Cạm bẫy “tín dụng đen” trong công nhân ở Bình Dương
Những tháng gần đây, hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh Bình Dương diễn biến phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy cho đời sống xã hội, ảnh hưởng trong công tác đảm bảo ANTT. Nhiều công nhân, người lao động vì hoàn cảnh gia đình khó khăn mà phải “bấm bụng” vay mượn tiền và rơi vào bẫy của kẻ xấu.
- 09-10-2018Vay tiêu dùng lãi suất lên đến 40%-50% mỗi năm: Thực chất là “tín dụng đen” biến tướng
- 07-10-2018Chính phủ yêu cầu Bộ Công an ngăn chặn nạn tín dụng đen, cho vay nặng lãi
- 06-10-2018Không nên đánh đồng tín dụng đen với cho vay của công ty tài chính
Chị Nguyễn Thị D. (28 tuổi, quê quán Nghệ An), cho biết: Từ những tờ rơi quảng cáo với nội dung cho vay tiền, tôi và nhiều công nhân khác đã “dính bẫy” và dẫn đến nợ nần chồng chất. Do cần tiền chữa bệnh cho con gái 3 tuổi và đóng tiền phòng trọ, tôi đã phải cắn răng vay 4 triệu đồng. Mỗi ngày, tôi phải trả lãi 200.000 đồng. Biết là lãi cao nhưng tôi vẫn phải mượn, vì không vay được đồng nghiệp. Phần lớn ai cũng nghèo khổ và phải xa quê vào Bình Dương mưu sinh.
Còn anh Nuyễn Văn N. (ngụ Bình Dương), chua chát: “Vài tháng trước, do túng tiền thuê nhà trọ, tôi có đến Công ty TNHH Nhất Tín (tọa lạc khu phố Nhị Đồng, phường Dĩ An, thị xã Dĩ An) vay tiền. Đầu tiên, nhân viên công ty giữ lại toàn bộ bản chính các loại giấy tờ của người vay tiền như chứng minh nhân dân, hộ khẩu, cà vẹt xe. Sau đó, nhân viên soạn hợp đồng cho chính chủ tài sản thuê lại tài sản của chính mình. Lúc này, người vay tiền mới nhận được tiền vay. Lúc về nhà xem lại hợp đồng, tôi mới tá hoả với mức lãi suất cho vay do công ty đặt ra từ 7,5 - 20%/tháng, hoặc vay trả góp hàng ngày, góp hàng tuần, góp hàng tháng, tùy từng trường hợp”.
Triệu tập, lấy lời khai đối tượng hoạt động “tín dụng đen”.
Cũng theo anh N., nếu người vay 10 triệu đồng, thì mỗi ngày phải đóng 300.000 đồng, và đóng liên tục trong 40 ngày. Sau hoàn tất các thủ tục, người vay tiền chỉ nhận trên thực tế 9,6 triệu đồng; phần còn lại 400.000 đồng, bị khấu trừ cho “phí vay tiền”. Nếu người vay tiền không có khả năng đóng lãi, Công ty Nhất Tín sẽ cử các nhân viên đe dọa, gây sức ép, phải hoảng sợ, bỏ của chạy lấy người. Và tài sản thế chấp bị Công ty Nhất Tín chiếm đoạt. Thời gian qua, có không ít công nhân nhập cư, làm việc ở các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương đã bị hành hung, khủng bố tinh thần, mất hoàn toàn tài sản thế chấp cho Công ty Nhất Tín, vì không đủ khả năng trả nợ.
Vừa qua, Công an thị xã Dĩ An đã bắt giữ Lê Trọng Hiếu (20 tuổi), Lê Văn Tú (21 tuổi), Nguyễn Công Cường (26 tuổi), Nguyễn Đình Kỳ (28 tuổi), Nguyễn Văn Khải (29 tuổi), Nguyễn Hồng Quân (24 tuổi) và Hoàng Trọng Vinh (27 tuổi, cùng Bình Dương) có hành vi cho vay nặng lãi và cố ý gây thương tích. Tất cả đều là nhân viên Công ty TNHH Nhất Tín.
Bọn chúng đã khống chế, đánh đập anh Phạm Văn Lợi (28 tuổi, ngụ thị xã Dĩ An) để đòi nợ. Với chức năng hoạt động kinh doanh “tài chính”, Nhất Tín đã thành lập nhiều chi nhánh tại nhiều khu vực có đông công nhân làm việc, sinh sống, thuộc các khu công nghiệp tại thị xã Dĩ An, thị xã Tân Uyên, thị xã Thuận An, TP Thủ Dầu Một.
Hàng ngày, Nhất Tín quảng bá rình rang bằng tờ rơi phát đầy các nhà tập thể, khu công nghiệp, giao lộ, trên cột điện… thông tin “tất cả vì khách hàng vay tiền”.
“Công ty TNHH Nhất Tín cho vay tiền - Chỉ cầm giấy tờ xe, khách hàng vẫn có xe sử dụng - Cho vay 80% giá trị xe”. Do vậy, đã không ít công nhân “sập bẫy”. Qua khám xét Công ty Nhất Tín, cơ quan Công an đã thu giữ hơn 500 hợp đồng cho vay nặng lãi (chủ yếu là công nhân vay), nhiều sổ sách, chứng từ, phương tiện phục vụ cho hoat động “tín dụng đen”, 9 xe gắn máy, nhiều hung khí dùng để đòi nợ. Tổng giá trị mà công ty này cho công nhân vay hơn 4 tỷ đồng.
Trung tá Nguyễn Minh Thân, Phó trưởng Công an huyện Phú Giáo, cho biết, về mặt hình thức, các đối tượng thu lãi 1%/ngày, cao hơn rất nhiều so với lãi suất ngân hàng Nhà nước đang áp dụng. Do vậy, người vay để kinh doanh, buôn bán sẽ không có đủ lời để trả lãi suất cao. Sau khi vay 1-2 kỳ, nạn nhân sẽ mất khả năng thanh toán. Khi không còn khả năng chi trả lãi thì người vay lại tiếp tục vay nơi khác để trả nợ. Đến 4-5 kỳ thì mất hoàn toàn khả năng chi trả. Lúc này, các đối tượng cho vay sẽ đến nhà gây rối, đe dọa đòi nợ, có hành động đánh đập, phá hoại tài sản của bị hại...
Công an huyện Phú Giáo vừa tạm giữ Nguyễn Trọng Quyền (23 tuổi, quê quán Thanh Hóa) và Nguyễn Đăng Nghĩa (26 tuổi, quê quán Hải Phòng) để điều tra về hành vi hoạt động “tín dụng đen”. Cả hai chuyên cho các công nhân có hoàn cảnh khó khăn vay với lãi suất cao trên địa bàn.
Công an tỉnh Bình Dương, khuyến cáo: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có hàng trăm tổ chức hoạt động cho vay dưới các hình thức như, công ty cho vay, công ty cho thuê tài chính, các cơ sở cầm cố thế chấp tài sản… Các cá nhân, tổ chức này hoạt động tinh vi và chuyên nghiệp có nguồn cung cấp tài chính, người đi tiếp thị cho vay, người thu gom nợ và các đối tượng hình sự chuyên đòi nợ, siết nợ.
Hệ lụy của “tín dụng đen” đã làm phát sinh nhiều loại tội phạm như, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, thậm chí giết người… Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, để ngăn chặn tình trạng “tín dụng đen”, đề nghị người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác để không “sập bẫy”.
Công an nhân dân