng pháp luật, TCTD kiến nghị xây dựng các quy định pháp luật quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan thực thi pháp luật trong việc phối hợp thu giữ tài sản bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm; áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ việc liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm; Tòa án không được từ chối thụ lý vụ án không có lý do chính đáng; Bảo vệ giao dịch dân sự ngay tình trong trường hợp Hợp đồng bảo đảm giữa khách hàng và TCTD là giao dịch hợp pháp.
Các cơ quan chính quyền địa phương và cơ quan công an cần tăng cường phối hợp, hỗ trợ các ngân hàng thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm để thu nợ. Các cơ quan cần phải coi công việc này là trách nhiệm và nhiệm vụ của mình khi nhận được đề nghị của ngân hàng.
Tòa án nhân dân tối cao cần có văn bản chỉ đạo Tòa án nhân dân cấp địa phương (đặc biệt là tòa án nhân dân cấp quận, huyện, thị xã…) sớm giải quyết các vụ án liên quan đến hoạt động ngân hàng, tín dụng phù hợp với quy định về thủ tục tố tụng và quy định có liên quan khác sau khi thụ lý vụ án...
Không loại trừ trách nhiệm hình sự các cá nhân sai phạm, gây ra nợ xấu
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, trong giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế 2016 - 2020 có 5 mục tiêu, trong đó có mục tiêu đẩy mạnh tái cấu trúc ngành ngân hàng mà căn cơ chính là xử lý nợ xấu. Để làm được điều này, điều kiện tiên quyết là phải tháo gỡ được những rào cản trong xử lý tài sản đảm bảo, đồng thời, đòi hỏi phải hình thành thị trường mua - bán nợ.
Ông Kiên cho rằng trong bối cảnh này, chúng ta buộc phải có những quyết định rất đặc thù. Do đó việc xây dựng một Nghị quyết về vấn đề nợ xấu là điều cấp bách. Nghị quyết dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 và kết thúc vào 1/7/2022, tùy theo Quốc hội quyết định.
Theo ông Kiên, điểm chú ý trong dự thảo Nghị quyết này là không phân biệt nợ xấu của ngân hàng nhà nước hay ngân hàng cổ phần. Nghị quyết này chỉ xử lý số nợ xấu đến ngày 31/12/2016. Với các khoản nợ xấu hình thành từ ngày 1/1/2017, các tổ chức tín dụng phải thực hiện theo Luật các tổ chức tín dụng hiện hành, và cần thiết sẽ phải sửa đổi một số điều trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng mà Quốc hội sẽ xem xét bỏ phiếu thông qua vào kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV.
Quan điểm khi xây dựng Nghị quyết là không dùng tiền ngân sách để xử lý nợ; không trái Hiến pháp. Nghị quyết không kéo dài tránh tình trạng ỷ lại ở các TCTD; tinh thần Nghị quyết là đảm bảo theo nguyên tắc thị trường, giá cả bán có cao, thấp. Đặc biệt, không loại trừ trách nhiệm hình sự các cá nhân sai phạm, gây ra nợ xấu.
TS. Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Trung ương (Ciem) cho rằng, việc thông qua một Nghị quyết về xử lý nợ xấu không phải là sự ưu ái cho ngành ngân hàng mà sự cần thiết cho cả nền kinh tế. Vấn đề nguyên tắc ở đây là quyền hạn, cách làm quyết liệt hơn đi đôi với giải trình, giám sát minh bạch. Và điều nữa là những người gây ra tội phải chịu trách nhiệm trước pháp luật một cách tường minh chứ không có sự bao che hay dung túng bất kì ai. Cũng vì lẽ đó nên có cơ chế khuyến khích như một chất xúc tác để các ngân hàng xử lý nhanh nợ xấu, đảm bảo lành mạnh hóa hoạt động trong giai đoạn 2 tái cấu trúc ngân hàng, dần áp dụng thông lệ chuẩn mực quốc tế.