Mua du thuyền, máy bay riêng, biệt thự bằng tiền đi vay - Cách giới siêu giàu 'vung tiền' cho những thú vui xa xỉ và né thuế
Lãi suất thấp kỷ lục đã thúc đẩy hoạt động vay nợ lên mức cao chưa từng thấy và ngay cả các tỷ phú sở hữu số tiền "ngập" cả 1 bể bơi cũng không ở ngoài cuộc.
- 27-07-2021"Không ai muốn trở thành Jack Ma tiếp theo": Mô hình Big Tech của Trung Quốc khác gì so với Mỹ?
- 27-07-2021Chứng khoán Trung Quốc bị bán tháo không ngừng nghỉ trong 3 ngày, cả thị trường 'nhuốm đỏ'
Tỷ phú quản lý quỹ phòng hộ Alan Howard đã chi 59 triệu USD cho một ngôi nhà ở Manhattan vào tháng 3. Chỉ 2 tháng sau đó, ông nhận được một khoản thế chấp 30 triệu USD từ Citigroup.
Denis Sverdlo - sở hữu khối tài sản 6,1 tỷ USD hầu hết đến từ cổ phần của nhà sản xuất xe điện Arrival, gần đây đã thế chấp số cổ phần để đi vay ngân hàng. Đối với Edgar và Clarissa Bronfman, họ thế chấp những bức họa của Damien Hirst và Diego Rivera. Trong khi đó, Philippe Laffont cầm cố cổ phần trong hơn 10 quỹ của Coatue Management để nhận khoản vay từ JPMorgan.
Trong lĩnh vực tài chính cá nhân, nợ được coi là một vấn đề không mấy tích cực và bạn cần phải giữ khoản vay đó ở mức tối thiểu. Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất thấp kỷ lục và nhiều loại tài sản tăng giá, thì đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với giới tỷ phú và mảng kinh doanh "hot" nhất của mảng ngân hàng tư nhân.
Nhờ những người như Bronfmans, Howard và Sverdlovs, giá trị các khoản vay mà các ngân hàng đầu tư lớn nhất nước Mỹ cung cấp cho khách hàng giàu có đã tăng vọt, chủ yếu là nợ được đảm bảo bằng tài sản.
Quý trước, giá trị các khoản vay được thế chấp bằng chứng khoán của Morgan Stanley đạt con số 76 tỷ USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. Bank of America cũng ghi nhận 67 tỷ USD khoản vay tương tự, tăng hơn 20% so với 1 năm trước, trong khi Citigroup tăng 17% và JPMorgan tăng 21%, UBS tăng 4 tỷ USD.
Robert Weeber - CEO của công ty quản lý tài sản Tiedemann Constantia, cho biết: "Đây thực sự là mảng kinh doanh thắng lớn đối với các ngân hàng." Ông nói thêm, các khách hàng của ông gần đây đã nhận được nhiều cơ hội để thực hiện những khoản vay thế chấp bằng bất động sản, danh mục đầu tư chứng khoán và thậm chí là sở hữu cổ phiếu riêng lẻ.
Khi giá trị các loại tài sản đều tăng lên mức cao trong lịch sử, cổ đông của các doanh nghiệp đều không muốn rút tiền và bỏ lỡ những đợt tăng giá. Nhà đồng sáng lập của Appian Corp. - Matthew Calkins, đã cam kết một phần trong số cổ phần trị giá 3,5 tỷ USD để đi vay, trong bối cảnh cổ phiếu công ty phần mềm tăng 145% trong năm qua.
Theo các nhà quản lý tài sản, du thuyền và máy bay riêng là những thứ được giới siêu giàu mua nhiều nhất trong năm vừa qua. Một trong số họ cho biết những phương tiện này được mua để phục vụ mục đích giãn cách xã hội.
Không chỉ dừng lại ở việc chi tiêu cho những thứ xa xỉ, các khoản vay cũng giúp giới siêu giàu "né" thuế. Thay vì phải bán tài sản và phải nộp thuế tài sản, họ sẽ dùng số đó để thế chấp khi đi vay. Chuck Collins - giám đốc Chương trình về Bất bình đẳng và Tài sản chung tại Viện nghiên cứu Chính sách Mỹ, cho biết: "Các khoản vay đảm bảo bằng tài sản là một trong những công cụ chính mà giới siêu giàu đang sử dụng để giảm bớt nghĩa vụ thuế."
Ngoài cầm cố cổ phiếu là chiến thuật phổ biến nhất, khách hàng giàu có cũng thường sử dụng những loại tài sản giá trị lớn hơn như biệt thự, máy bay, đồ sưu tầm như đồng hồ và xe cổ.
Một lợi thế lớn đối với việc đi vay của giới nhà giàu ở thời điểm hiện tại là khả năng lãi suất sẽ tăng cao và họ đang được hưởng chi phí đi vay thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Một số ngân hàng tư nhân cung cấp các khoản thế chấp nhà trong 20 năm với lãi suất cố định thấp nhất là 1% trong khoảng thời gian đó.
Trong khi đó, khoản nợ được đảm bảo bằng chứng khoán cũng đi kèm với rủi ro cho các ngân hàng và cả người đi vay. Nếu giá trị tài sản sụt giảm, người đi vay có thể không đáp ứng được yêu cầu margin call. Ngân hàng có thể tạo mối quan hệ thân thiết với những khách hàng giàu có nhất, nhưng tình thế khó xử sẽ diễn ra nếu khoản vay không được giải quyết.
Lấy ví dụ về trường hợp của JPMorgan khi cho WeWork vay 500 triệu USD bằng khoản thế chấp bằng cổ phần của nhà sáng lập Adam Neumann. Khi startup này "vỡ trận", SoftBank đã phải "ra mặt" để hoàn trả các khoản nợ cho ngân hàng.
Tuy nhiên, đối với các ngân hàng, mối rủi ro đó lại đáng để họ chấp nhận. Ví dụ, Elon Musk từng là khách hàng của Morgan Stanley. Năm 2019, ông đã sử dụng 5 bất động sản để vay 61 triệu USD và hàng tỷ USD cổ phiếu Tesla để thế chấp.
Tham khảo Bloomberg