Các nhà khoa học phát hiện ra: Trong quả bơ có một "mỏ vàng" nhưng hầu như ai cũng bỏ đi
Nghiên cứu cho thấy, Heptacosane là một hợp chất quan trọng trong vỏ hạt bơ, có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của các khối u ác tính và mỡ tích lũy trong động mạch.
Màng vỏ hạt bơ đang bị bỏ phí?
Các nhà khoa học tại Đại học Texas, Hoa Kỳ đã phát hiện ra các hợp chất bảo vệ quan trọng có trong vỏ của hạt bơ . Những hợp chất này có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của các khối u ác tính và mỡ tích luỹ trong động mạch. Do đó, phát hiện này mở ra kỷ nguyên mới cho việc điều trị ung thư, tim mạch và các căn bệnh khác từ vỏ hạt bơ.
Đã có rất nhiều các nghiên cứu chỉ ra lợi ích sức khỏe từ quả bơ như tác dụng chống lão hóa, ngăn chặn ung thư phát triển. Nhưng nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng con người đang vứt bỏ đi phần quan trọng nhất của quả bơ. Đó chính là vỏ hạt bơ, hay các nhà khoa học gọi là "mỏ vàng" mới phát hiện vì chúng chữa nhiều dưỡng chất bảo vệ mạnh mẽ.
Khám phá này giúp cải thiện quá trình điều trị ung thư, bệnh tim mạch và các căn bệnh khác. Các nhà khoa học cho biết: "Chúng ta giống như vừa mới tìm thấy "kho báu từ bãi rác" vì ai cũng vứt đi phần quan trọng này. Ngoài có tác dụng điều trị bệnh, chúng còn có thể được sử dụng trong công nghiệp mỹ phẩm, nước hoa và các hàng hóa khác".
Các chuyên gia tin rằng phát hiện này có thể giúp tạo ra các sản phẩm thuốc điều trị, mỹ phẩm từ vỏ hạt bơ thay vì sử dụng phần thịt hoặc hạt như trước đây.
Nhiều hợp chất có tác dụng điều trị bệnh ung thư và tim mạch được tìm thấy trong vỏ hạt bơ
Tiến sĩ Debasish Bandyopadhyay từ Đại học Texas Rio Grande Valley, Hoa Kỳ cho biết: "Nhiều người cho rằng vỏ hạt bơ chẳng có tác dụng gì, do đó các bà nội trợ thường vứt nó đi. Nhưng họ đâu biết rằng tinh túy nhất của quả bơ lại nằm trong bộ phận này. Các hợp chất quý trong vỏ hạt bơ vừa giúp ngăn ngừa khối u phát triển vừa giúp điều trị các vấn đề về tim mạch".
Chiết xuất tinh dầu và sáp từ vỏ hạt bơ
Gần 5 triệu tấn bơ được tiêu thụ mỗi năm trên thế giới. Hầu hết các bà nội trợ chỉ giữ lại phần thịt để ăn, còn hạt bơ thì vứt đi. Một vài nhà sản xuất tinh dầu đã chiết xuất dầu từ hạt bơ. Tuy nhiên, họ loại bỏ phần màng vỏ hạt bơ trước khi được đưa vào sản xuất.
Tiến sĩ Bandyopadhyay và các sinh viên đã sử dụng khoảng 300 vỏ hạt bơ khô để tạo nên khoảng 600 gam bột vỏ hạt bơ. Sau đó, họ tiếp tục sản xuất khoảng 3 muỗng tinh dầu vỏ hạt bơ và khoảng 30 gam sáp vỏ hạt bơ.
Trong phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy 116 hợp chất có trong dầu và 16 hợp chất có trong sáp. Nhiều hợp chất trong số chúng thậm chí không được tìm thấy trong hạt bơ.
Những thành phần chính tìm thấy trong vỏ hạt bơ
Hợp chất quan trọng nhất trong vỏ hạt bơ là heptacosane, giúp ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư
Theo nhóm nghiên cứu, một trong những hợp chất quan trọng nhất trong vỏ hạt bơ là heptacosane, giúp ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư.
Ngoài ra, vỏ hạt bơ còn chứa a-xít dodecanoic, giúp gia tăng lượng HDL (high density lipoprotein hay lipoprotein tỷ trọng cao) giúp giảm nguy cơ xơ vữa động mạch. Bệnh này do sự tích luỹ của mỡ trong động mạch dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như đau tim và đột quỵ.
Nhóm còn tìm ra behenyl alcohol hay còn gọi là docosanol, một thành phần quan trọng được sử dụng trong thuốc kháng vi-rút và bệnh nhiễm vi-rút Herpes (herpes simplex virus type 1 (HSV-1).
Trong sáp vỏ hạt bơ, các nhà khoa học còn tìm ra một số các hợp chất quan trọng khác như là butylated hydroxytoluene (BHT), một phụ gia thực phẩm chống ô-xi hóa và là chất bảo quản mỹ phẩm.
Tiến sĩ Bandyopadhyay và cộng sự cho biết thêm rằng họ sẽ chỉnh sửa một vài hợp chất tự nhiên trong vỏ hạt bơ để tạo ra các hợp chất có tác dụng chữa trị bệnh tốt hơn và ít tác dụng phụ hơn.
Kết quả nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị quốc gia của Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ (National Meeting of the American Chemical Society) tại Washington, DC, Hoa Kỳ.
*Theo Dailymail
Trí thức trẻ