MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ảnh hưởng của Covid-19, nợ xấu ngân hàng Trung Quốc có thể tăng vọt gấp hơn 3 lần, cao nhất trong 2 thập kỷ

13-02-2020 - 14:51 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo S&P Global Ratings, một cuộc khủng hoảng kéo dài trong đó các nhà máy và cửa hàng không thể kinh doanh sẽ khiến cho các khoản nợ xấu của các ngân hàng tại Trung Quốc tăng thêm 5,6 nghìn tỷ nhân dân tệ, tỷ lệ nợ xấu trên toàn hệ thống có thể tăng từ dưới 2% vào cuối năm ngoái lên 6,3%, một con số chưa từng thấy trong suốt 2 thập kỷ qua.

Một doanh nhân Trung Quốc dự tính rằng anh sẽ không thể trả được khoản vay trị giá 718.000 USD vào tháng 6 tới nếu sự bùng phát của virusCovid-19 tiếp tục khiến các nhà máy giày của anh đóng cửa lâu hơn nữa. 

Nếu tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu này vẫn còn tiếp diễn, những doanh nghiệp nhỏ tại Trung Quốc khó có thể chi trả cho các khoản nợ của mình. Điều này sẽ gây ra rắc rối lớn cho các ngân hàng của nước này. Theo S&P Global Ratings, một cuộc khủng hoảng kéo dài trong đó các nhà máy và cửa hàng không thể kinh doanh sẽ khiến cho các khoản nợ xấu tăng thêm 5,6 nghìn tỷ nhân dân tệ, tỷ lệ nợ xấu trên toàn hệ thống có thể tăng từ dưới 2% vào cuối năm ngoái lên 6,3% trên tổng tài sản, một con số chưa từng thấy trong suốt 2 thập kỷ qua.

Trước tình hình đó, các cơ quan quản lý tài chính đã buộc phải tạm dừng các chiến lược cải cách ngành và yêu cầu các ngân hàng gia hạn các khoản vay đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng và trì hoãn việc hình thành nợ xấu.

"Điều tôi cần nhất bây giờ là khoản vay của mình được gia hạn thêm một năm nữa. Điều đó sẽ quyết định đến sự sống còn của nhà máy của tôi," một chủ doanh nghiệp tại Tấn Giang, Trung Quốc cho biết. "Tôi không nghĩ rằng các ngân hàng sẽ chấp nhận các điều khoản của chúng tôi, vì họ đang phải chịu áp lực rất lớn trong việc giảm tỷ lệ nợ xấu."

Các ngân hàng tại Trung Quốc đang trong tình trạng thực sự khó khăn. Một thập kỷ tăng trưởng tín dụng quá mức đã khiến cho các ngân hàng tại Trung Quốc phải gánh chịu một lượng lớn những khoản nợ xấu. Tăng trưởng kinh tế năm 2019 đạt mức thấp nhất trong suốt 29 năm qua cùng với cuộc chiến tranh thương mại cũng đã gây thêm nhiều áp lực cho các ngân hàng.

Sự bùng phát của virus Covid-19 bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán vào tháng 12 năm ngoái đã gây ra mối đe dọa mới cho nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng tín dụng ngân hàng để sản xuất kinh doanh. Một khu kiểm dịch chính thức bao gồm ít nhất 40 triệu người ở tỉnh Hồ Bắc hiện vẫn còn hoạt động, dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa. Nhưng bên ngoài khu vực đó, hàng chục triệu người khác trên khắp Trung Quốc cũng phải chịu các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt khiến cuộc sống hàng ngày của họ bị đảo lộn.

Theo dự báo của ngân hàng ANZ, tình hình dịch bệnh có thể đánh bật hơn 2 điểm phần trăm khỏi tốc độ tăng trưởng của tổng sản phẩm quốc nội trong 3 tháng đầu năm tại Trung Quốc xuống mức thấp là 3,2%, khiến nhiều công ty không thể trả được nợ.

Nhiều ngân hàng lớn đã thực hiện điều chỉnh lãi suất cho vay ở mức thấp nhưng giá cổ phiếu của họ đã bị ảnh hưởng sau sự bùng phát của virus. Cổ phiếu giao dịch tại Hồng Kông của Ngân hàng Công thương Trung Quốc và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, hai trong số những ngân hàng lớn nhất của nước này, đã giảm khoảng 10% trong 10 ngày sau thông báo của chính phủ vào ngày 20/1 rằng virus Covid-19 đang lây lan ở mức báo động.

Các ngân hàng nhỏ còn gặp nhiều khó khăn hơn thế, tỷ lệ nợ xấu đã vượt quá 40% trong tổng dư nợ cho vay. Cuối năm 2019, Ngân hàng Baoshang và Ngân hàng Hengfeng đã yêu cầu các gói cứu trợ của chính phủ hoặc các hình thức can thiệp khác để ngăn chặn rủi ro hệ thống lan rộng. Theo Morgan Stanley, Ngân hàng Thương mại Nông thôn Trùng Khánh, có trụ sở tại một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự bùng phát virus, sẽ chịu áp lực lớn nhất đối với biên lãi ròng trong số các ngân hàng Trung Quốc niêm yết. Bởi lẽ khách hàng vay vốn tại ngân hàng này chủ yếu là các công ty vừa và nhỏ dự kiến ​​sẽ phải vật lộn để tồn tại trước tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường.

Nợ xấu tăng mạnh sẽ làm các ngân hàng suy yếu. Theo S&P, các khoản dự phòng rủi ro - vốn được dự trữ để trang trải nợ xấu - sẽ giảm xuống mức rất thấp khoảng 55%, từ mức 188%. Điều đó sẽ làm giảm tỷ lệ an toàn vốn cấp một của các ngân hàng xuống khoảng 3,8%, làm cạn kiệt nguồn vốn mà họ có trong tay để chống lại khủng hoảng.

Cuộc khủng hoảng đã làm chậm, thậm chí là đảo lộn việc tiến hành một số cải cách của ngành ngân hàng trong thời gian gần đây. Nó có khả năng làm phát sinh một số khoản cho vay ngoại bảng rủi ro và tích lũy thêm nợ xấu. Ủy ban điều tiết ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc cho biết, họ sẽ gia hạn thời hạn cuối năm 2020 đối với các quy tắc quản lý tài sản mới nhằm hạn chế cho vay có rủi ro.

Ngân hàng nhân dân Trung Quốc đang kêu gọi các ngân hàng gia hạn các khoản vay cho các doanh nghiệp gặp khó khăn. Nhưng theo Moody's, điều này sẽ gây ra "sự chậm trễ trong việc ghi nhận nợ xấu" - một xu hướng có khả năng tạo ra gánh nặng nợ xấu của Trung Quốc vào cuối năm 2020 hoặc năm 2021.

Tham khảo Financial Times

Ảnh hưởng của Covid-19, nợ xấu ngân hàng Trung Quốc có thể tăng vọt gấp hơn 3 lần, cao nhất trong 2 thập kỷ - Ảnh 2.

Thái Cẩm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên